Ho, khó thở do nang phổi bẩm sinh khổng lồ

(khoahocdoisong.vn) - Bệnh viện Nhi T.Ư vừa hồi sinh cho một bé gái 12 tháng tuổi người Lào với khối nang phổi khổng lồ chèn ép trung thất và phổi. Nang phổi bẩm sinh thường có triệu chứng giống các bệnh đường hô hấp khác nên dễ bị bỏ sót gây nguy hiểm cho trẻ.

Phối hợp hai nước cứu sống bệnh nhi

Bé gái may mắn đó là cháu V.S.P. (12 tháng tuổi, Phonxay, Xam Neua, Hua Phan, Lào). 1 tháng trước khi nhập viện, trẻ xuất hiện ho, khó thở, được khám và điều trị tại bệnh viện địa phương tại Lào. Sau 2 tuần điều trị, tình trạng sức khỏe của bé vẫn không tiến triển phải chuyển thở oxy và đặt dẫn lưu màng phổi. 1 tuần trước khi vào Viện Trẻ em Viên Chăn (Lào), tình trạng khó thở của bé P. tăng lên, dẫn lưu ra khí liên tục, X-quang ngực có bóng khí lớn ở phổi phải, đè đẩy tim và trung thất sang bên đối diện.

Trước diễn biến ngày càng xấu của bệnh nhi, ngày 21/4/2020, các bác sĩ Bệnh viện Viên Chăn đã tiến hành hội chẩn từ xa với đồng nghiệp tại Bệnh viện Nhi T.Ư.

TS.BS Nguyễn Văn Linh, Phó Giám đốc Trung tâm phẫu thuật Nội soi trẻ em, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, sau quá trình hội chẩn, các bác sĩ Ngoại, Bệnh viện Nhi T.Ư đưa ra kết luận: Bệnh nhi có khối nang phổi khổng lồ thùy trên phổi phải, chèn ép trung thất và phổi trái, có chỉ định mổ cấp cứu nên quyết định chuyển bệnh nhi sang Việt Nam.

Với sự phối hợp của hai nước, ngày 3/5, bệnh nhi được vận chuyển đến Bệnh viện Nhi T.Ư trong tình trạng nặng khó thở. Sau khi xét nghiệm Covid-19 âm tính, bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật ngày 5/5. Sau ca phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi đã tiến triển tốt và dần bình phục.

Quản lý thai kỳ để phát hiện sớm bệnh

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Hiển, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, nang phổi bẩm sinh là dị dạng đường thở do sự phát triển bất thường của mầm khí phế quản trong bào thai, tạo nên những nang trong lồng ngực hoặc trong phổi. Trẻ sơ sinh mắc chứng bệnh nang phổi bẩm sinh sẽ bị suy hô hấp thời gian ngắn sau khi sinh. Bởi trong nhu mô phổi có nhiều nang và trong những nang này chứa đầy dịch. Các nang này sẽ bị dãn rộng khi trẻ thực hiện các động tác thở đầu tiên. Hiện tượng này gây chèn ép mô phổi bình thường dẫn đến tăng gánh cho tim. Tiên lượng của bệnh tùy thuộc vào nang nhiều hay ít.

Bệnh nang phổi có triệu chứng giống với các bệnh lý hô hấp khác như ho khò khè, khó thở, sốt… do đó rất dễ bị bỏ quên. Bệnh thường chỉ được phát hiện khi trẻ bị viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần và phát hiện nhờ chụp X-quang phổi, chẩn đoán xác định bằng chụp CT scan). Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra biến chứng như ápxe phổi (khi bội nhiễm), tràn khí màng phổi (khi nang khí vỡ), thậm chí nặng nề hơn nữa là tử vong.

Ngoài nang phổi, còn gặp nang phế quản, các nang này thường xuất hiện ở một thùy đơn độc và được lót bởi biểu mô trụ lông chuyển. Các nang này có thể bị nhiễm trùng, và viêm gây sự thông thương với cây khí phế quản. Việc này có thể gây chèn ép đường thở, bệnh nhân có triệu chứng khò khè, thở rít hoặc cơn tím tái. Ở người trưởng thành có thể chỉ phát hiện các nang này tình cờ qua chụp X-quang phổi hoặc do nhiễm trùng phổi tái phát nhiều lần. Đặc biệt, theo một số nghiên cứu thì các nang này có thể thoái hóa thành ác tính.

PGS.TS Nguyễn Duy Hiền khuyến cáo, để phát hiện kịp thời nang phổi, các bà mẹ mang thai nên theo dõi và quản lý thai kì chặt chẽ nhằm phát hiện sớm dị tật trước sinh, phát hiện sớm các dị tật của trẻ. Việc phát hiện và điều trị sớm có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển sức khỏe và thể chất lâu dài của trẻ. Khi phát hiện con mình có các triệu chứng ho, khò khè kéo dài, viêm phổi thường xuyên tái phát cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên môn cao để bác sỹ kiểm tra và chỉ định điều trị kịp thời.

Việc phát hiện và điều trị sớm dị tật phổi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển sức khỏe và thể chất lâu dài của trẻ. Bệnh nang phổi bẩm sinh có thể được phát hiện sớm trong thời kỳ bào thai nhờ kỹ thuật siêu âm hoặc MRI, phát hiện được trước tuần thứ 20. Do đó, trong giai đoạn trước sinh, người mẹ cần khám và siêu âm định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý ở phổi nói chung và bệnh nang phổi bẩm sinh nói riêng, từ đó có phương án điều trị ngay sau sinh.

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top