Hồ Gia Anh Lê:  Đối diện cái chết sẽ chạm đến sự sống sâu sắc hơn

Nếu biết lúc nào chết, có lẽ mình sẽ sống những ngày còn lại ý nghĩa hơn. Khi yêu thương ai đó, món quà có ý nghĩa nhất là sự hiện diện đích thực của mình... Chúng ta cùng lắng nghe câu chuyện của một người trẻ đang trải qua ung thư giai đoạn cuối. Chị là Hồ Gia Anh Lê, chuyên gia tư vấn và đào tạo Mindfulness (sống tỉnh thức) tại Đại học Yale NUS, Singapore.
ho-gia-anh-le.jpg
"Chưa bao giờ mình sống cuộc sống nhiều cung bậc cảm xúc như hiện tại".

Quan trọng là chất lượng cuộc sống

Câu chuyện mà Lê đang đối diện, cách Lê đi qua nó mỗi ngày là một bài học về sự mạnh mẽ. Mình muốn hỏi, lúc nghe tin bị ung thư giai đoạn cuối, bạn đối mặt với nó như thế nào?

Một ngày giữa tháng 12, đang ngồi nhìn ngắm trời mây trôi ngoài cửa sổ, Lê nhận được thông báo ung thư giai đoạn cuối không chữa được, chỉ kéo dài được 6 tháng nữa. Thật sự là lúc đó rất sốc vì hơn 10 năm nay mình sống rất lành mạnh, tập thiền, cố gắng ăn đồ ăn sạch nhất có thể và làm những gì tốt nhất cho sức khỏe và tinh thần. Cũng may mình thực tập thiền và theo lối sống tỉnh thức hơn 10 năm rồi nên khoảnh khắc đó mình cũng nhớ là trở về với hơi thở. Rồi mình bỗng nhìn thấy một bông hoa nở như đang cười với mình. Bông hoa đó như một tiếng chuông tỉnh thức giúp mình trở về với giây phút hiện tại. Mình hít vào thở ra và mỉm cười với bông hoa rồi nghĩ, 6 tháng cũng dài và giờ mình vẫn đang sống, vẫn đang thở đấy thôi. Sau đó mình nói chuyện với một bác 70 tuổi ung thư di căn giai đoạn cuối từ năm 2018 nhưng đến lúc đó bác vẫn khỏe mạnh và mình thấy sẵn sàng đón nhận mọi thứ. Mất khoảng 30 phút để đi qua hành trình đó, từ lúc mình sốc cho đến lúc chấp nhận.

Thời điểm này đọng lại trong Lê điều gì?

Chưa bao giờ mình sống cuộc sống nhiều cung bậc cảm xúc như hiện tại. Nhưng cái đọng lại trong 6 tháng qua là lòng biết ơn: Biết ơn được sống, biết ơn khi mà được nhận rất nhiều yêu thương từ tất cả mọi người. Mình coi ung thư là một người bạn rất đặc biệt đánh thức mình sống sâu sắc hơn. Thời gian là vật lý nhưng cũng là tâm lý và mình thấy không quan trọng là sống bao lâu, quan trọng là chất lượng cuộc sống như thế nào.

Gia đình Lê, những người bạn, đồng nghiệp đón nhận tin đó thế nào?

Trong thời gian Covid-19, người thân, bạn bè tới thăm chỉ được ít phút, hầu như là tự bản thân mình ôm ấp mọi cảm xúc. Mình tự nói với bản thân may chuyện này xảy ra với mình thời điểm này khi mình đã mạnh mẽ. Nếu xảy ra 10 năm trước, khi mình chưa đủ mạnh mẽ, có lẽ mình đã bỏ cuộc vì sốc và hoang mang, tuyệt vọng. Những người xung quanh khi biết tin, ai cũng khóc, lo lắng cho mình vì coi nó là án tử. Nhưng có một bài hát mình dạy cho các bạn nhỏ Hà Tĩnh:“Thở vào là hoa, thở ra tươi mát/thở vào là núi, thở ra vững vàng”. Chính năng lượng đó đã giúp mình trải qua 5 đợt hóa trị và xạ trị nhưng vẫn yêu đời. Và khi tâm mình an thì mọi người kết nối với mình cũng an lòng hơn.

anh-le-6.jpg
Nếu mình biết cách khổ đau thì mình sẽ bớt khổ đau hơn.

Vậy là thay vì đón nhận sự an ủi, ngược lại Lê lại giúp cho mọi người có niềm tin vào sự phục hồi của mình?!

Khi mình học thiền bên Làng Mai (Pháp), có một câu thầy Thích Nhất Hạnh nói làm cho mình thấm thía và bây giờ thấm thía hơn đó là: Khi mà bạn yêu thương ai đó, món quà quý giá nhất mà bạn dành cho họ đó là sự có mặt đích thực của mình. Nhưng sự có mặt đó phải tươi mát, vững vàng, bình an, hạnh phúc thì mới có ý nghĩa. Đó mới là món quà có giá trị gửi tới những người yêu thương. Vì thế, mình đã dừng mọi công việc, dành tặng mọi người một món quà dù người đó là ai, món quà từ sự vững vàng từ trái tim. Có thể bây giờ mình đang khóc, nhưng không phải khóc vì tủi thân hay tổn thương mà vì xúc động.

“Ôm ấp ung thư bằng chánh niệm”

Mọi người thường nghĩ đến cái chết một cách bi quan trong khi Lê lại đang trao cho mọi người món quà năng lượng của sự sống, lạc quan... Lê có thể chia sẻ cho mọi người quá trình thực hành để tạo được sự vững vàng, lạc quan đó?

