Hoa hậu Môi trường Việt Nam 2022 Nguyễn Thanh Hà: Hành động hôm nay, môi trường ngày mai

Tại cuộc thi Hoa hậu Môi trường Việt Nam mùa 1 vừa diễn ra tại Nhà hát TPHCM, người đẹp đến từ Bến Tre Nguyễn Thanh Hà đã đăng quang ngôi vị cao nhất.

“Tôi tham dự cuộc thi Hoa hậu Môi trường như một hành trình để thay đổi và học hỏi thêm về môi trường sống, về những hành động mỗi người có thể làm để bảo vệ môi trường...”, đó là chia sẻ của người đẹp đến từ Bến Tre Nguyễn Thanh Hà với phóng viên Khoa học và Đời sống ngay sau khi đăng quang ngôi vị cao nhất cuộc thi Hoa hậu Môi trường Việt Nam mùa 1 vừa diễn ra tại Nhà hát TPHCM.

Hành trình để thay đổi và học hỏi về môi trường

Vì sao bạn lựa chọn tham gia cuộc thi Hoa hậu Môi trường Việt Nam năm 2022?

Từ thời trung học tôi đã có ước mơ trở thành người mẫu chuyên nghiệp và ấp ủ ước mơ tham dự một cuộc thi nhan sắc.

dang-quang.jpg
Tại cuộc thi Hoa hậu Môi trường Việt Nam mùa 1 vừa diễn ra tại Nhà hát TPHCM, người đẹp đến từ Bến Tre Nguyễn Thanh Hà đã đăng quang ngôi vị cao nhất.

Nhưng hai năm sống trong đại dịch Covid-19, tôi cảm thấy cô độc và mất mát rất nhiều. Chúng tôi lớn lên giữa bốn bức tường, ngồi học với màn hình, lo sợ ông bà, cha mẹ và chính mình có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào.

Nhiều hôm ngồi trong phòng một mình, tôi buồn rơi nước mắt. Có phải chúng ta đang phải gánh chịu hậu quả từ môi trường bị tàn phá không?

Tôi tham dự cuộc thi Hoa hậu Môi trường như một hành trình để thay đổi và học hỏi thêm về môi trường sống, về những hành động mỗi người có thể làm để bảo vệ môi trường.

thanh-ha-cung-cac-em-nho-lang-sos-tai-che-cac-ong-hut-nhua.jpg
Nguyễn Thanh Hà cùng các em nhỏ ở Làng S.O.S Gò Vấp tái chế các ống hút nhựa.

18 tuổi khi đạt danh hiệu “Hoa hậu Môi trường Việt Nam 2022”, bạn có nhắn nhủ gì với các bạn trẻ như bạn?

Hành động hôm nay, môi trường ngày mai là thông điệp tôi muốn các bạn nhớ. Những gì ta chọn lựa, sử dụng hôm nay có thể sẽ trở thành gánh nặng môi trường sống mai sau.

Tôi mong muốn được sống trong môi trường trong lành, an toàn. Tôi mong các bạn hãy cùng tôi biến điều đó thành hiện thực.

Bộ trang phục mà Nguyễn Thanh Hà đã mặc trong đêm chung kết Hoa hậu Môi trường 2022 được trang trí bằng những cành hoa tươi?

Trang phục biểu diễn trong đêm chung kết cùng các thí sinh khác sử dụng hoa tươi đã qua sử dụng từ thương hiệu Thổ Flowers.

edit-nguyen-thanh-ha-1.jpg
Bộ trang phục mà Nguyễn Thanh Hà đã mặc trong đêm chung kết Hoa hậu Môi trường 2022 được trang trí bằng những cành hoa tươi.

Những trang phục đó do chính các thí sinh trong cuộc thi sáng tạo ra, mang thông điệp rõ ràng về giá trị và vẻ đẹp của hành động tái chế. Những bông hoa đã qua sử dụng, đã rời bàn trang trí vẫn có thể tạo ra những trang phục đẹp dù là hoa tươi hay hoa khô.

