Học trực tiếp lúc này có an toàn?

Việc có nên cho học sinh đến trường học trực tiếp trong thời điểm này hay không đã gây ra những tranh luận trái chiều.

Tranh cãi gay gắt

Trong văn bản hỏa tốc trưa ngày 5/12, Hà Nội cho đã "quay xe", chỉ cho phép học sinh lớp 12 đi học kết hợp giữa học trực tiếp và trực tuyến, học sinh các khối còn lại tiếp tục học trực tuyến từ ngày 6/12.

Quyết định đột ngột này của Sở GD&ĐT Hà Nội đã làm nóng nhiều diễn đàn, bởi trước đó, nhiều trường đã chuẩn bị cho học sinh đến trường học trực tiếp từ 6/12.

Nhiều phụ huynh chia sẻ, rất mong muốn cho con đến trường được học trực tiếp, bởi học trực tuyến đã quá mệt mỏi, các con cần được đến trường.

tro-lai-truong-truong-thpt-nguyen-gia-thieu-2.jpg
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Gia Thiều trở lại trường sáng 6/12 sau thời gian dài học trực tuyến. Ảnh: Đặng Liễu.

Chị Nguyễn Lan Hương, Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, chị rất mong con được đến trường học trực tiếp. Bởi virus sẽ không thể mất được, phải xác định sống chung, thích ứng linh hoạt với nó. Nếu cứ chờ cho hết virus thì chờ đến khi nào? Bố mẹ vẫn phải đi làm, tiếp xúc với nhiều người, nguy cơ mang bệnh về lây cho các con là rất lớn.

Trong khi đó, đối với trẻ, có những mốc, thời điểm phát triển kỹ năng quan trọng. Nếu cứ bắt các con ở nhà suốt ngày, vùi mặt trong thế giới ảo thì sẽ bỏ lỡ rất nhiều những thời điểm quan trọng đó của các con. Cho nên, cần cho các con đến trường và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, thay vì kéo dài thời gian các con ở nhà. Nhất là khi hiện nay, đa số các con cũng đã tiêm 1 mũi văcxin.

Đồng quan điểm với chị Hương, nhiều phụ huynh cho biết, con ở nhà lâu còn đối diện với những nguy cơ mà thậm chí còn nguy hiểm hơn cả Covid-19 vê sức khỏe tâm thần, cần cho con đi học ngay.

Chị Bích Ngọc, phụ huynh của một học sinh trường chuyên cho biết, con của chị là học sinh chuyên mà giờ đã lập nhóm chơi game, chat chít rào rào. Kiến thức cũng “rơi rụng” gần hết, các thầy cô cũng rất lo lắng. Chị mong từng ngày cho các con được đến trường.

Tuy nhiên, cũng có không ít phụ huynh phản đối việc cho học sinh trở lại trường thời điểm này. Anh Nguyễn Tiến Dũng, Bắc Từ Liêm cho hay, hiện số ca mắc mới mỗi ngày của Hà Nội tăng “phi mã” mỗi ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại, cho các con đi học lúc này rất nguy hiểm.

“Các con đã học trực tuyến một thời gian dài, cho dù không thể bằng được học trực tiếp, nhưng hiện nay các con cũng đã quen. Hơn nữa, trong những tình thế bắt buộc thì phải lựa chọn và khắc phục những hạn chế. Đồng ý là phải sống chung với Covid-19, nhưng không phải chọn thời điểm đang tăng cao và nguy hiểm lại cho phép học sinh trở lại trường như vậy”, anh Dũng nói.

Nhiều phụ huynh đồng tình với quan điểm của anh Dũng và cho rằng, việc ra quyết định cho học sinh đi học vào thời điểm này sẽ là mạo hiểm.

Tuy nhiên, không ít phụ huynh đã đáp trả lại gay gắt những ý kiến phản đối cho học sinh trở lại trường. Những phụ huynh này cho hay, ai muốn giữ con ở nhà, không đi học thì cứ giữ, nhưng không được làm ảnh hưởng tới hàng ngàn học sinh đang mong muốn được trở lại trường.

Phụ thuộc vào quyết định của ngành y tế

Trao đổi với phóng viên Khoa học và Đời sống, ông Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, cho con trở lại trường là mong muốn chính đáng của các phụ huynh. Với cương vị của một người làm giáo dục, ông cũng muốn cho học sinh được quay trở lại trường học trực tiếp.

tro-lai-truong-truong-thpt-nguyen-binh-khiem-2.jpg
Học sinh lớp 12 Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm tiêm văcxin Covid-19. Ảnh: Mai Loan.

