Hóa học xanh: Lời giải cho hóa chất khó phân hủy

(khoahocdoisong.vn) - Hóa học xanh đang là một hướng đổi mới quan trọng để giúp ngành công nghiệp hóa chất phát triển tiếp mà vẫn hạn chế được những tác động xấu đến môi trường.

Hiện nay, Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) thông qua Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đang cùng Cục Hóa chất - Bộ Công Thương tiến hành thực hiện dự án “Áp dụng Hóa học xanh hỗ trợ tăng trưởng xanh và giảm thiểu việc phát thải và sử dụng các hóa chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) và hóa chất nguy hại.

Hóa chất: Phần không thể thiếu của kinh tế

Ngành hóa chất cơ bản và các ngành sản xuất có sử dụng hóa chất hiện nay đang đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Ngành hóa chất cơ bản đang là tiền đề cho tất cả các ngành kinh tế kỹ thuật có thể khai thác mọi thế mạnh tài nguyên của đất nước từ khoáng sản, dầu khí tới sản phẩm, phụ phẩm và thậm chí cả phế thải của công nghiệp, nông nghiệp…

Từ năm 2005, nghị quyết 207/2005/QD-TTg, của Thủ tướng đã xác định ngành công nghiệp hóa chất được xem là một trong những ngành then chốt và được ưu tiên. Tuy nhiên, ngành công nghiệp hóa chất ở Việt Nam vẫn còn chậm phát triển so với các nước công nghiệp khác, phần lớn công nghệ và thiết bị sản xuất cũ, lạc hậu, thiếu các giải pháp đảm bảo để xử lý ô nhiễm từ khí thải, nước thải và rác thải.

Trong khi đó, việc sử dụng một số hóa chất nguy hại trong quá trình sản xuất đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. Quá trình thải bỏ hóa chất và các sự cố hoá chất (chủ yếu do công nghệ lạc hậu) đang tác động trực tiếp đến môi trường và hệ sinh thái.

Trong đó các hóa chất nguy hại này, POPs (Persistant Organic Polutants - các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy) là hóa chất nguy hại nhất, do chúng có thể chống lại sự phân hủy trong không khí, nước và các trầm tích, tồn tại cả trong lưới thức ăn và cơ thể con người, từ đó lan truyền và phát tán ra xa khỏi nguồn phát sinh ban đầu, gây ra bệnh tật, phá huỷ môi trường.

Việt Nam là nơi sử dụng nhiều hóa chất bảo vệ thực vật dạng POPs để diệt trừ sâu bệnh trong sản xuất nông nghiệp. Các POPS này còn tồn tại dưới dạng thiết bị điện như máy biến áp, tụ điện, thiết bị nâng hạ… hay thành phần của chất chống cháy trên vỏ điện thoại, tivi, máy vi tính…

Theo nghiên cứu từ Cục Hóa chất (Bộ TNMT), có 6 ngành hiện nay đang sử dụng POPs, thủy ngân và những chất có thể phẩn hủy thành POPs trong sản xuất gồm: Mạ điện, sản xuất giấy và bột giấy, nhựa, dệt nhuộm, hóa chất bảo vệ môi thực vật, sơn và dung môi.

Nguyên nhân chính là do sự thiếu hụt thông tin liên quan đến việc sử dụng POPs và các chất có khả năng phân hủy thành POPs trong các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là ở những cơ sở sản xuất quy mô nhỏ.

Ngoài ra, động lực để doanh nghiệp đầu tư vào phát triển công nghệ và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường cũng chưa được chú trọng do năng lực về tài chính và con người còn hạn chế. Tính thống nhất và khả năng thực thi các quy định liên quan đến POPs ở cả cấp trung ương và địa phương đến nay vẫn còn yếu.

Công nghệ làm sạch môi trường

Trước bài toán lớn được đặt ra khi vừa phải thúc đẩy sản xuất trong nước có sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất, vừa phải quản lý việc sử dụng hoá chất và kiểm soát những tác động đến môi trường, Hoá học xanh là một trong những giải pháp được khuyến khích sử dụng để giải quyết tận gốc rễ của vấn đề.

Hóa học xanh là khái niệm về sản xuất và ứng dụng các nguyên tắc, biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế tối đa hoặc loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng và phát thải các hóa chất độc hại vào môi trường.

Theo PGS.TS Đào Văn Hoằng, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy việc áp dụng nguyên tắc của Hóa học xanh không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu ô nhiễm tại nguồn, mà còn tiết kiệm rất nhiều chi phí xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến sức khoẻ con người và ô nhiễm môi trường. Hóa học xanh là một cẩm nang cơ bản đưa đến việc làm sạch và bảo vệ môi trường.

Tại Việt Nam, ứng dựng Hóa học xanh vào thực tiễn cuộc sống mới chỉ diễn ra từ năm 2015, với các chương trình của Chính phủ như Đề án "Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025, Đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”, Đề án "Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020"…

Ông Hoằng nhìn nhận, trên thực tế, việc áp dụng những nguyên lý thân môi trường của Hóa học xanh đã và đang góp phần giúp ngành hóa chất đi theo hướng phát triển bền vững, mang lại những lợi ích tích cực cả về kinh tế, môi trường và xã hội cho nhân loại.

Mặc dù vậy, việc phát triển Hóa học xanh một cách đồng bộ, lâu dài và hiệu quả cần một số giải pháp đồng bộ từ Chính phủ tới người dân, từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp, từ các viện nghiên cứu đến trường học, với phạm vi áp dụng bao trùm lên tất cả các ngành công nghiệp trong cả nước.

Theo ông Hoằng, muốn thúc đẩy phát triển ứng dụng Hóa học xanh, cần cơ chế hỗ trợ lớn của Nhà nước, từ việc nhìn nhận lại tầm quan trọng của Hóa học xanh, đến đẩy mạnh nghiên cứu có hệ thống một cách đồng bộ và tạo cơ hội để triển khai áp dụng vào thực tế.

Theo Đời sống
Đề xuất 2 phương án xây chung cư mini

Đề xuất 2 phương án xây chung cư mini

Bộ Xây dựng đã đề xuất 2 phương án phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ ở của hộ gia đình, cá nhân (còn gọi là chung cư mini) trong dự thảo luật Nhà ở sửa đổi trình Chính phủ
“Chợ nhảy” gây cản trở giao thông

“Chợ nhảy” gây cản trở giao thông

Những năm gần đây, vào khung giờ tan ca buổi chiều hàng ngày, một đoạn dài khoảng vài km trên QL1A, chạy qua khu Công nghiệp Tân Tạo luôn trở nên ùn ứ tắc nghẽn, khiến người và phương tiện qua lại khu vực này vô cùng khổ sở.
back to top