Trong đêm chung kết, bạn đã trả lời: “Là một người trẻ lớn lên từ vùng đất Bến Tre, tôi thấm thía ý nghĩa môi trường sống với mình và những người xung quanh...”, vì sao vậy?

Ở quê nhà, tôi hạnh phúc lắm. Nhà ông bà tôi cây trái quanh năm. Tôi theo cha đi xe về quê thấy đồng lúa xanh mướt, thấy vườn dừa mênh mông, bưởi da xanh mọng nước... Người ở đâu thèm cây trái chứ người quê tôi, mọi thứ đều sẵn.

Tôi còn nhớ, năm 2016 hạn mặn, tôi ở Sài Gòn, mở tivi lên, thấy đồng lúa xanh giờ tàn tạ, vàng úa, người nông dân đứng khóc trước ống kính. Đất đai nứt nẻ...

Cha mẹ tôi điện thoại về thì ông bà kể, ở mấy huyện như Bình Đại hạn hán đã khổ, rồi nước mặn xâm lấn vào đồng, không còn nước ngọt tưới vườn, cũng không có nước ngọt ăn uống tắm giặt gì. Ở huyện Mỏ Cày quê tôi, nước mặn làm vườn dừa không ra trái nữa. Mấy năm đó nhiều vườn trái cây bị thiệt hại nặng nề.

Tôi không quên được những điều đó. Tôi tự hỏi tại sao quê tôi đẹp và hạnh phúc vậy giờ đây lại phải chịu khổ như vậy. Tôi đọc báo thì biết đó là do biến đổi khí hậu.

trong-cay-1.jpg
Hoa hậu Môi trường Việt Nam 2022 hiểu rằng, nếu chúng ta không hành động ngay, nếu ta đợi ai đó hành động dùm mình, môi trường sẽ không còn an lành như trước nữa.

Tôi nghĩ, nếu chúng ta không hành động ngay, nếu ta đợi ai đó hành động giùm mình, môi trường sẽ không còn an lành như trước nữa..

Tôi làm được, ai cũng làm được

Bạn đã từng chia sẻ: “...sẽ tích cực đồng hành với những tổ chức tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn, các hoạt động trồng cây xanh, bảo vệ nguồn nước…”?

Vì tôi sống ở Sài Gòn, đô thị lớn này chịu áp lực nặng nề của rác thải. Hiện nay, hầu hết rác thải đều đổ ra bãi chôn lấp. Dù tôi biết đây không phải chỉ là vấn đề của Việt Nam, mà còn của rất nhiều quốc gia khác. Tái chế là cần thiết và quan trọng.

Tôi nghĩ đơn giản như thế này, nếu ta xả rác ít đi thì tổng số rác sẽ giảm đi.

Bên cạnh đó, những gì ta có thể xài lại, có thể phân loại để tái chế thì tái chế, vậy cũng góp phần giảm lượng rác đổ ra bãi chôn lấp. Mà những việc này tôi thấy tôi làm được, ai cũng làm được.

thanh-ha.jpg
"Tôi muốn mình có thể lên tiếng về điều đó vì tương lai ta có cuộc sống tốt hay không lệ thuộc vào việc ta có nước sạch hay không. Hành động hôm nay, môi trường ngày mai chính là vậy", Nguyễn Thanh Hà chia sẻ.

Rồi trong tương lai, khi thành phố có hệ thống phân loại rác tại nguồn tốt hơn, người dân cũng quen làm việc này rồi, sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Còn với hoạt động trồng cây xanh, tôi nghĩ đơn giản vì tôi thích trồng cây. Nếu mọi người đều trồng cây xanh gần bên nơi mình sống, cây xanh sẽ giúp ta lọc không khí, ngăn tiếng ồn, nếu trồng lâu dài sẽ có bóng mát, giúp giảm khí CO2.

