Hoàng Diệu - chọn cái chết để bảo toàn khí tiết - kỳ 2: Quyết sống chết với thành Hà Nội

(khoahocdoisong.vn) - Quyết sống chết với thành Hà Nội, dù vua Tự Đức đã chấp nhận mất miền Bắc để giữ được ngai vàng, cho thấy quyết tâm một lòng vi dân, vì nước của Hoàng Diệu.

Lần thứ hai ra Bắc

Lúc này Bắc Kỳ nói chung và Hà Nội nói riêng, đang trong tình trạng nguy ngập trước mối đe doạ bị thực dân Pháp đánh chiếm lần thứ 2. Hoàng Diệu biết rõ dã tâm của Pháp và vị trí xung yếu của thành Hà Nội.

Trong tờ biểu gửi triều đình, ông viết: “Tôi trộm nghĩ rằng, Hà thành là đất cuống họng của Bắc Kỳ, lại là khu yếu hại của bản quốc. Nếu một ngày tan thành như đất lở, thì các tỉnh lần lượt mất như ngói bong. Tôi lấy làm lo. Khẩn thư các hạt, tâu lên triều đình, xin cho thêm binh, may sớm kịp việc”; đồng thời ông chuẩn bị đề phòng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu của địch.

Từ năm 1880-1882, ông đã nhiều lần dâng sớ xin triều đình chi viện để củng cố phòng tuyến chống giặc tại Hà Nội, nhưng không nhận được hồi âm từ Huế.

Đầu năm 1882, lấy cớ Việt Nam không tôn trọng Hiệp ước năm 1873 mà lại đi giao thiệp với Trung Hoa, dung túng quân Cờ Đen, một nhánh quân của Thái Bình Thiên Quốc, ngăn trở việc giao thông trên sông Hồng của người Pháp, Đại tá Hăngri Rivie đem quân từ Sài Gòn ra Bắc Kỳ, tăng quân ở Hà Nội, Hải Phòng, lấy cớ bảo vệ sinh mạng và tài sản của lái buôn Pháp, thực chất là tiến công đánh chiếm Bắc Kỳ.

Khi quân Pháp đổ bộ lên Hà Nội, Hoàng Diệu đã cấp báo về triều đình cho điều quân từ Thái Nguyên và Sơn Tây để chi viện, Tự Đức không nghe, lại còn quở trách “đem binh doạ địch, chế ngự sai đường”. Hà Nội đã hoàn toàn rơi vào thế cô lập, nhưng tinh thần quyết chiến của Hoàng Diệu không gì lay chuyển, ông tích cực củng cố thành luỹ, tăng thêm quân và huấn luyện quân sĩ, chuẩn bị kho tàng, vạch kế hoạch phối hợp với các địa phương khi có chiến sự, sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu của địch.

Quyết sống chết với thành Hà Nội

Tuy nhiên phái chủ bại của triều đình Huế đã thuyết phục vua Tự Đức chấp nhận mất miền Bắc để giữ an toàn cho ngai vàng. Nhưng Hoàng Diệu đã quyết tâm sống chết với thành Hà Nội. Các quan xung quanh Hoàng Diệu lúc bấy giờ có Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng, Đề đốc Lê Văn Trinh, Bố chính Phan Văn Tuyển, Án sát Tôn Thất Bá và Lãnh binh Lê Trực đã cùng nhau uống rượu hoà máu tỏ quyết tâm sống chết với Hà thành.

Rạng sáng ngày 25/4/1882, Hăngri Rivie cho tầu chiến áp sát thành Hà Nội, đưa tối hậu thư yêu sách ba điều: phá các phòng thủ trong thành; giải giới binh lính; đúng 8 giờ, các vị quan văn võ trong thành Hà Nội phải thân đến trình diện với Hăngri Rivie. Sau đó quân Pháp sẽ vào thành kiểm kê, xong sẽ giao trả lại thành.

Hoàng Diệu tiếp tối hậu thư, liền sai Tôn Thất Bá vượt thành thương thuyết với quân Pháp, nhằm có thêm thì giờ chuẩn bị chiến đấu tốt hơn. Nhưng không đợi trả lời, lúc 8 giờ 15 phút, Hăngri Rivie với 4 tầu chiến bắn vào thành, yểm trợ cho số quân 450 người và một ít thân binh đổ bộ hòng chiếm thành Hà Nội.

Tôn Thất Bá đã lập kế thừa cơ trốn chạy vào làng Mọc (Nhân Mục) ở phía đông nam Hà Nội theo Pháp và thông báo tình hình trong thành Hà Nội cho Pháp. Đồng thời Bá cũng dâng sớ lên vua Tự Đức đổ tội cho Hoàng Diệu và xin với Pháp cho Bá thay làm Tổng đốc Hà Ninh.

(còn  nữa)

Theo Đời sống
back to top