Hoa quả giảm ho khi mang bầu

(khoahocdoisong.vn) Ba tháng đầu mang thai, người mẹ dễ hắt hơi, sổ mũi, đau họng. Với thời tiết thay đổi như hiện nay, các căn bệnh về đường hô hấp càng phát triển. Nên điều trị thế nào?

Hạn chế dùng thuốc

Phụ nữ mang thai khiến hormon trong cơ thể thay đổi đi kèm với những biến đổi về sinh lý, do tác động của thời tiết bên ngoài khiến dễ nhiễm bệnh. Nhất là các bệnh về đường hô hấp, nhẹ thì đau họng, nuốt khó, nặng thì ho cả cơn. Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Dinh, nguyên Viện trưởng Viện Tai mũi họng TƯ, phụ nữ mang thai bị ho ba tháng đầu chiếm tới 70% và thường chưa cần dùng thuốc. Thuốc chỉ được sử dụng khi ho kéo dài trên 3 tuần không đỡ, ho nhiều kèm sốt, khạc đờm đặc màu xanh, vàng, kèm đau ngực thì sẽ phải làm một số xét nghiệm để phát hiện viêm phế quản, lao.

Những nguyên nhân gây ho

Phụ nữ mang thai bị ho phần lớn do tăng tiết màng nhầy khiến chị em bị nghẹt mũi, ho có đờm. Nếu không được chăm sóc đúng cách, sẽ dẫn đến nguy cơ bị viêm đường hô hấp trên, ảnh hưởng sức khỏe mẹ bầu và thai nhi. Nội tiết thay đổi cũng khiến sức đề kháng của niêm mạc mũi họng giảm, dễ làm cho bà bầu bị ho, ngứa họng, đây là dạng ho thông thường nên không cần dùng thuốc.

Viêm họng do virus là nguyên nhân thường gặp hơn cả. Theo các bác sĩ, trong hầu hết đơn thuốc kê cho bà bầu bị viêm họng do virus kèm sốt thường chỉ là uống hạ sốt, giảm ho (loại an toàn đối với bà bầu). Thuốc chỉ dùng khi thực sự cần thiết: bà bầu ho rũ rượi từng cơn,  thấy nôn nao, mất ngủ. Có rất nhiều loại thuốc đặc trị ho đối với người bình thường nhưng lại gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi nên bà bầu không được sử dụng. Đối với trường hợp ho do vi khuẩn như: phế cầu, tụ cầu, liên cầu, hemophilus influenza… phải điều trị bằng kháng sinh. Kháng sinh điều trị thường là loại an toàn đối với bà bầu, tuy nhiên vẫn có những người dị ứng với các thành phần của thuốc hoặc bị nhiễm độc thai nghén phải được bác sĩ xác định liều an toàn.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

PGS.TS Nguyễn Ngọc Dinh cho hay, phụ nữ mang thai cần chủ động phòng ngừa viêm đường hô hấp bằng cách vệ sinh mũi họng hằng ngày với nước muối ấm, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch. Nên uống nhiều nước cam tươi, ăn nhiều hoa quả vì vitamin giúp tăng sức đề kháng. Nên có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ngủ đủ giấc. Mới chớm ho nên đi khám để được bác sĩ xác định bệnh và có hướng điều trị hợp lý.

Dân gian cũng có nhiều bài thuốc hay, cách chữa tốt như ngậm cam nướng, quất hấp mật ong. LY. Thu Hằng, TT Ứng dụng các bài thuốc gia truyền cho biết, phụ nữ mang thai chớm ho chỉ cần hòa một thìa canh mật ong vào một ly nước ép nho, uống 3 lần mỗi ngày sẽ giúp làm nhẹ bớt những cơn ho khan. Muốn giảm ho nhanh có thể hấp chín 3 quả quất tươi, 6g cam thảo, 20 cánh hoa hồng bạch, 5 lá húng chanh, 8g đường phèn uống hằng ngày. Để dự phòng điều trị ho, có thể lấy quả lê cắt thành từng miếng nhỏ trộn với đường phèn, bỏ vào đun cách thủy, sau đó ăn dần giúp giảm bớt các cơn ho triền miên.

Thu Hoài

Theo Đời sống
back to top