Hoang mang khi chọn mua sữa công thức cho trẻ

Các bậc cha mẹ thông minh thường chọn mua sữa bột cho con theo thương hiệu uy tín và công thức dinh dưỡng trên nhãn mác. Tuy nhiên, ngay cả những cha mẹ thông minh nhất cũng không khỏi bối rối nghi ngại khi mà thị trường có hàng trăm hãng với nhiều giá tiền khác nhau, công thức khác nhau nhưng đọc kỹ lại na ná như nhau…

Phân vân vì nhiều lý do

Chị Nguyễn Thị Ngọc Bình, tập thể Hồ Quỳnh, 88 Võ Thị Sáu có duy nhất một cậu con trai. Muốn con cao khỏe thông minh nên dù cháu đã vào lớp 1 chị Bình vẫn thường xuyên mua sữa bột công thức của hãng Abbot cho con uống. Vừa rồi hết sữa, chị lại ra hàng sữa quen hỏi mua Abbott Grow Gold dành cho trẻ 6 tuổi trở lên nhưng hết hàng.

Chủ cửa hàng tư vấn cho chị mua Abbott Grow Gold dành cho trẻ từ 3-6 tuổi với lý do là “thành phần dinh dưỡng tương tự nhau”. Con hết sữa uống nên chị Bình cũng đành mua dùng tạm. Về nhà, lôi vỏ hộp cũ ra so sánh cũng thấy thành phần dinh dưỡng loại 3-6 tuổi và loại trên 6 tuổi của Abbott chẳng khác nhau là mấy.

Chị Bình nghĩ, trẻ mỗi độ tuổi cần chế độ dinh dưỡng riêng phù hợp với sự vận động và phát triển. Nếu công thức giống nhau như thế này thì cần gì phân ra nhiều loại theo độ tuổi. Chỉ cần một loại từ 3 tuổi trở lên là xong.

Trẻ từ 3-6 tuổi là một khoảng cách khá dài về tăng trưởng, cân nặng thể trọng, cũng như khác biệt trong vận động (trẻ lớn tiêu hao nhiều năng lượng) nếu cùng uống một loại sữa thì có phù hợp không? Cứ băn khoăn về thắc mắc này, chị Bình đã điện thoại đến đường dây nóng của Báo Khoa học & Đời sống yêu cầu giải đáp.

Các bậc cha mẹ không khỏi phân vân khi đứng trước hàng trăm loại sữa công thức.

Không chỉ riêng chị Bình mà nhiều bạn đọc có con, cháu nhỏ cũng từng gửi thư tới tòa soạn thắc mắc về nội dung này. Để giải đáp những băn khoăn của độc giả, phóng viên KH&ĐS đã khảo sát một số tụ điểm chuyên bán sữa bột công thức cho trẻ ở Hà Nội như: phố Nguyễn Sơn, Bạch Mai, Tây Sơn, Mạc Thị Bưởi…

Tại đây, phóng viên KH&ĐS nhận được rất nhiều câu hỏi của các ông bố bà mẹ khi mua sữa là: Sữa dinh dưỡng có các loại nào, phân biệt chất lượng ra sao, mua siêu thị hay đại lý thì đảm bảo sữa thật? Sữa tăng khả năng cho bé thì có loại nào? Có chống chỉ định gì không? Sữa của Mỹ, Anh, Nga, Nhật, Hàn có hợp với trẻ Việt Nam?…

Người tiêu dùng chưa thông minh

Chị Thu Hà, một chủ cửa hàng bán sữa xách tay lâu năm trên phố Nguyễn Sơn cho biết, đúng là một số loại sữa, công thức khá na ná như nhau, hầu như rất ít sự khác biệt và cũng không thể nói cái nào tốt hơn cái nào. Đội tuổi 3-6 và trên 6 tuổi của sữa Abbott Grow Gold nhìn vào thành phần cơ bản là năng lượng, chất đạm, chất béo thì thấy sự khác biệt cực kỳ nhỏ, chỉ tối đa 1%, thậm chí không khác biệt.

Tuy nhiên nhìn vào tỷ lệ khoáng chất, vitamin thì có một ít sự khác biệt nhưng bản thân các chủ cửa hàng cũng không nắm được sự khác biệt này. Nhân viên bán hàng cũng không đọc được chữ tiếng Hàn, Nhật, Anh, Nga, Pháp… nên cũng chỉ tư vấn cho khách những loại sữa phổ biến thông thường, chủ yếu là khách nghe quảng cáo, nghe bạn bè mách rồi quyết định chọn mua.

Hiện nay, thị trường sữa công thức có hàng trăm nhãn mác, nhiều loại nhập khẩu nên cả người bán lẫn người mua cũng đọc nhìn thông tin theo cảm tính chứ không nắm được tỷ lệ dinh dưỡng nào cần.

Nhiều bậc cha mẹ chọn mua sữa theo cảm tính, theo quảng cáo, chưa nắm được thông tin nhãn.

Chị Nga, đại lý Sữa Nghi Nga 184 Tây Sơn (Hà Nội) cũng cho biết, sữa bột công thức bày bán trong các siêu thị hầu như không có ai tư vấn. Người mua cứ tự tìm hiểu, thích thì chọn. Các đại lý cũng không được hướng dẫn là có công thức nào là chuẩn cho trẻ 3 tuổi hay trẻ 6 tuổi.

Nhiều gia đình mua theo quảng cáo hoặc con thích loại nào thì mua. Giá sữa 1 hộp có thể chênh nhau từ vài chục đến cả trăm nghìn tùy theo đại lý, tùy theo tình trạng cung ứng. Thường thì giá đại lý sẽ rẻ hơn giá ở siêu thị. Nhưng khi có biến động thì giá ở siêu thị luôn ổn định hơn.

Nhiều thời điểm giá sữa bên ngoài biến động trước các đợt tăng giá của hãng sữa thì siêu thị vẫn khá ổn định và có độ trễ từ 1-2 tuần. Nói chung, ở Việt Nam các mẹ vẫn mua sữa cho con theo cảm tính, theo nhân viên tiếp thị quảng cáo, thậm chí ham khuyến mại chứ chưa thật sự căn cứ trên thể trạng của con.

Nhóm PV Y tế

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top