Hoang mang vì... thuế

(khoahocdoisong.vn) - Trong bối cảnh người dân đang gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, Thông tư 40 vừa được Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây đang góp phần tăng thêm hoang mang cho người dân trong những ngày qua.

Người dân hiểu sai?

Ngày 1/6/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 40/2021/TT-BTC về việc hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Theo đó, các loại hình phải chịu mức thuế GTGT 5% và thuế TNCN 2% bao gồm dịch vụ lưu trú, dịch vụ bưu chính, dịch vụ môi giới, dịch vụ tư vấn pháp luật, dịch vụ làm thủ tục hành chính thuế, hải quan, massage, karaoke, internet, may đo, giặt là, cắt tóc…

Sau khi thông tư ban hành, chị N.T.T.L. (hành nghề làm tóc tại quận Tân Bình, TPHCM) cho biết, tiệm của chị mở chủ yếu phục vụ nhu cầu bình dân nên thu nhập không cao như các salon lớn. Việc kinh doanh thì phải đóng thuế là điều hiển nhiên, tuy nhiên hiện nay đang trong giai đoạn dịch bệnh mà thu thuế theo doanh thu danh nghĩa thì không có khả năng vì không có thu nhập. “Đóng thuế thì cũng tốt, nhưng Nhà nước nên giãn giãn ra sau này và có cách tính hợp lý, vì hiện nay các hàng quán, cửa tiệm, salon đều phải đóng cửa do dịch bệnh nên không có nguồn thu nhập. Nếu bắt dân đóng thuế cả trong giai đoạn này thì cũng tội nghiệp”, chị L. chia sẻ.

Con hẻm chuyên làm tóc, móng tay gần chợ Bến Thành (TPHCM) phải đóng cửa vì dịch bệnh.

Con hẻm chuyên làm tóc, móng tay gần chợ Bến Thành (TPHCM) phải đóng cửa vì dịch bệnh.

Trước phản hồi của người dân, mới đây, Tổng cục Thuế cho biết, đây là cách hiểu sai, vì quy định này đã được áp dụng ổn định từ năm 2015, chứ không phải quy định mới.

Cụ thể, theo quy định tại điểm 2, Phụ lục 01 về danh mục ngành nghề tính thuế GTGT, thuế TNCN theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với cá nhân kinh doanh ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính, thì mức thuế GTGT 5% và thuế TNCN 2% áp dụng đối với hộ và cá nhân kinh doanh các dịch vụ tắm hơi, massage, karaoke, internet, may đo, giặt là, cắt tóc... Danh mục này đã được áp dụng ổn định từ năm 2015. Đến nay, theo hướng dẫn tại Thông tư 40/2021/TT-BTC không có sửa đổi nội dung này.

Các hộ kinh doanh trong lĩnh vực này nếu đã được cơ quan thuế thông báo mức thuế khoán từ đầu năm, nếu trong năm có ngừng, tạm ngừng hoặc bị ảnh hưởng sụt giảm doanh thu do dịch bệnh thì cơ quan thuế sẽ thực hiện điều chỉnh doanh thu và mức thuế khoán theo thực tế.

Cũng theo phản hồi của Tổng cục Thuế, tại Thông tư số 40/2021/TT-BTC đã có hướng dẫn cụ thể về việc cơ quan thuế có trách nhiệm điều chỉnh doanh thu và mức thuế khoán trong trường hợp hộ khoán ngừng, hoặc tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà không yêu cầu hộ kinh doanh thực hiện nhiều thủ tục hành chính như quy định trước đây tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC. Cơ quan thuế căn cứ văn bản yêu cầu ngừng hoặc tạm ngừng của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để điều chỉnh mức thuế khoán theo thực tế cho thời gian yêu cầu ngừng, hoặc tạm ngừng kinh doanh.

Tuy nhiên, theo Thông tư 40 vừa được Bộ Tài chính ban hành tại điều 7, khoản 3 ghi rõ: “Hộ khoán kinh doanh không trọn năm (không đủ 12 tháng trong năm dương lịch) bao gồm: Hộ khoán mới ra kinh doanh, hộ khoán kinh doanh thường xuyên theo thời vụ, hộ khoán ngừng, tạm ngừng kinh doanh. Đối với hộ khoán kinh doanh không trọn năm, mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định hộ khoán không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN là doanh thu tính thuế TNCN của một năm dương lịch (12 tháng); doanh thu tính thuế thực tế để xác định mức thuế khoán phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế kinh doanh”.

