Hòa Bình: Được chọn trúng thầu 135 tỷ đồng, dù… không đủ năng lực?

Theo UBND tỉnh Hòa Bình, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu gói thầu số 14: Thi công sửa chữa, nâng cấp 16 hồ chứa thuộc tiểu dự án 3 là chưa phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu và quy định của nhà tài trợ.

Đôi bạn cùng tiến?

Ngày 26/11/2021, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Hòa Bình (Ban QLDA ĐTXD CCT NN&PTNT tỉnh Hòa Bình) có Quyết định số 289/QĐ – BQL, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 14: Thi công sửa chữa, nâng cấp 16 hồ chứa thuộc tiểu dự án 3 (C1 – HB – GĐ3 – W1) thuộc dự án sửa chữa, nâng cao an toàn đập (WB8), tỉnh Hòa Bình.

Theo đó, liên danh Công ty CP đầu tư xây dựng và PTNT và Tổng Công ty xây dựng NN&PTNT Thanh Hóa – Công ty CP được phê duyệt trúng thầu với giá hơn 135,143 tỷ đồng (giá chào là 143,322 tỷ đồng). Gói thầu sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).

Được biết, gói thầu này có 2 nhà thầu tham gia. Trong đó, trượt thầu là liên danh Công ty TNHH Trường Thành – Công ty CP xây dựng công trình 568 – Công ty CP đầu tư xây dựng Đại An.

Liên danh này dự thầu với giá thấp, chỉ hơn 128,100 tỷ đồng. Tuy nhiên, liên danh Trường Thành – 568 – Đại An bị loại do không đáp ứng E-HSMT, kinh nghiệm thi công hạng mục chủ chốt (tiêu chí 2.5.2) cũng không đáp ứng yêu cầu…

hb.jpg
Trụ sở Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Hòa Bình.

Ngạc nhiên là, tại gói thầu số 14 trên, Công ty CP xây dựng công trình 568 Công ty 568 và Công ty CP đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn đang là 2 đối thủ “so găng” kịch liệt với nhau, thì sang gói thầu tương tự, “cặp đôi” này lại là đối tác của nhau, cùng tham dự thầu và trúng gói thầu “khủng”.

Cụ thể, đó là gói thầu CW4B: Xây dựng đoạn tuyến Km10+900÷Km17+500 thuộc dự án xây dựng tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Ban quản lý chuyên ngành giao thông trực thuộc Bộ GTVT) mời thầu.

Gói thầu này có giá gần 465 tỷ đồng, liên danh Công ty CP xây dựng công trình 568 Công ty 568 và Công ty CP đầu tư xây dựng và PTNT và Công ty CP xây dựng và thương mại 299 bỏ giá thấp nhất, và trúng thầu với giá hơn 400,258 tỷ đồng.

Vi phạm… vẫn trúng thầu?

Trước đó, tháng 2/2022, theo Sở KH&ĐT tỉnh Hòa Bình, báo cáo đánh giá HSDT gói thầu số 14 do Ban QLDA ĐTXD CCT NN&PTNT tỉnh Hòa Bình cung cấp cho Sở không đúng so với báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) mà chủ đầu tư đã đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Do đó, đã gây khó khăn cho cơ quan tham mưu trong quá trình nghiên cứu, báo cáo UBND tỉnh.

Đồng thời, việc đánh giá E-HSMT gói thầu số 14 chưa phù hợp với tiêu chí của E-HSMT. Cụ thể, khi đánh giá E-HSDT, ngoài việc đánh giá tiêu chí: “Doanh thu xây dựng trung bình hàng năm tối thiểu 286,645 tỷ đồng tính bằng tổng các khoản thanh toán đã được xác nhận cho các hợp đồng đang thực hiện hoặc đã hoàn thành, trong vòng 3 năm qua. Từng thành viên phải đáp ứng 25% của yêu cầu tương đương 71,661 tỷ đồng; một thành viên phải đáp ứng 40% của yêu cầu tương đương với 114,658 tỷ đồng” theo quy định trong E-HSMT.

Tổ chuyên gia bổ sung thêm tiêu chí: “Trong trường hợp nhà thầu là liên danh thì từng thành viên trong liên danh phải có doanh thu đáp ứng theo yêu cầu và đáp ứng với tỷ lệ giá trị mà nhà thầu dự kiến thực hiện trong gói thầu đang đấu thầu”.

