Hồ Đắc Di - Nhà trí thức lớn và ước mơ "cứu nhân độ thế" – Kỳ 2: Giảng viên người Việt đầu tiên đứng trên bục giảng

(khoahocdoisong.vn) - Thuở nhỏ Hồ Đắc Di được gia đình gửi học nội trú tại Trường Lycée Albert Sarraut (Hà Nội). Theo lời khuyên của bác sĩ Thiroux, ngự y của triều đình Huế lúc bấy giờ, gia đình đã định hướng cho ông theo nghề y và gửi ông sang Pháp du học trong thời gian 1918 - 1932.
GS Tôn Thất Tùng, Thứ trưởng Bộ Y tế (trái) và GS Hồ Đắc Di, Hiệu trưởng Trường Đại học Y kháng chiến ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang, năm 1948.

GS Tôn Thất Tùng, Thứ trưởng Bộ Y tế (trái) và GS Hồ Đắc Di, Hiệu trưởng Trường Đại học Y kháng chiến ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang, năm 1948.

Ngày tháng lao tâm khổ tứ được đền đáp xứng đáng

Để nuôi năm người con trai ăn học tại một thành phố giá cả sinh hoạt đắt đỏ vào bậc nhất thế giới, cụ Hồ Đắc Trung đã phải bán gần hết đất đai ruộng vườn. Mấy anh em thường bảo nhau: "Thầy me ở nhà đã bán hết tài sản lo cho chúng mình, phải cố mà học". Ngoài ra, vợ ông Hồ Đắc Điềm là bà Hoàng Thị Lý cũng theo sang để lo việc cơm nước, giặt giũ, chăm sóc cho chồng và các em chuyên tâm đèn sách. Để kiếm thêm tiền ăn học, anh em nhà Hồ Đắc phải tranh thủ đi làm gia sư cho con cái các nhà giàu có hoặc chép bài thuê. Không như nhiều công tử con quan khác sang Pháp chỉ chơi bời là chính chứ chẳng chịu học hành gì, anh em nhà Hồ Đắc đều học rất giỏi và ngay cả đám sinh viên Pháp cũng biết tiếng "Les Ho Dac”.

Xuất thân dòng dõi quý tộc, "công tước Hồ Đắc” như một số bạn bè vẫn gọi đùa. Hồ Đắc Di không chỉ giỏi mà còn am hiểu triết học và sành thưởng thức văn chương nghệ thuật, hơn nữa lại còn rất điển trai và hài hước khiến không ít trái tim của những thiếu nữ Pháp xao động. Ông chơi thân với Eve Curie, con gái út của vợ chồng nhà bác học lừng danh Pierre và Marie Curie. Ngày chủ nhật, chàng quý tộc phương Đông hào hoa thường được mời tới nhà gia đình Curie chơi. Hồ Đắc Di là một tay chơi violon khá cừ nên Eve thích song tấu vĩ cầm cùng ông và họ đã có những giờ phút thật êm đềm, lãng mạn. Sau này, Eve trở thành phu nhân Thủ tướng Pháp Pierre Mendes France.

Không ai có thể phủ nhận nước Pháp luôn duy trì được một nền y học tiên tiến, có truyền thống lâu đời. Chàng sinh viên y khoa Hồ Đắc Di có may mắn đã gặp những người thầy, những vị giáo sư hàng đầu rất đỗi uyên bác và khả kính đã mở mang tầm nhìn cũng như dìu dắt ông đi những bước đầu tiên trên con đường khoa học. Trước hết, GS Ferdinand Wisal ở Bệnh viện Cochin, niềm kiêu hãnh của ngành lâm sàng Pháp, đã dạy cho ông những kinh nghiệm và phương pháp chẩn đoán bệnh khoa học, chính xác qua quan sát và tư duy logic. Sau đợt thực tập tại Bệnh viện Cochin, Hồ Đắc Di càng dốc sức học tập, vượt qua vòng thi tuyển để được hưởng chế độ ngoại trú tại Bệnh viện Saint Antoine. Trong vòng 4 năm, ông lần lượt làm việc tại các khoa khác nhau với các GS Lejars, Sergent và Rathery.

