Học sinh có nhất thiết phải học nội dung Thiết kế mỹ thuật Sân khấu - Điện ảnh?

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Quyết định số 442/QĐ-BGDĐT ngày 28/1/2022 phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 10 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó có Môn Mỹ thuật.
Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần trong một tiết dạy thực nghiệm môn Mỹ thuật lớp 10.
Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần trong một tiết dạy thực nghiệm môn Mỹ thuật lớp 10.

Nghe nói về sự ra đời của bộ sách Mỹ thuật cho học sinh THPT, nhiều người lớn (nhà giáo, cha mẹ học sinh và những người đã từng qua cấp học này) đều vui mừng “Ôi, tại sao đến giờ mới có nhỉ? Các thế hệ học sinh trước thiệt thòi quá!”. Nhưng đến khi đọc tên các đầu sách, lại có nhiều ý kiến tham gia.

Đặc biệt, với nội dung Thiết kế mỹ thuật Sân khấu - Điện ảnh, nhiều người hỏi tôi:

- Học sinh cần gì phải biết, phải học nội dung Thiết kế mỹ thuật Sân khấu - Điện ảnh? Chỉ có ai mong muốn sau này theo học và làm Sân khấu - Điện ảnh mới cần học nội dung này? Chứ trong tuổi học trò làm sao ứng dụng được kiến thức nội dung này với đời sống? Ai đề ra các nội dung của môn Mỹ thuật THPT thế nhỉ?

Tôi xin được trả lời, bắt đầu từ câu hỏi thứ ba (3): Đó là, toàn bộ Chương trình giáo dục phổ thông môn Mỹ thuật được ban hành cùng Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, Chương trình môn Mỹ thuật có nội dung “Thiết kế mỹ thuật Sân khấu - Điện ảnh”.

Trở lại hai câu hỏi đầu: Học sinh ngày nay, từ nông thôn, miền núi đến các thành phố đã có nhiều điều kiện tiếp cận với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, trong đó có Nghệ thuật Sân khấu (kịch nói, ca kịch dân tộc, ca múa nhạc, tạp kỹ… và Nghệ thuật Điện ảnh (phim truyện, tài liệu, hoạt hình) chiếu rạp, tivi, nền tảng chia sẻ video trực tuyến, mạng xã hội...). Các em cần được giáo dục để có khả năng nhận thức được nội dung, cảm xúc, thẩm mỹ với các sản phẩm thuộc loại hình nghệ thuật này.

Với môn học Mỹ thuật và nội dung Thiết kế mỹ thuật Sân khấu - Điện ảnh, chúng ta chỉ có thể cung cấp cho học sinh góc nhìn thẩm mỹ đối với các hình ảnh của tác phẩm “Nghệ thuật thị giác” (vở diễn, tiết mục sân khấu hay bộ phim).

Khi có được kiến thức về Thiết kế mỹ thuật Sân khấu - Điện ảnh, các em học sinh dễ dàng có được những cảm xúc thẩm mỹ cần thiết từ việc tạo hình bối cảnh, tạo hình nhân vật của họa sĩ thiết kế mỹ thuật và các thành phần sáng tạo tác phẩm sân khấu - điện ảnh, và từ những cảm xúc ấy các em sẽ nhận thức đầy đủ hơn những vấn đề thuộc nội dung, phóng cách, sáng tạo của các nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn.

Như câu trả lời trên, học nội dung Thiết kế mỹ thuật Sân khấu - Điện ảnh chỉ để giúp các em xem kịch, xem phim tốt hơn thôi sao? hay chỉ cần thiết nếu các em có xu hướng theo nghề Thiết kế mỹ thuật sân khấu - Điện ảnh trong tương lai?

Có thể là đúng và cũng là rất tốt, nhưng trong trường học, bên ngoài cuộc sống, những học sinh của chúng ta luôn có nhu cầu và rất cần những kiến thức thiết kế mỹ thuật Sân khấu - Điện ảnh khi tổ chức một sinh hoạt văn hóa nào đó.

Ví dụ như tổ chức buổi sinh nhật của mình, bố, mẹ, bạn bè; tổ chức sân khấu trình diễn (hội diễn) ca múa nhạc - tạp kỹ trong trường học, hoặc khu dân cư; tổ chức một sự kiện, chương trình kỷ niệm hoặc phát động phong trào nào đó và thậm chí đơn giản chỉ là tạo bối cảnh phù hợp khi chụp ảnh để có sự hài hòa với nhân vật.

Các em cũng rất thích tham gia các hoạt động sân khấu, hoặc làm video clip với các kịch bản ngắn, tiểu phẩm để phản ánh một vấn đề trong cuộc sống, học đường, hoặc “sân khấu hoá” một trích đoạn văn học trong chương trình Ngữ văn… Rất nhiều thứ cần và có thể áp dụng kiến thức từ học phần Thiết kế mỹ thuật Sân khấu - Điện ảnh.

Ở góc độ hướng nghiệp, những năm trước đây, rất nhiều học sinh THPT thiếu hiểu biết về ngành nghề, để xác định năng khiếu phù hợp và rèn luyện đúng hướng nên các em gặp nhiều khó khăn hay có sự nhầm lẫn khi lựa chọn. Nay môn Mỹ thuật (nói chung) đã cung cấp cho các em những hiểu biết về các chuyên ngành mỹ thuật gồm: Lý luận và Lịch sử mỹ thuật, Hội hoa, Đồ họa tranh in, Thiết kế công nghiệp, Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang, Thiết kế mỹ thuật Sân khấu - Điện ảnh, Thiết kế mỹ thuật đa phương tiện, Kiến trúc.

Có vẻ như hầu hết các lĩnh vực khác nhau của mỹ thuật đã có trong môn học này để các em lựa chọn. Riêng nội dung Thiết kế mỹ thuật Sân khấu - Điện ảnh chương trình THPT cũng đã phân chia thành 3 nội dung cho 3 lớp: Lớp 10 - Thiết kế mỹ thuật sân khấu; Lớp 11 - Thiết kế bối cảnh Điện ảnh - phim Hoạt hình; Lớp 12 - Thiết kế trang phục nghệ thuật.

Với những câu trả lời trên đây, tôi nghĩ những ai quan tâm nói chung, phụ huynh và các em học sinh nắm được mục đích của môn học Mỹ thuật cũng như học phần “Thiết kế mỹ thuật Sân khấu - Điện ảnh là: “… Tăng cường hiểu biết về kiến thức mỹ thuật trong các lĩnh vực ngành nghề có liên quan, bồi dưỡng cảm xúc thẩm mỹ và tình yêu nghệ thuật, có định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân và nhu cầu xã hội” (trích từ “Chương trình giáo dục phổ thông môn Mỹ thuật” của Bộ GD&ĐT năm 2018).

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top