Mình nghĩ tất cả chúng ta ai rồi cũng sẽ chết mà phần lớn không biết lúc nào chết. Nếu mình biết lúc nào mình chết thì sẽ sống những ngày còn lại ý nghĩa hơn. Ngay từ khi có suy nghĩ làm thế nào để mình sống có ý nghĩa hơn, thì ý nghĩa của cuộc sống với mình là lan tỏa những giá trị yêu thương, lan tỏa những điều tốt đẹp cho cộng đồng. Thế giới vừa trải qua đại dịch và giờ là chiến tranh. Trong thời gian mình có và còn có thể thì qua suy nghĩ, lời nói, hành động, mình “gieo hạt” cho tâm mình và tất cả những người xung quanh. Mình cảm thấy biết ơn từ trái tim vì hôm nay mình vẫn còn sống, thức dậy và yêu thương. Điều quan trọng nhất là mình còn sống và hôm nay làm thế nào để mình có thể yêu thương. 10 năm nay mình luôn luôn tâm niệm điều đó. Khi kết nối được sâu hơn với mình thì mình kết nối với mọi người sâu sắc hơn và cảm nhận được thiên nhiên sâu sắc hơn. Và khi có thể trở về với giây phút thực tại thì mình nhận thấy ngay lúc này vẫn đang rất ổn. Có thể lúc nào đó sẽ chết nhưng hiện giờ mình đang sống và vẫn nói cười. Như vậy nó cho mình sức mạnh.

Nếu ngày tháng của mình có hạn, có người đã lên một danh sách những điều cần làm. Lê có danh sách đó không?

Mình sinh ra ở miền Trung lớn lên cùng bão lũ nên ngay từ hồi còn bé mình đã ý thức được sự vô thường của cuộc sống vì có rất nhiều người còn trẻ có thể chết vì bão lũ. Nên sự hữu hạn của cuộc sống được mình nhận thức từ khi còn bé. Do đó, mình đã gieo vào suy nghĩ hạt giống làm thế nào sống mỗi ngày trọn vẹn. Và bây giờ, nếu có chết mình cũng không có gì nuối tiếc, đó là thật lòng. Mình cảm thấy biết ơn bản thân mình đã lựa chọn sống có ý nghĩa, hết lòng rồi nên không có gì phải hối tiếc.

Từ giây phút bác sĩ nói 6 tháng, đồng hồ tích tắc thì mình làm thế nào để dùng thời gian còn lại một cách có ý nghĩa sâu sắc, có tác dụng tích cực nhất đến thế giới xung quanh. Mình quyết định viết một cuốn sách “Ôm ấp ung thư bằng chánh niệm”. Mọi người thường nghĩ phải chiến thắng căn bệnh nhưng mình coi ung thư là một người bạn giúp mình nhận ra nhiều điều và sống sâu sắc hơn. Mình rất biết ơn người bạn này và muốn ôm ấp, đón nhận tất cả mọi thứ đến với mình bằng năng lượng chánh niệm của sự tỉnh thức yêu thương. Dù kết quả như thế nào thì mình chắc chắn, hành trình này giúp mình chữa lành rất nhiều.

Có hai điều mình muốn làm đó là giúp mọi người có nhận thức khác về ung thư, lối sống, môi trường... Hai là vai trò của mindfullness - lối sống hiểu biết và yêu thương có tác dụng chữa lành hơn bất kỳ thuốc Tây nào. Y học Singapore rất hiện đại nhưng nếu sức khỏe của mình có được cải thiện thì công lớn là do lựa chọn lối sống có nhiều thấu hiểu yêu thương, giúp mình chuyển hóa được nỗi đau bên trong và làm được nhiều điều hơn cho những người xung quanh.

anh-le.jpg
"Mình coi ung thư là một người bạn giúp mình nhận ra nhiều điều và sống sâu sắc hơn".

Lê tặng cho mọi người nhiều quà, vậy món quà mọi người có thể tặng Lê lúc này?

Khi mình viết sách thì mỗi tuần có cuộc gọi với người thầy, hỏi những câu hỏi suy ngẫm, viết ra hành trình của mình. Thầy có hỏi Lê muốn mọi người làm gì khi nghe tin Lê đã đi. Mình nói với thầy, nếu có lòng với nhau thì để tay lên bụng, thở 3 hơi thở sâu, chú tâm hoàn toàn vào sự phồng lên xẹp xuống của bụng thôi rồi cảm nhận sự bình an trong hiện tại, rồi nở một nụ cười thật tươi. Đó là cách Lê muốn mọi người tặng quà cho chính mình và cho Lê mỗi khi chúng ta nhớ đến nhau. Đó cũng là cách chúng ta luôn có trong nhau. Các nghiên cứu về tâm lý học và não bộ cho thấy hít thở giúp chữa lành rất nhiều. Tâm an thì thế giới an. Với mình, khi đối diện trực tiếp với cái chết giúp mình chạm đến sự sống sâu sắc hơn. Nếu mình biết cách khổ đau thì mình sẽ bớt khổ đau hơn.

Xin cảm ơn Lê!

ThS Hồ Gia Anh Lê nguyên là giảng viên Chương trình Cử nhân chất lượng cao, Khoa Sư phạm tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện chị đang đảm nhiệm vai trò chuyên gia tư vấn và đào tạo về Mindfulness tại Đại học Yale NUS, Singapore, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hệ thống giáo dục HBE – Trường học Hạnh phúc tại Hà Tĩnh. Chị đã đóng góp nhiều hoạt động cho cộng đồng và hệ thống giáo dục Việt Nam thông qua những khóa tư vấn đào tạo về Mindfulness.

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Trong gần 65 năm qua, với đội ngũ phóng viên và cộng tác viên đông đảo là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, Khoa học và Đời sống đã có nhiều bài viết ấn tượng, làm nên thương hiệu, tên tuổi của tờ báo khoa học hàng đầu.
back to top