Hoàng Diệu - chọn cái chết để bảo toàn khí tiết

(khoahocdoisong.vn) - ​​​​​​​Hoàng Diệu - chọn cái chết để bảo toàn khí tiết. Sống thanh bạch, hy sinh oanh liệt và lòng tận tụy vì dân, vì nước của Hoàng Diệu còn mãi trong lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Hai anh em cùng đỗ một khoa                                        

Hoàng Diệu (1828-1882), là quan nhà Nguyễn, tướng trung liệt, người đã quyết tử bảo vệ Thành Hà Nội khi Pháp tấn công năm 1882. Ông quê làng Xuân Đài, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam); tổ bảy đời vốn gốc làng Huệ Trù, xã Lộc Trù, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương di cư vào Quảng Nam.

Hoàng Diệu tên thật là Hoàng Kim Tích sau đổi là Hoàng Diệu, hiệu Tỉnh Trai. Ông sinh năm Mậu Tý trong một gia đình có truyền thống nho giáo, cha ông làm hương chức. Sử chép rằng gia đình Hoàng Diệu có 1 người đỗ phó bảng, 3 người đỗ cử nhân, 2 người đỗ tú tài trong các kì thi dưới thời Tự Đức. Một trong những hậu duệ của ông hiện tại là nhà toán học Hoàng Tuỵ.

Hoàng Diệu nổi tiếng thông minh, hiếu học; là người nổi bật nhất trong số các anh em trong gia đình. Năm 20 tuổi ông đã đồng đỗ cử nhân với anh trai là Hoàng Kim Giám, khi ấy 23 tuổi khoa Mậu Thân 1848 trong khoa thi Hương tại Thừa Thiên, năm 25 tuổi đỗ phó bảng khoa Quý Sửu 1853, thời Tự Đức, được triều đình nhà Nguyễn bổ làm tri huyện Tuy Phước, rồi thăng tri phủ Tuy Viễn (Bình Định).

Chăm lo cho dân Bắc Hà, ngoài Hoàng Diệu ra không ai hơn

Năm 1864, xảy ra vụ nổi dậy của Nguyễn Phúc Hồng Tập, con hoàng thân Miên Áo, em chú bác của vua Tự Đức, cùng với một số người khác. Bại lộ, Hồng Tập và Nguyễn Văn Viện bị án chém. Hoàng Diệu đến nhậm chức tri huyện Hương Trà thay Tôn Thất Thanh, có mặt trong lúc hành quyết đã nghe thấy Hồng Tập nói: “Vì tức giận về hoà nghị mới bị tội, xin chớ ghép vào tội phản nghịch”.

Các quan Phan Huy Kiệm, Trần Gia Huệ và Biện Vĩnh tâu lên Tự Đức, đề nghị nhà vua nên theo gương Hán Minh Đế thẩm lại vụ án. Tự Đức phán, vụ án đã được đình thần thẩm xét kỹ, nay nghe Phan Huy Kiệm nói Hoàng Diệu đã kể lại lời trăng trối của Hồng Tập, bèn giáng chức Phan Huy Kiệm, Trần Gia Huệ, Biện Vĩnh và Hoàng Diệu.

Được phục chức sau vụ “tẩy oan” Hồng Tập, Hoàng Diệu lần đầu ra Bắc năm 1868 làm Tri phủ Đa Phúc, rồi Tri phủ Lạng Giang, Án sát Nam Định, Bố chính Bắc Ninh; ông lập nhiều quân công, dẹp trộm cướp và an dân, là người nổi tiếng công minh và thanh liêm, cảnh nhà thanh bạch, ở đâu cũng được nhân dân kính trọng, yêu mến. Vua Tự Đức phải khen “Chăm lo cho dân Bắc Hà, ngoài Hoàng Diệu ra không ai hơn”, càng khẳng định tài đức của ông.

Năm 1873,  Hoàng Diệu được triệu về kinh đô Huế giữ chức Tham tri Bộ Hình rồi Tham tri Bộ Lại, kiêm quản Đô Sát Viện, dự bàn những việc ở Cơ Mật Viện. Năm 1878, đổi làm Tuần phủ Quảng Nam.

Do thực hiện tốt nhiệm vụ tuần vũ, được thăng Tổng đốc An-Tĩnh (Nghệ An-Hà Tĩnh) nhưng vì nguyên Tổng đốc Nguyễn Chính vẫn lưu nhiệm nên ông ở lại Huế, làm Tham tri Bộ Lại.

Năm 1879, được triều đình uỷ nhiệm chức Phó toàn quyền Đại thần, để đàm phán với sứ bộ Y Pha Nho (Tây Ban Nha) về việc thông thương trên đất Việt Nam. Sau đó được thăng Thượng thư Bộ binh.

(còn nữa)

Theo Đời sống
back to top