Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam: Dấu hiệu “trục lợi” trong quản lý tài sản công?

(khoahocdoisong.vn) - Mặc dù, ông Đặng Anh Vinh, Trưởng phòng Quản trị thừa nhận có sai phạm trong quản lý tài sản công khi làm việc với phóng viên và hứa sẽ xử lý nghiêm. Tuy nhiên, ngay sau đó phóng viên ghi nhận các sai phạm vẫn diễn ra như chưa hề có sự phản ánh nào đến lãnh đạo Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Có hay không dấu hiệu lợi ích nhóm, nhằm trục lợi tại đơn vị này?

Sân trường hay bãi xe?

Theo bạn đọc phản ánh, nhiều năm nay diện tích sân trường tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam được biến thành bãi trông xe cho nhiều đơn vị bên ngoại Học viện, chủ yếu là cán bộ công nhân viên thuộc một Trung tâm Thương mại. Các điều kiện trông giữ xe không đảm bảo các điều kiện bến bãi như về Phòng cháy chữa cháy, điều kiện che chắn... nhưng kinh phí thu (vé) của đơn vị này vượt xa quy định của UBND TP Hà Nội ban hành.

Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam: Dấu hiệu “trục lợi” trong quản lý tài sản công? ảnh 1

Mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe ra vào để gửi tại khuôn viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.

Mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe ra vào để gửi tại khuôn viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.

Cụ thể: Theo mức phí dịch vụ chi tiết được quy định tại Phụ lục giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, xe ôtô trên địa bàn TP Hà Nội (ban hành kèm theo Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 của UBND TP Hà Nội) thì mức giá dịch vụ trông giữ xe máy (xe máy điện) tại các chợ, trường học, bệnh viện địa bàn các quận được phép thu 3.000đ/lượt vào ban ngày và 5.000đ/lượt vào ban đêm, cả ngày và đêm là 7.000đ/lượt và theo tháng là 70.000đ/xe/tháng.

Qua khảo sát, mỗi lần gửi nhanh, các nhân viên trông giữ xe tại đây thu phí theo ca, với ca sáng hoặc chiều mức giá thu là 5.000đ/lượt/xe máy, còn với cả 2 ca sẽ là 10.000đ/lượt/xe máy. Bên cạnh đó, những người trông giữ xe ở đây còn cho biết, hiện nhà trường có cho gửi xe ô tô cả ngày lẫn đêm, mức giá gửi mỗi xe ô tô từ 40.000đ/xe/lượt, cả ngày là 80.000đ/xe, gửi xe qua đêm dao động từ 80.000đ – 100.000đ/xe/đêm, còn đối với vé tháng sẽ là 1.800.000đ/tháng/xe.

Một vé gửi xe máy ca sáng tại khuôn viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.

Một vé gửi xe máy ca sáng tại khuôn viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.

Thực tế ghi nhận, mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe ra vào, được thu theo vé tháng và vé ngày. Đặc biệt, tại đây cũng không hề thấy có bảng dán niêm yết giá vé công khai theo quy định, vé xe cũng không hề in giá tiền gửi xe...

Như vậy, bằng một phép tính đơn giản, có thể thấy số tiền thu được từ hoạt động trông giữ xe mỗi ngày tại đây là một con số không hề nhỏ.

Tìm hiểu được biết, tổng diện tích sân gửi xe của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam là 4.719,46m2, giá cho thuê theo định giá là 26.550đ/m2/tháng, giá khởi điểm đấu giá cho thuê là 27.000đ/m2/tháng. Thời gian cho thuê là 1 năm. Mục đích cho thuê là cung cấp dịch vụ trông giữ xe cho cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên và khách của học viện.

“Thừa nhận có sai phạm”?

Để có thông tin khách quan, phóng viên (PV) đã liên hệ và đặt lịch làm việc tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Trao đổi với PV, ông Đặng Anh Vinh, Trưởng phòng Quản trị, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho biết, từ những năm 2018 về trước, Học viện cũng có khai thác mang tính chất vận dụng cho thuê thời vụ chứ không mang tính quy mô. Đến năm 2019, sau khi tính toán và nghiên cứu các điều kiện, Học viện đã lập đề án cho thuê tài sản công của nhà trường để trình Trung ương Đoàn và đã được phê duyệt tổ chức đấu giá. Sau khi đề án được phê duyệt, Học viện tổ chức đấu giá và đã có 45 đơn vị tham gia đấu giá, trong đó có 39 đơn vị và cá nhân trúng đấu giá cho thuê cơ sở vật chất. Ở đây, Học viện cho thuê theo 2 hình thức là cho thuê văn phòng làm việc và khai thác dịch vụ căng tin, bãi xe.