Luật Thuế bị “uốn nắn”?

Cũng tại Thông tư 40, điều 9, khoản 1, điểm C hướng dẫn: “Cá nhân cho thuê tài sản không phát sinh doanh thu đủ 12 tháng trong năm dương lịch (bao gồm cả trường hợp có nhiều hợp đồng cho thuê) thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân cho thuê tài sản không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN là doanh thu tính thuế TNCN của một năm dương lịch (12 tháng); doanh thu tính thuế thực tế để xác định số thuế phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế phát sinh cho thuê tài sản.

Ví dụ, Ông B. phát sinh hợp đồng cho thuê nhà với thỏa thuận tiền cho thuê là 10 triệu đồng/tháng trong thời gian từ tháng 10/2022 đến hết tháng 9/2023. Như vậy, doanh thu thực tế năm 2022 là 30 triệu đồng, nhưng tổng doanh thu tính theo 12 tháng của năm 2022 là 120 triệu đồng; doanh thu thực tế năm 2023 là 90 triệu đồng, nhưng tổng doanh thu tính theo 12 tháng của năm 2023 là 120 triệu đồng. Do đó, ông B. thuộc trường hợp phải nộp thuế GTGT, phải nộp thuế TNCN tương ứng với doanh thu thực tế phát sinh của năm 2022 và năm 2023 theo hợp đồng nêu trên”.

Theo lý giải của một đại diện Tổng cục Thuế: “Cách làm này nhằm hạn chế chuyện né thuế và đảm bảo công bằng với cá nhân kinh doanh các ngành nghề khác” - vị này cho biết quy định này căn cứ theo Luật thuế TNCN, Luật Quản lý thuế... Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cách giải thích này không hợp lý.

Mặt bằng cho thuê liên tục bị trả lại do dịch Covid-19.

Mặt bằng cho thuê liên tục bị trả lại do dịch Covid-19.

TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, trong phần ví dụ của điểm này, Bộ Tài chính đã dẫn chứng ông B. cho thuê nhà từ tháng 10/2022 đến hết tháng 9/2023 với tiền thuê nhà 10 triệu đồng/tháng phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN do tổng doanh thu tính theo 12 tháng là 120 triệu đồng là đi ngược với Luật Thuế TNCN và nghị định hướng dẫn.

Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), cách tính thuế GTGT, thuế TNCN đối với doanh thu cho thuê nhà trên 100 triệu đồng/năm là chưa công bằng giữa các đối tượng có nhà cho thuê. Hạn mức đánh thuế quá thấp sẽ không khuyến khích phát triển thị trường nhà cho thuê. Hiệp hội này đề nghị Bộ Tài chính xem xét thay đổi cách tính thuế. "Trước mắt có thể nâng hạn mức doanh thu cho thuê nhà trên 200 triệu đồng/năm mới phải chịu thuế GTGT, thuế TNCN. Mức thu này sẽ hợp lý hơn và tạo điều kiện để khuyến khích phát triển thị trường nhà cho thuê”, HoREA đề xuất.

Lý giải mức chịu thuế đề xuất là 200 triệu đồng/năm, theo HoREA, hiện tại các quận ven trung tâm TPHCM giá căn hộ trung cấp có 2 phòng ngủ với diện tích khoảng 75m2 đã khoảng 3,5 - 4 tỷ đồng. Nhưng giá cho thuê chỉ 12 - 15 triệu đồng/tháng nếu chủ nhà đầu tư đủ nội thất. Với mức này, doanh thu cho thuê nhà 1 năm khoảng 144 - 180 triệu đồng. Để thu hồi vốn gốc phải mất 19 - 24 năm.

“Trong lúc chủ nhà vừa phải bỏ ra nguồn vốn đầu tư có giá trị lớn, vừa phải trả lãi vay, vừa phải chịu trách nhiệm bảo trì nhà... Nên dù người cho thuê vẫn có sở hữu căn nhà, nhưng mức hấp dẫn của thị trường nhà cho thuê bị sụt giảm”, HoREA lý giải.

Theo Đời sống
Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng có giá bán lên tới 5 triệu đồng/kg. Tuy nhiên thị trường hiện nay, loại hải sản quý hiếm này được rao bán tràn lan với giá rẻ bất ngờ.
back to top