Hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục, doanh nghiệp nhỏ dễ... chầu rìa

(khoahocdoisong.vn) - Theo tuyên bố của NHNN và các nhà băng, số doanh nghiệp tiếp cận được gói tín dụng lãi suất thấp hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 đang tăng đều. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khi chưa thể vay vốn ngân hàng.

Thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, tính đến ngày 8/5/2020, hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 215.000 khách hàng, với dư nợ 130.000 tỷ đồng và miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260.000 khách hàng, với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, tín dụng ưu đãi cấp mới cho 182.000 khách hàng đạt 630.000 tỷ đồng, với lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch (luỹ kế từ 23/1/2020, thời điểm mà Thủ tướng tuyên bố có dịch).

Tín dụng mang tên hỗ trợ đang... "lớn"

Còn nhớ, ngay sau lời kêu gọi hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa dịch Covid-19 của Thủ tướng, khoảng 10 tổ chức tín dụng đã cam kết cho vay mới với mức lãi suất thấp hơn, ưu đãi hơn so với tín dụng thông thường. Tổng giá trị gói tín dụng ban đầu đạt 250.000 tỷ đồng.

Gói tín dụng này có đặc điểm nổi bật như mục đích là để cho vay mới hỗ trợ các doanh nghiệp hay hộ gia đình phải chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 (hỗ trợ thanh khoản, vốn lưu động…); nguồn vốn là tiền gửi của người dân và doanh nghiệp (không phải từ nguồn vốn ngân sách như năm 2009); tập trung cho vay những lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh…

Sau đó, số lượng tổ chức tín dụng hưởng ứng lời kêu gọi ngày càng tăng. Kéo theo tổng giá trị gói tín dụng cũng tăng dần lên mức 285.000 tỷ đồng rồi 300.000 tỷ đồng. Và với con số vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố như trên, thực chất tổng gói tín dụng hỗ trợ đã tăng lên 630.000 tỷ đồng.

Đại diện Sun Group chia sẻ: “Công ty chúng tôi cũng đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các tổ chức tín dụng trong suốt thời gian dài vừa qua. Theo đó, các tổ chức tín dụng đã giảm khoảng 0,5-1%/năm lãi suất các khoản vay cho đến khi Chính phủ công bố hết dịch”.

Hay như đại diện Tập đoàn Kim Nam, ông Nguyễn Kim Hùng đánh giá, ngành ngân hàng đã rất kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu nợ, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Ông Hùng cho biết: “Có những công ty thuộc Kim Nam chưa rơi vào tình cảnh nợ xấu nhưng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, công ty đã được các ngân hàng thương mại như Vietinbank, Vietcombank chủ động làm việc để giảm lãi suất cho những kỳ hạn dưới 3 tháng, 4 tháng, 5 tháng, trên 6 tháng với mức giảm tùy thuộc từng kỳ hạn, tối đa được 1,5%/năm. Trong thời kỳ này, các ngân hàng thương mại cũng chủ động tiếp cận, đưa ra các khoản vay mới phù hợp với doanh nghiệp thời Covid-19. Trong khó khăn, điều này rất quý”.

Tại khía cạnh khác, khi đem số liệu mới công bố của Ngân hàng Nhà nước trao đổi với một số chuyên gia tài chính, có ý kiến cho rằng, kể từ thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm so với trước đó và xu hướng tiếp tục kéo dài. Do đó, tổng giá trị về gói tín dụng ưu đãi sẽ còn tăng theo thời gian.

Nhưng doanh nghiệp yếu dễ bị... bỏ rơi

Nhìn chung, các doanh nghiệp đánh giá cao ngành ngân hàng trong việc triển khai các giải pháp tín dụng. Ước tính, năm nay, ngành ngân hàng giảm ít nhất 10.000 tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp than khó khi chưa thể tiếp cận nguồn vốn. Đây chủ yếu thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cần lưu ý là, ngay cả trong điều kiện bình thường, kinh tế tăng trưởng tốt và chưa có dịch bệnh, nhóm doanh nghiệp này cũng khó tiếp cận vốn vay vì tài sản bảo đảm thiếu, hoặc không có. Nay, trong điều kiện kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp này càng khó có cơ hội tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ. 

Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc điều hành Công ty CP sản xuất thương mại, xuất nhập khẩu cà phê Napoli cho biết, dịch bệnh đã quật ngã 60% trong số hơn 2.000 điểm kinh doanh cà phê nhượng quyền với thương hiệu Napoli. Và khiến doanh nghiệp này đối diện với muôn vàn khó khăn, bởi các chi phí như mặt bằng, nhân viên, kho bãi... vẫn phải duy trì.

“Để có nguồn vốn khôi phục sản xuất và kinh doanh, tôi đã tìm hiểu các gói vay ưu đãi của các ngân hàng nhưng cái khó là ngân hàng yêu cầu phải có tài sản đảm bảo và có lãi, trong khi doanh nghiệp ngành ẩm thực mặt bằng chủ yếu đi thuê” - ông Hưng cho biết.

Lý giải nguyên nhân nhiều doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận vốn vay ngân hàng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, vốn kinh doanh của họ cũng là vốn thương mại huy động từ dân cư, phải trả lãi chứ không phải vốn được cho không. Do đó, sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng cũng chỉ ở mức độ nào đó chứ không thể tràn lan được, vì nguồn lực có hạn

Đứng trước bài toán vừa giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nhưng không được phá vỡ các tiêu chí về đảm bảo an toàn hoạt động của ngành, ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, các tổ chức tín dụng cần nắm sát tình hình doanh nghiệp để hỗ trợ một cách có hiệu quả. Ðiều này sẽ giúp tổ chức tín dụng tránh được tình trạng khách hàng chây ì, đảo nợ, để rồi gây ra nợ xấu sau này.

“Khi đã nắm rõ thực chất hoạt động doanh nghiệp, tổ chức tín dụng cần công khai các trường hợp không đủ điều kiện cho vay, tránh sự hiểu lầm, cũng như để doanh nghiệp hiểu rằng, không phải ngân hàng là nguồn hỗ trợ duy nhất trong lúc khó khăn này” - ông Thắng nhấn mạnh.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết thêm, các ngân hàng đã rất quyết liệt, đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp và người dân, đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do dịch bệnh Covid-19, như triển khai các gói hỗ trợ với nhiều ưu đãi về lãi suất, phí dịch vụ, tinh gọn quy trình, thủ tục, hồ sơ cho vay… Tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng được thuận lợi hơn.

Được biết, tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra sáng 9/5/2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước một lần nữa lại bày tỏ quan điểm không thể hạ chuẩn cho vay.

“Chương trình tín dụng ưu đãi được các tổ chức tín dụng triển khai từ nguồn huy động tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế. Vì vậy, phải bảo đảm an toàn vốn vay, an toàn hoạt động để không gây tác động tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế”.

Theo Đời sống
Loạn giá vòng tay trầm hương

Loạn giá vòng tay trầm hương

Gỗ trầm hương được cho là nằm trong “Tứ đại hương mộc” của Việt Nam. Nắm bắt được tâm lý và nhu cầu sử dụng ngày càng cao trên thị trường, đã có rất nhiều sản phẩm nhái, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan.
back to top