Hoàng đản: chứng bệnh nguy hiểm của Đông y

Tình trạng vàng mắt, vàng da, toàn thân vàng, tiểu tiện vàng, trong Đông y là chứng hoàng đản. Đây là bệnh nguy hiểm phần lớn do thấp nhiệt uất kết, tà không có lối thoát, ứ tụ lại sinh ra hoàng đản.

Biểu hiện của bệnh hoàng đản (Ảnh minh họa).

Bệnh từ tạng phủ lan ra bên ngoài

Hoàng đản là tên một loại bệnh hoặc gọi chung là bệnh – chứng. Biểu hiện chủ yếu của bệnh này là mắt vàng, da vàng, toàn thân vàng, tiểu tiện vàng, trong đó mắt vàng là đặc trưng của loại bệnh này.

Qua nhiều đời nghiên cứu và hoàn thiện người ta cho rằng, hoàng đản là do nước mật tiết ra ngoài mà gây bệnh. Bởi chữ đản còn có âm là đảm mà đảm lại là mật, cho nên người ta mới gọi hoàng đản hay hoàng đảm cũng thế. Thẩm Kim Ngao đời Thanh còn nhận thức thêm một bước nữa về tính nghiêm trọng của chứng hoàng đản như: Khí dịch lệ lưu hành, gây nên chứng vàng da, tục gọi là ôn hoàng, làm chết người rất nhanh.

Biểu hiện là mình đau mà sắc hơi vàng, bựa răng vàng, móng chân tay vàng, đó là hoàng đản. Bệnh phát sinh phần nhiều do ứ nhiệt và thấp nhiệt cùng giao tranh không bài tiết và toát ra ngoài được mà gây bệnh. Cũng có khi do hàn thấp ở phần lý không giải được rồi gây bệnh.

Bệnh này có chia ra thuộc âm, thuộc dương ở tạng ở phủ. «Thiên nói về chứng đản sách Lâm chứng chỉ nan y án» nói: hoàng đản là người vàng, mắt vàng, đi đái vàng, bệnh do thấp tà gây nên, có âm có dương ở tạng, ở phủ.

Nếu là dương hoàng, thấp hóa theo hỏa, ứ nhiệt ở trong, đởm (mật) bị nhiệt, nước dịch tiết ra …nung nấu uất kết trở trệ, xâm nhập vào phế mình và mắt đều vàng, nhiệt dồn xuống bàng quang, nước tiểu biến thành màu đỏ, vàng như quả quất. Bởi vì dương chủ về sáng, điều trị ở vỵ.

Nếu là âm hoàng, thấp theo hàn thủy, tỳ dương không hóa được nhiệt, nước dịch ở đởm do thấp tà gây trở trệ, ngâm đọng ở tỳ, rồi thấm dần vào cơ nhục, tràn ra bì phủ (vàng da), vàng như hun khói. Bởi vì âm chủ về tối mờ, điều trị ở vỵ. Nói chung người ta chia hoàng đản ra hai loại lớn : dương chứng và âm chứng.

Đây là một loại chứng hậu do tỳ thấp vỵ nhiệt uẩn kết nung nấu làm cho mặt, mắt và toàn thân bị vàng, tiểu tiện không thông lợi mà đỏ.

Đủ các nguyên nhân gây bệnh nên tùy chứng để trị

Nguyên nhân gây ra chứng bệnh hoàng đản có ngoại cảm phong thấp, thời hành cảm mạo (cảm mạo theo mùa), tà nắng nóng còn uất phục lại chưa giải hết hoặc ăn uống, uống rượu làm tổn thương, có nhiều nhân tố khác nhau.

Tóm lại, phần lớn là do thấp nhiệt uất kết, tà không có lối thoái, ứ tụ lại sinh hoàng đản. Có nhiều loại hoàng đản, song căn cứ vào quy nạp của chứng hậu, nói chung có thể chia làm hai loại: âm hoàng và dương hoàng.

Dương hoàng là thấp nhiệt uất kết, ứ tụ lại sinh ra vàng.  Nói chung biểu hiện có các triệu chứng như mạch sác, mình nóng, khát nước, mặt mắt bì phù, vàng đạm, sáng tươi như màu quả quýt chín, tiểu tiện vàng đỏ, đại tiện bí kết. Điều trị chứng dương hoàng ở vỵ, thanh nhiệt lợi thấp là chủ yếu, song cần phải phân biệt rõ nhiệt thắng hay thấp thắng (thiên về nhiệt hay thiên về thấp).

Nếu mệt mỏi, chán ăn, lợm giọng nôn mửa, không khát, rêu lưỡi trắng nhợt, đó là triệu chứng thấp thắng nhiệt, phương pháp điều trị nặng về ổn hóa thảm thấp, lợi tiện. Nếu khát nước rêu lưỡi vàng khô, tiểu tiện xẻn đỏ, là triệu chứng nhiệt thắng thấp, thì thanh nhiệt, lợi tiểu tiện là chủ yếu.

Nếu mình nóng, mệt mỏi vùng ngực bứt rứt, lười nói, rêu lưỡi vàng nhớt, tiểu tiện xẻn đỏ, đó là thấp nhiệt đều thịnh, điều trị nên thanh lợi thấp nhiệt.

Âm hoàng là chứng hậu âm hàn như tỳ vị hư nhược, hàn thấp không hóa được hoặc biến chứng của hoàng đản (phần nhiều do chứng âm hoàng kéo dài không được điều trị đúng mức, hoặc dùng quá nhiều thuốc hàn lương gây nên). Triệu chứng biểu hiện phần nhiều tay chân lạnh toát, cứng đơ (quyết lãnh), mạch tượng trầm tế, sắc da vàng xỉn, mờ, địa tiện lỏng. Điều trị chứng âm hoàng ở tỳ nên ôn vận tỳ dương là chủ yếu.

TTND Lương y giỏi Trần Văn Quảng (Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top