Hoa quả trưng Tết làm thuốc

Hoa quả trưng Tết là một tuyệt tác của thiên nhiên, không phải chỉ để trang trí, làm đẹp trong những ngày Tết mà còn thể hiện tâm niệm của con cháu với tổ tiên. Đặc biệt, y học cổ truyền phương Đông còn lấy cái tươi tắn, đẹp đẽ, cái sinh khí tràn trề và mãnh liệt của hoa quả để chữa bệnh

Ảnh minh họa.

Hoa xuân làm đẹp

PGS.TSKH.NGND Trần Công Khánh, Giám đốc Trung  tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền cho biết, cổ nhân yêu hoa Xuân không chỉ vì hương thơm sắc đẹp có lợi cho cuộc sống tinh thần mà còn vì công dụng phục hồi sức khỏe, phòng chống bệnh tật và làm đẹp:

Hoa Đào (Prunus persica (L.) Batsch, họ Rosaceae): Hoa Đào vị đắng, tính bình, không độc, có công dụng lợi thủy, hoạt huyết, thông tiện. Hoa thường được phơi khô để dùng làm thuốc. Uống nước sắc từ hoa Đào giúp trị chứng kiết lỵ, táo bón và sỏi thận. Hoa Đào cũng được dùng để chữa rụng tóc, hói đầu. Trà hoa Đào có tác dụng giảm căng thẳng, trị mụn trứng cá, loại bỏ độc tố và giúp giảm cân để có được một thân hình thon thả. Sử dụng nước sắc hoa Đào để rửa mặt giúp giảm nếp nhăn, trị tàn nhang và làm cho làn da trở nên trắng, mịn màng.

Hoa Mai (Prunus sp., họ Rosaceae): Hoa Mai vị ngọt hơi đắng, tính ấm, không độc, có công dụng giải thử sinh tân, khai vị tán uất, hóa đàm, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như sốt cao phiền khát, tức ngực, ho, hầu họng sưng đau, bỏng, lao hạch, chán ăn, chóng mặt. Trong thành phần hóa học, hoa Mai chứa tinh dầu, trong đó có cineole, borneol, linalool, benzyl alcohol, farnesol, terpineol, indol… và một số chất khác như meratin, calycanthin, caroten…

Nghiên cứu hiện đại cho thấy, hoa Mai có tác dụng thúc đẩy bài tiết dịch mật, ức chế một số loại vi khuẩn như Coli, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn thương hàn, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn lao… Hoa Mai trắng thường được dùng làm thuốc để chữa viêm họng, viêm amiđan, cao huyết áp, mất ngủ, chán ăn, đau khớp do phong thấp. Uống nước sắc của hoa Mai trắng có tác dụng trị chứng ho dai dẳng. Hoa Mai trắng cũng được sử dụng để trị chứng đầy hơi, trướng bụng, buồn nôn và giúp phòng chống bệnh sởi, thủy đậu.

Ngũ quả trị vị bệnh

PGS.TSKH.NGND Trần Công Khánh nhấn mạnh, không chỉ hoa Xuân mà cả quả Xuân, đặc biệt là mâm ngũ quả ngày Tết luôn được mỗi gia đình trân trọng lựa chọn. Nó không chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh mà còn là những vị thuốc rất tốt trong những ngày Tết.

Quả chuối (Musa sp. họ Musaceae): Nước ta có nhiều loại chuối như chuối tiêu, chuối tây, chuối hột. Trong đó chuối tiêu thường được dùng bày mâm ngũ quả, làm thực phẩm và làm thuốc nhiều nhất.Chuối tiêu thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng do chứa bột đường (glucose, fructose, succrose); protein và các acid amin cần thiết; các vitamin, các nguyên tố vi lượng như Ca, Fe, Mg, K, Na, Zn… và nhiều enzym: amylase, invertase…

Theo Đông y, chuối tiêu vị ngọt, tính lạnh; vào vị, đại tràng. Có công năng tư âm, nhuận tràng, nhuận phế, thanh nhiệt, giải độc. Dùng cho các trường hợp táo bón, sốt nóng khát nước, mụn nhọt, trĩ xuất huyết, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, an thai. Ăn Chuối vừa có tác dụng bồi bổ cơ thể lại có thể chữa sỏi tiết niệu, tiêu khát, chữa tiêu chảy, táo bón, trĩ,…

Quả quất (Citrus japonica, họ Rutaceae): Từ xa xưa, trong dịp Tết Nguyên đán, quất được dùng làm cây cảnh trang trí trong nhà. Những quả quất chín màu vàng cam tròn trĩnh xen lẫn lá xanh dày tượng trưng cho mùa Xuân đầy sức sống và sự vươn lên. Theo Đông y, quả Quất vị ngọt chua, tính ấm, không độc, vào các kinh phế, vị, can, có tác dụng điều khí, kiện tỳ, chỉ khát, giảm ho, tiêu phù, giải rượu…