Với hoạt động bảo vệ nguồn nước, là điều tôi học được từ câu chuyện hạn mặn ở Bến Tre quê tôi. Tôi nghĩ ở Sài Gòn tôi có thể tắm bao lâu tùy thích, mở nước rửa chén thoải mái, còn ở Bình Đại mùa hạn mọi người phải xếp hàng mua nước theo thùng về uống.

Tôi muốn mình có thể lên tiếng về điều đó vì tương lai ta có cuộc sống tốt hay không lệ thuộc vào việc ta có nước sạch hay không. Hành động hôm nay, môi trường ngày mai chính là vậy.

Bạn có thể chia sẻ cụ thể hơn những việc làm hằng ngày của bạn để góp phần bảo vệ môi trường?

Tôi cố gắng hết sức để giảm mua đồ ăn mang về. Đôi khi tôi nghĩ chỉ cần mua một tô hủ tiếu mang về là đã có một cái muỗng nhựa, tô nhựa, nắp tô, rồi bọc nilon ba bốn lớp. Còn nếu ăn đồ ăn tự nấu ở nhà hoặc đến quán ăn thì cũng đỡ được đồ sử dụng một lần.

thanh-ha-walk.jpg
Theo Hoa hậu Môi trường 2022 Nguyễn Thanh Hà, nếu có thể cố gắng một chút để giảm đi 3 cái túi nylon, muỗng nhựa, hộp xốp... cũng đáng bỏ công...

Tôi không cực đoan với chuyện mua đồ ăn mang về, nhưng nếu có thể cố gắng một chút để giảm đi 3 cái túi nilon, muỗng nhựa, hộp xốp... cũng đáng bỏ công.

Kế hoạch của bạn sau khi đạt danh hiệu Miss Eco là gì?

Ngay sau cuộc thi Hoa hậu Môi trường Việt Nam là kỳ thi cuối cấp của tôi, giai đoạn này tôi tập trung toàn bộ thời gian vào việc ôn thi.

Từ trước khi tham dự cuộc thi Hoa hậu Môi trường 2022, thỉnh thoảng tôi vẫn tham dự các chuyến đi trồng cây với các tình nguyện viên.

Trong thời gian tham dự cuộc thi Hoa hậu Môi trường Việt Nam 2022, tôi cũng vận động người quen đóng góp quỹ để chăm sóc cho các bạn nhỏ mất cha mẹ trong dịch Covid-19.

Sau khi thi cuối cấp xong, tôi mong muốn được xuất hiện nhiều hơn ở các hoạt động dọn dẹp làm sạch môi trường, những đợt tuyên truyền hướng dẫn phân loại rác thải, các hoạt động giúp bạn trẻ hiểu hơn về tác động lên môi trường từ những hoạt động hàng ngày, để mọi người có thể chọn lựa tốt hơn và thân thiện hơn với môi trường.

Trong tương lai, dự định của bạn là gì?

Tôi hy vọng trong thời gian tới có thể cùng giúp các sản phẩm thân thiện với môi trường đến được với mọi người nhiều hơn, cũng như được làm cầu nối cho người trẻ lên tiếng để các hoạt động sản xuất, kinh doanh thân thiện hơn với môi trường.

Nhưng tất cả chỉ mới là mong muốn của tôi. Tôi tin rằng chỉ khi nào có được sự ủng hộ của mọi người, những mong muốn đó mới thành sự thật.

Xin cảm ơn Hoa hậu Môi trường 2022 Nguyễn Thanh Hà!

Thần tượng của tôi là bạn Greta Thunberg. Từ khi còn nhỏ, người bạn ấy đã luôn nỗ lực gửi những thông điệp môi trường gay gắt và đanh thép tới những thế lực đang hủy hoại môi trường sống trên diện rộng. Những gì bạn phát biểu và hành động luôn khiến tôi xúc động khi lắng nghe và đọc.

Hoa hậu Môi trường 2022 Nguyễn Thanh Hà

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top