Hỗ trợ kịp thời, doanh nghiệp vẫn "đói"

(khoahocdoisong.vn) - Nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giảm ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách tiền tệ nới lỏng và tài khóa mở rộng với các gói hỗ trợ quy mô lớn chưa từng có. Phản ứng của Chính phủ là khá kịp thời, tuy nhiên kết quả không được như kỳ vọng.

Khoảng cách từ chính sách đến thực thi

Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội bị đảo lộn. Gần 84% doanh nghiệp Việt Nam chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có “sức đề kháng” kém hơn. Hầu hết tất cả các doanh nghiệp (98%) có vấn đề về dòng tiền.

Trong tình thế vừa chống dịch, vừa duy trì kinh tế, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách kinh tế để hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách nói chung còn chậm chễ. Sự vào cuộc của nhiều cơ quan ban ngành còn thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ. Kết quả là tác động của gói hỗ trợ giai đoạn thứ nhất chưa được như mong đợi, còn nhiều hạn chế.

Cụ thể các gói hỗ trợ như chính sách tài khóa với giá trị ước tính 73,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 1,2% GDP) theo Nghị quyết 41, gồm miễn giảm thuế, phí, lệ phí và gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất mới đạt 31,2% quy mô gói hỗ trợ. Nguyên nhân tiếp cận chậm là do các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 kinh doanh thua lỗ, việc miễn giảm thuế không giúp được nhiều. Với kết quả kinh doanh âm thì dù có miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) về 0% thì cũng không có ích gì. Một số doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng hơn đã nộp thuế TNDN năm 2019 ngay trong quý 1/2020, đã trả tiền thuê đất từ đầu năm nên số tiền còn phải nộp không nhiều và không có nhu cầu giãn, hoãn. Quan trọng hơn, hầu hết các doanh nghiệp đều có tâm lý e ngại thủ tục rườm rà khi đón nhận gói hỗ trợ. 

Gói an sinh - xã hội 62.000 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân được khoảng 22,5%. Tiền mặt hỗ trợ thực tế chỉ khoảng hơn 30.000 tỷ đồng. Trong đó, con số được phê duyệt thực chất đến nay là 24.000 tỷ đồng, nhưng mới chi được 14.000 tỷ đồng. Thậm chí, công tác chi trả ở một số địa phương còn chưa đúng đối tượng.

Gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng cho vay trả lương ngừng việc không giải ngân được đồng nào do điều kiện đặt ra còn chưa phù hợp, chưa sát thực tiễn. Quy trình, thủ tục còn phức tạp, xử lý lâu khiến nhiều doanh nghiệp e ngại.

Gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng với quy mô cam kết lên tới 600 nghìn tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng như cơ cấu lại nhóm nợ, giãn nợ và giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, muốn được vay vốn với lãi suất ưu đãi, các doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện chuẩn khá khắt khe, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp nghèo vẫn tiếp tục đói vốn để duy trì hoạt động.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp cho rằng, chính sách thì rất nhiều, nhưng dường như doanh nghiệp vẫn không biết cũng như không thể tiếp cận và khai thác được các chính sách. Chương trình hỗ trợ của Chính phủ là rất kịp thời nhưng không được khai thác một cách hiệu quả và còn nhiều bất cập trong quá trình thực thi.

Giải pháp nào cho các doanh nghiệp?

Doanh nghiệp trong nước chưa thể phục hồi hoàn toàn. Dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, việc Chính phủ tiếp tục có thêm những chính sách kích thích kinh tế mới (gói hỗ trợ giai đoạn hai) là hết sức quan trọng. Với kinh nghiệm từ các gói hỗ trợ giai đoạn thứ nhất, gói hỗ trợ giai đoạn hai cần phải đảm bảo thực thi “nhanh, đúng và minh bạch”.

Theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), để giúp doanh nghiệp và người lao động vượt “bão dịch”, gói hỗ trợ giai đoạn hai phải có quy mô đủ lớn, dù phải chấp nhận thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ công cao hơn, “dài hơi” hơn, tính ít nhất cho cả năm 2021.

Các chính sách hỗ trợ kinh tế mới phải gắn liền với tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, bắt nhịp được với các xu hướng phát triển như công nghệ (đặc biệt chuyển đổi số), kỹ năng lao động và cách thức tiêu dùng mới, sự dịch chuyển chuỗi giá trị cùng các dòng đầu tư… Mục tiêu ở đây chính là vừa cố gắng giảm thiểu khó khăn cho các doanh nghiệp vừa tạo tiền đề cho bước phát triển bền vững, bao trùm và sáng tạo tiếp theo.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân kiến nghị, Chính phủ cần có một công cụ rà soát sức khỏe của doanh nghiệp. Doanh nghiệp yếu cái gì thì cải thiện cái đó, thiếu đâu giúp đó. Các gói hỗ trợ giai đoạn hai mà không khắc phục được những bất cập của các chính sách trước đó, niềm tin của doanh nghiệp và người dân sẽ không còn.

Thực tế, chính các điều kiện, tiêu chuẩn của những gói hỗ trợ đã và đang làm nản lòng doanh nghiệp, người lao động. Do đó, Chính phủ nên tiếp tục tháo gỡ các quy định theo hướng đơn giản hóa chất lượng của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những doanh nghiệp có khả năng phục hồi.

Trao đổi với KH&ĐS, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, ông đã đề xuất xây dựng một tổ hợp tín dụng khoảng 300.000 tỷ đồng. Tổ hợp này bao gồm các ngân hàng thương mại, sẽ do NHNN chủ trì trong vấn dề xây dựng cơ chế, nhưng không điều hành trực tiếp. Theo đó, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng Covid-19 sẽ được vay vốn với lãi suất thấp 3 - 3.5% từ tổ hợp tín dụng này. Thời hạn vay là 5 năm, trong đó 2 năm đầu là vay tuần hoàn (vay - trả - vay), 3 năm sau trả dần cho đến hết.

“Hiện nay, trong các ngân hàng có lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) với lãi suất rất thấp. Ngân hàng lấy một phần tiền đó để đóng góp trong tổ hợp tín dụng, cho vay lãi suất thấp”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ đối mặt với rất nhiều rủi ro nếu cho doanh nghiệp khó khăn vay vốn. Vì vậy, tổ hợp tín dụng sẽ đi kèm với một cơ chế nữa. Đó là quỹ bảo lãnh tín dụng của Trung ương, có số vốn điều lệ 30 nghìn tỷ đồng để đảm bảo sự an toàn cho các ngân hàng. Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 34 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi được bảo lãnh tín dụng, ngân hàng sẽ mạnh dạn cho doanh nghiệp vay vốn. Như vậy, doanh nghiệp sẽ có khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ mới, có cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo Đời sống
back to top