Bởi thực tế, việc học trực tuyến, dù đã được nhà trường tổ chức để đảm bảo có được chất lượng giáo dục cao nhất, tuy nhiên vẫn có những hạn chế nhất định. Ví dụ như đường truyền mạng và sự tương tác bị hạn chế, đặc biệt là đối với những hoạt động tăng cường kỹ năng cho học sinh.

Chỉ khi học sinh đến trường, được học trực tiếp thì tất cả những hoạt động giáo dục được tổ chức một cách trọn vẹn.

Tuy nhiên, việc trở lại trường vào thời điểm nào thì phải theo quyết định của những người có chuyên môn về y tế, dịch tễ.

Đối với trách nhiệm của nhà trường, khi học sinh đi học trực tiếp, cần phải đảm bảo an toàn cho các em ở mức cao nhất. “Tiêm văc xin cũng chỉ là một trong những biện pháp để phòng dịch. Theo tôi, ý thức của mỗi người và việc thực hiện nghiêm túc quy tắc 5K rất quan trọng”, ông Nam nói.

Trước những tình hình dịch diễn biến phức tạp, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội đã hoãn cho học sinh trở lại trường vào ngày 6/12 theo kế hoạch.

Trong khi đó, từ thứ hai tuần này, nhiều trường THPT, học sinh lớp 12 đã trở lại trường sau nhiều tháng nghỉ dịch. Và để chuẩn bị cho các em đến trường an toàn, trước đó, các trường đã ban hành những hướng dẫn, phân công cụ thể.

Đặc biệt là hướng dẫn chi tiết trong việc xử trí phát hiện trường hợp học sinh mắc Covid-19 tại trường.

Theo văn bản được ký bởi Hiệu trưởng Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, những hướng dẫn của nhà trường  dựa trên nguyên tắc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, không để dịch lây lan trong nhà trường và trong cộng đồng.

Trong bản hướng dẫn, vai trò, nhiệm vụ của từng cán bộ, giáo viên đều được cụ thể tới từng đầu việc nhỏ.

tro-lai-truong-truong-thpt-nguyen-gia-thieu.jpg
Thông điệp 5K hiện lên bảng điện tử trước cổng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều trong sáng 6/12 đón học sinh trở lại trường.

Phản ánh tới Khoa học và Đời sống, nhiều giáo viên cho biết, họ ủng hộ phương án cho học sinh quay trở lại trường học, bởi nguy cơ đối với dịch bệnh không bằng nguy cơ về sức khỏe của các em khi học trực tuyến.

Tuy nhiên, một số lãnh đạo nhà trường và giáo viên cho rằng, hiện nay học sinh mới chỉ tiêm mũi 1, nếu các em bị nhiễm bệnh vẫn rất nguy hiểm.

Hơn nữa, Hà Nội đang tăng nhanh số ca nhiễm, như trong ngày hôm nay, con số mắc Covid-19 tăng cao kỷ lục, lên 774 ca. Chính vì vậy, việc cho học sinh lớp 12 nói riêng và học sinh khối THPT nói chung đi học trực tiếp vào lúc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Những ý kiến này cho rằng, nên cho các em học trực tuyến hết học kỳ 1, hoặc đến khi tiêm đủ mũi 2 văcxin Covid-19 sẽ an toàn hơn.

Trưa 5/12, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản điều chỉnh việc tổ chức dạy học trực tiếp đối với học sinh khối THPT trên địa bàn.

Thay vì cho tất cả học sinh vùng 1, vùng 2 đi học như chỉ đạo trước đó, thì Hà Nội thay đổi, chỉ cho học sinh khối 12 đi học trực tiếp kết hợp trực tuyến kể từ ngày 6/12. Học sinh cấp tiểu học, THCS và lớp 10, 11 tiếp tục học trực tuyến, khối mầm non nghỉ tại nhà.

Theo ghi nhận của phóng viên, một số trường trên địa bàn TP Hà Nội đã hoãn cho học sinh trở lại trường trong ngày 6/12 gồm: Trường Tiểu học - THCS - THPT Marie Curie, Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh, Trường THPT chuyên Ngoại ngữ - Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Tiểu học - THCS -THPT Nguyễn Siêu, Trường THPT Mỹ Đình, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên - Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường THCS - THPT Ban Mai...

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top