Ông Vinh cũng khẳng định, học viện có chủ trương trông giữ xe trong khuôn viên từ khi thành lập trường đến giờ. Những năm trước, học viện tổ chức trông giữ xe có lực lượng bảo vệ của Học viện trực tiếp trông giữ. Trong đề án cho thuê tài sản công trình Trung ương Đoàn, học viện có trình dịch vụ trông giữ xe. Căn cứ theo đề án được duyệt, tổ trông giữ xe trúng đấu giá phải trông giữ xe cho cán bộ của học viện và khách đến học viện. Ngoài ra, do học viện nằm ở vị trí trung tâm, gần các trung tâm thương mại nên cũng có nhiều người ngoài và người dân các khu vực lân cận vào gửi xe.

“Cán bộ, giảng viên, người lao động của Học viện là không mất tiền. Riêng sinh viên Học viện, vé tháng là 70.000đ/tháng, vé lượt là 3.000đ/lượt. Không chỉ vậy, chúng tôi còn đang trông giữ xe cho Học viện Ngoại giao với khoảng 20 xe ô tô và 450 xe máy của sinh viên. Bên cạnh đó, học viện cũng có khoảng gần 2.000 sinh viên, chưa kể học viên nên đang quá tải trông giữ xe” – ông Vinh thông tin thêm.

Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam: Dấu hiệu “trục lợi” trong quản lý tài sản công? ảnh 4

Hình ảnh hàng dài ô tô được gửi trong khuôn viên sân trường.

Hình ảnh hàng dài ô tô được gửi trong khuôn viên sân trường.

Khi PV đề nghị được cung cấp các văn bản, tài liệu liên quan đến sự việc trên,  ông Vinh từ chối và cho rằng: “Em đọc thôi chứ em không được chụp lại đâu, nếu em muốn chụp em phải có văn bản. Anh chỉ có trách nhiệm tiếp chứ anh không có trách nhiệm cung cấp bằng văn bản, còn văn bản thì phải giám đốc học viện mới quyết định được. Nếu em muốn lấy văn bản thì em phải có văn bản của báo gửi đến để giám đốc phê duyệt thì mới cung cấp”.

Thừa nhận có hiện tượng thu tiền gửi xe chưa đúng khung quy định, ông Vinh cho hay, sẽ cho kiểm tra, xác minh lại. “Tổ trưởng tổ trông giữ xe là ông Nguyễn Văn Phúc. Bất cứ ai trong tổ xe mà thu quá quy định gặp tôi sẽ xử lý ngay và sẽ có chế tài” – ông Vinh khẳng định.

Tuy nhiên, trái ngược với những lời khẳng định của ông Vinh, liên tiếp những ngày sau đó, PV đã nhiều lần đến gửi xe tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam nhưng tình trạng thu tiền gửi xe sai quy định tại đây vẫn tiếp diễn mà không hề thấy có biện pháp được chấn chỉnh.

Vậy tính minh bạch những khoản lợi nhuận của việc trông giữ xe này ra sao? Số tiền thu được từ hoạt động trông giữ xe được sử dụng và đóng thuế cho ngân sách nhà nước như thế nào? Thu chi tài chính được quản lý theo quy định nào của Nhà nước? Liệu có việc "trục lợi" trong việc cho trông giữ xe này hay không? Đây là vấn đề Báo KH&ĐS sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin.

Theo quy định tại Điều 10 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, một số hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công gồm: “Đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức. Giao tài sản công cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không có nhu cầu sử dụng.
Sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật...”.
Theo Đời sống
Người nhận lương hưu mất, thân nhân nhận chế độ gì?

Người nhận lương hưu mất, thân nhân nhận chế độ gì?

Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu qua đời được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu qua đời trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng.
back to top