Hoại tử hậu môn vì chủ quan với trĩ

(khoahocdoisong.vn) - Chỉ vì chủ quan với bệnh trĩ mà có không ít bệnh nhân phải phẫu thuật rất nhiều lần, làm cả hậu môn nhân tạo vì trĩ lớn sa toàn bộ ra ngoài, loét hoại tử.

Phẫu thuật nhiều lần cũng khó cứu hậu môn

Chị Trần Thị K., 31 tuổi (Bắc Giang), mắc bệnh trĩ 11 năm nay nhưng ngại không đi khám chỉ chữa theo kinh nghiệm dân gian. Khoảng 1 tháng nay, chị thấy đau rát nhiều, đi vệ sinh khó khăn, trĩ có biểu hiện sưng to hơn. Chị K. được giới thiệu sử dụng thuốc Nam. Khi bôi, chị thấy đau rát, bỏng và loét vùng hậu môn và trĩ sa to nhiều hơn. Khi búi trĩ có nhiều điểm tím đen, chị không nằm, không ngồi được mới đi khám.

PGS.TS Triệu Triều Dương – Viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, chị K. bị trĩ hỗn hợp độ IV, hoại tử rộng vùng cơ hậu môn và tầng sinh môn. Các bác sĩ đã phẫu thuật cắt lọc búi trĩ hoại tử, làm hậu môn nhân tạo đại tràng sigma, sau đó tiếp tục điều trị ngâm rửa để chờ phẫu thuật những lần tiếp theo.

Bệnh nhân K. cần phải phẫu thuật nhiều lần mới hy vọng cải thiện một phần chức năng tự chủ của hậu môn. Di chứng rất nặng nề sau điều trị nguy cơ bệnh nhân bị hẹp hậu môn, rối loạn chức năng hậu môn do tổn thương cơ thắt hậu môn và có thể phải tạo hình cơ thắt hậu môn.

PGS.TS Triệu Triều Dương cho biết, bệnh trĩ là một bệnh lý liên quan đến biến đổi cấu trúc bình thường của ống hậu môn. Đây là một bệnh có tỉ lệ người mắc cao, chiếm khoảng 50% dân số, gây nhiều khó chịu, phiền toái, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, tâm lý, sinh hoạt, lao động  và công tác. Khi chưa có biến chứng, biểu hiện chính của bệnh là chảy máu ở hậu môn; cảm giác vướng, khó chịu ở lỗ hậu môn và thấy các búi trĩ lộ ra ngoài.

Tại Việt Nam, bệnh này chưa được quan tâm, điều trị sớm do tâm lý e ngại, thiếu tự tin hoặc những hạn chế về nhận thức đối với bệnh. Do vậy, một số người bị trĩ chỉ đến bệnh viện khi có những biến chứng như mất máu do ỉa máu tươi, sa trĩ tắc mạch, hoặc nhiễm khuẩn.

Bệnh trĩ biến chứng loét, hoại tử.

Bệnh trĩ biến chứng loét, hoại tử.

Nhiều bệnh lý kèm theo và biến chứng nguy hiểm

Theo PGS.TS Triều Triều Dương, trong nhận thức chung của mọi người, coi tất cả những biểu hiện khó chịu ở vùng hậu môn, trực tràng là bệnh trĩ, ngại ngùng đi khám bệnh. Ngay chính thầy thuốc nhiều khi cũng dễ chấp nhận một chẩn đoán chung chung như vậy mà không kiểm tra cụ thể. Bệnh nhân trĩ thường kèm theo các bệnh lý vùng hậu môn trực tràng như sa sàn chậu, rò hậu môn, áp xe hậu môn, nứt kẽ hậu môn, u trực tràng, sa niêm mạc trực tràng, sa sinh dục, táo bón, són tiểu,… Bệnh nhân cần được khám một cách tỉ mỉ, tổng thể để có một phương án điều trị tốt nhất. Việc thăm khám không kỹ có thể để sót các ung thư đại trực tràng, không chẩn đoán kịp thời.

BS Nguyễn Trung Tiến, Khoa Phẫu thuật Ống tiêu hóa, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cảnh báo, ngoài triệu chứng lâm sàng thường gặp: Đi ngoài ra máu tươi, phát hiện một khối bất thường ở hậu môn, đau đột ngột vùng hậu môn, trĩ còn gây ra những biến chứng nghiêm trọng như:

Đại tiện ra máu tươi: Máu chảy thành tia, rỏ giọt, dính vào phân hay giấy vệ sinh. Chảy máu kéo dài gây ra tình trạng thiếu máu mãn tính đôi khi rất nặng. Táo bón và rượu bia là những yếu tố thuận lợi gây chảy máu trĩ.

Trĩ tắc mạch, sa trĩ tắc mạch: Do sự hình thành đột ngột cục máu đông trong lòng mạch trĩ. Nguyên nhân và cơ chế của hiện tượng này đến nay vẫn chưa được biết rõ. Biểu hiện là những cơn đau dữ dội trong ống hậu môn hoặc vùng hậu môn. Khi búi tắc mạch này sa xuống, khó có thể đẩy trở lại vào lòng ống hậu môn. Thường kèm theo viêm phù nề niêm mạch vùng hậu môn -trực tràng, có thể tiến triển hoại tử...

Nhiễm khuẩn các búi trĩ là tình trạng viêm các hốc hậu môn: Biều hiện bằng các triệu chứng ngứa hay nóng rát hậu môn, rỉ ướt hậu môn. Khi thăm trực tràng bệnh nhân rất đau, cơ thắt hậu môn thít chặt, các hốc hậu môn đỏ rực phù nề. Có trường hợp nặng búi trĩ viêm loét, hoại tử. Tình trạng này nếu như không được điều trị kịp thời, đúng phương pháp có thể gây biến chứng nhiễm khuẩn huyết, đe dọa tính mạng bệnh nhân hoặc nếu điều trị khỏi cũng để lại nhiều ảnh hưởng về tâm lý cho người bệnh.

PGS.TS Dương cho biết, các phương pháp điều trị trĩ hiện nay gồm: Thắt trĩ bằng vòng cao su, khâu treo triệt mạch trĩ, cắt trĩ bằng các dụng cụ dao hàn mạch, dao siêu âm, laser, phẫu thuật cắt trĩ Longo,… Sau phẫu thuật, bệnh nhân được hướng dẫn chi tiết chế độ ăn uống, luyện tập vùng sàn chậu và theo dõi định kỳ kết hợp với bổ trợ bằng thuốc mới hy vọng khỏi bệnh.

Thúy Nga

Theo Đời sống
back to top