Nghiên cứu hiện đại cho thấy, trong quả Quất có chứa các chất như pectin, vitaminC, sắt, đồng, đường, acid hữu cơ và chất fortunelin. Vỏ quả quất chứa tinh dầu gồm 25 thành phần, trong đó có  α-pinen 0,4%,  β-pinen 2,7%, sabinen 2,8%, limonen 8,4%,  β-ocimen 0,3%, linalol 1,55. Với những giá trị dinh dưỡng như vậy, ăn Quất hoàn toàn tốt cho sức khỏe. Để chữa ho, đặc biệt ho trẻ em: quả Quất chín 10g, rừa sạch cho vào bát con cùng với ít mật ong đem hấp chín trong 15 – 20 phút. Nghiền nát, để nguội, cho trẻ uống làm 3 lần trong ngày. Dùng 3 – 4 ngày liền trẻ sẽ hết ho.

Theo tài liệu nước ngoài, vỏ quả Quất tươi 9g, phối hợp với Gừng tươi nướng vàng 9g, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống  một lần trong ngày chữa được nôn mửa. Để chữa nấc nghẹn ở người cao tuổi, lấy vỏ quả quất 20g, phơi hoặc sấy khô, tán bột rồi uống với nước ấm.

Quả sung (Ficus racemosa L., họ Moraceae): Nhiều gia đình thường mua một cây sung nhiều quả đặt giữa nhà những ngày Tết làm cảnh và  quả Sung bày mâm ngũ quả, mong muốn một năm sung túc, đầy đủ. Quả Sung vị ngọt, tính bình, có công dụng kiện tỳ ích vị, nhuận phế, nhuận tràng, thông tiện, tiêu thũng, giải độc. Sung thường đựơc dùng để chữa các chứng bệnh như viêm ruột, kiết lỵ, táo bón, trĩ xuất huyết, sa trực tràng, viêm họng, ho, sản phụ thiếu sữa, mụn nhọt lở loét, chán ăn, phong thấp…

Theo nghiên cứu hiện đại, quả Sung chín có chứa glucose, saccarose, , oxalic acid, citric acid, malic acid, các nguyên tố vi lượng như canxi, photpho, kali… và một số vitamin như C, B1…Kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm bước đầu cho thấy quả sung có tác dụng nhuận tràng, hạ huyết áp và phòng chống ung thư.

Quả Phật thủ (Citrus medica L. var sarcodactylis, họ Rutaceae ): Vào dịp Tết, Phật thủ là loại quả được ưa chuộng vì hình dáng bắt mắt và quan niệm biểu trưng cho “bàn tay Phật”, mang phúc lộc cho gia đình. Ngoài thờ cúng, trưng bày, loại quả này còn có nhiều công dụng bất ngờ. Theo Đông y, Phật thủ vị cay, đắng, chua, tính ấm, có tác dụng chữa các chứng ăn không tiêu, đầy bụng, đau dạ dày, đau gan, cổ họng nghẹn tắc, ngực tức đầy,…

Nghiên cứu hiện đại cho thấy, phật thủ có tác dụng giải trừ sự co thắt cơ trơn, hạ huyết áp, cắt cơn hen và tăng cường chức năng tiêu hóa…, đồng thời chứa nhiều vitamin C, đường, acid hữu cơ, tinh dầu, glycozit. Người ta thường ăn Phật thủ để chữa ho, viêm phế quản, tức ngực… Trà phật thủ chữa đau dạ dày, đầy bụng, khó tiêu. Rượu ngâm phật thủ để hỗ trợ điều trị các chứng rối loạn tâm thần ý thức (trầm cảm ức chế…)…

Quả Bưởi (Citrus grandis (L.) Osbeck họ Rutaceae): Bưởi vị ngọt hơi chua, tính hàn, có công hiệu đối với tiêu hóa, điều chỉnh khí huyết, làm tan đờm, giải độc do uống rượu. Có thể trị các triệu chứng ăn không tiêu, chướng bụng, buồn nôn, ho nhiều đờm, người uống quá nhiều rượu bị say. Dịch quả bưởi chín có nhiều chất bổ dưỡng: nước, glucid, protid, lipid và các chất khoáng canxi, phốt pho, kali, magiê, lưu huỳnh, natri, clo, sắt, đồng, mangan, nhiền vitamin C, B1, B2, PP và tiền sinh tố A…Ăn Bưởi có tác dụng tăng sức đề kháng, chống lại stress, các bệnh liên quan với hen suyễn và viêm khớp, giảm mỡ máu, ngăn ngừa sỏi thận và phòng chống ung thư…

 Nhật Hà (ghi)

Theo Đời sống
Xước da bệnh nhân 52 tuổi nguy kịch vì uốn ván nặng kèm thuyên tắc phổi

Cứu bệnh nhân 52 tuổi bị uốn ván nặng kèm thuyên tắc phổi

Người dân không nên chủ quan với bệnh uốn ván, khi gặp các vết thương cần phải chủ động tiêm ngừa. Trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cần sớm đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh những diễn biến nguy hiểm.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top