Về công tác lập E-HSMT, tại mục 2.5.2 kinh nghiệm thi công các hoạt động chủ chốt của E-HSMT, bên mời thầu đã đưa ra một số tiêu chí gồm: Thi công khối lượng lát khan, xếp khan đá hộc mái nghiêng của công trình NN&PTNT đạt trên 10.700m3 trong thời gian 8 tháng liên tục; thi công khối lượng bê tông mái nghiêng đạt trên 4.300m3 trong thời gian 8 tháng liên tục…

Còn theo hướng dẫn lập HSMT năm 2021 của WB quy định, tiêu chí các hoạt động chủ chốt chỉ để kiểm chứng kinh nghiệm của nhà thầu trong việc thực hiện các hoạt động xây dựng đặc biệt như đào hầm, nạo vét hoặc xây cầu, chứ không phải để kiểm chứng việc thi công được những định mức dự kiến. Đối với các hợp đồng đơn giản, chủ đầu tư có thể không cần yêu cầu kinh nghiệm thi công các hoạt động chủ chốt.

Đánh giá của Sở KH&ĐT tỉnh Hòa Bình cho thấy, các tiêu chí trên của E-HSMT có thể sẽ gây hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. Tiếp đó, đối với nhân sự Lê Văn Tuấn, nhà thầu không kê khai trên webform nhân sự này làm chỉ huy trưởng công trình cho phần công việc mà thành viên liên danh Tổng Công ty Xây dựng NN&PTNT Thanh Hóa – Công ty CP đảm nhiệm, không có lịch sử công tác vị trí chỉ huy trưởng (E-HSDT đăng tải chỉ kèm theo bằng cấp, chứng chỉ, hợp đồng lao động).

Đáng lưu ý, trong báo cáo đánh giá E-HSDT tổ chuyên gia không nêu cụ thể việc làm rõ hồ sơ đối với nhân sự Lê Văn Tuấn và đánh giá đạt với 1 người thực hiện vai trò chỉ huy trưởng công trình cho phần công việc mà thành viên liên danh đảm nhiệm có trình độ chuyên môn, chứng chỉ và năng lực kinh nghiệm đáp ứng theo yêu cầu của E-HSMT.

Ngoài ra, tại biên bản thương thảo hợp đồng ngày 19/11/2021, nhân sự Lê Văn Tuấn không được đưa vào nội dung thương thảo giữa chủ đầu tư và nhà thầu.

Mặt khác, hợp đồng tương tự tại E-HSMT yêu cầu nhà thầu tham gia với vai trò là nhà thầu chính, thành viên liên danh, nhà thầu quản lý hoặc nhà thầu phụ vào ít nhất 1 hợp đồng có tính chất và độ phức tạp tương tự, dựa trên quy mô, bản chất công trình, độ phức tạp, phương pháp, công nghệ hoặc các đặc tính khác như mô tả trong HSMT.

Từng thành viên trong liên danh phải chứng minh là đã thực hiện thành công tối thiểu 1 hợp đồng có tính chất và quy mô tương tự như phần công việc mà thành viên đó sẽ đảm nhiệm trong liên danh. Tại gói thầu số 14, thành viên của liên danh trúng thầu là Tổng Công ty Xây dựng NN&PTNT Thanh Hóa – Công ty CP tham gia liên danh với tỷ lệ 40%, tương đương với phần công việc trị giá 54 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhà thầu này kê khai hợp đồng tương tự là Hợp đồng số 07/2018/HĐ TCXD ngày 27/02/2020 và các phụ lục hợp đồng về việc thi công xây dựng các công trình hồ chứa huyện Lạc Thủy, dự án WB7, chỉ có tổng giá trị là 43 tỷ đồng. Tức là nhỏ hơn phần công việc mà nhà thầu này đảm nhận, không đáp ứng được yêu cầu về hợp đồng tương tự.

Ngày 17/3/2022, UBND tỉnh Hòa Bình đã có văn bản chỉ đạo, làm rõ trách nhiệm, cá nhân liên quan trong việc tổ chức lựa chọn nhà thầu gói thầu số 14 thuộc dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8).

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top