Nhưng để ấn tượng sâu sắc nhất đối với ông chính là GS Pierre Duval, một bậc thầy về phẫu thuật, chính vị giáo sư này đã gợi mở cho ông thiên hướng đi chuyên sâu về phẫu thuật và ông mãi biết ơn giáo sư về điều đó. Chỉ những người trong nghề y mới biết thi vào nội trú khó đến mức nào, đặc biệt là trở thành bác sĩ nội trú tại các Bệnh viện Paris lại càng khó bội phần. Đây là một cuộc thi cực kỳ khó khăn, 1.200 thí sinh chỉ lấy đỗ vẻn vẹn 80 người. Rốt cuộc, những ngày tháng lao tâm khổ tứ của Hồ Đắc Di đã được đền đáp xứng đáng, cùng với một vài sinh viên người Tây Ban Nha, Rumani và Trung Quốc, ông được công nhận nội trú.

Nhiệt huyết tuổi trẻ bị cản trở

Đến nội trú tại Bệnh viện Tenon, ông lại may mắn được làm trợ lý cho GS Gernez, nhà phẫu thuật tài ba, một người thầy uyên bác mang trái tim nghệ sĩ đầy bao dung. GS Gernez và GS Mounonguet, một chuyên gia giải phẫu bệnh có tiếng của Pháp đã hết lòng hướng dẫn, kèm cặp và truyền thụ nghề phẫu thuật cũng như tính chất con người của nghề y cho chàng sinh viên trẻ người Việt và những người nội trú khác. Đây là giai đoạn mà Hồ Đắc Di tự nhận “Tôi đi tu trong chuyên môn, say mê với kỹ thuật”. Ông say sưa, quên mình với công việc ở bệnh viện. Hồ Đắc Di nhận bằng Bác sĩ với luận văn tốt nghiệp gây được sự chú ý trong giới chuyên môn. Ông đưa ra một phương pháp phẫu thuật dạ dày mới: Phương pháp “nối thông dạ dày – tá tràng” nhằm điều trị chứng hẹp môn vị mà không cần phải cắt bỏ dạ dày. Đây là công trình nghiên cứu y học có giá trị mang tên ông, được ứng dụng trong hàng chục năm tại nhiều quốc gia, được trích dẫn trong nhiều sách và tạp chí chuyên ngành.

Năm 1931, khi cuộc sống của bác sĩ trẻ Hồ Đắc Di đã tương đối ổn định trên đất Pháp thì ông nhận được thư cha mẹ gọi về nước. “Ông đốc tờ” Hồ Đắc Di mang theo khối tri thức 13 năm trời học hành ở Pháp và cả bầu nhiệt huyết tuổi trẻ hăm hở về nước, những mong có cơ hội thực thi hoài bão “cứu nhân độ thế”, “giúp ích xã hội” hằng ấp ủ bấy lâu. Ông làm việc tại Bệnh viện Huế và nhanh chóng bị vỡ mộng. Hồ Đắc Di là nhà phẫu thuật chuyên môn nhưng chỉ được làm bác sĩ tập sự, phải chịu để những thầy thuốc người Pháp bất tài sai khiến. Hằng ngày phải chứng kiến đủ cảnh bất công, người nghèo bị khinh rẻ không bằng súc vật, bản thân bị chèn ép, miệt thị trong công việc, ông trải qua những tháng ngày vô cùng nặng nề. Có lần, không thể chịu nổi tư tưởng thực dân, Hồ Đắc Di đã vác ghế định nện cho tên bác sĩ trưởng Lemoine một trận về tội đã dốt chuyên môn lại kiêu căng độc đoán. Sau vụ việc này, ông bị thuyên chuyển vào Quy Nhơn.

Chán chường, Hồ Đắc Di định trở lại Pháp làm việc vì Bệnh viện Tenon đã có lời mời, nhưng cha mẹ ông không đi. Ít lâu sau, BS Leroy des Barres, Giám đốc Trường Đại học Y Hà Nội đã giúp Hồ Đắc Di ra làm việc tại trường này. Ra Hà Nội, Hồ Đắc Di thêm một lần thất vọng bởi lẽ sự kỳ thị chủng tộc ở đây càng tỏ ra sâu sắc hơn. Nhiều bác sĩ giỏi người Việt tốt nghiệp ở nước ngoài về nhưng không được trọng dụng, trường đại học không có chỗ dành cho giáo sư người bản xứ. Tất cả mọi quyền hành, chức vụ quan trọng trong ngành y tế đều nằm trong tay người Pháp. Tại Bệnh viện Phủ Doãn cũng như trên toàn sứ Đông Dương chỉ có 2 người Pháp là Leroy des Barres và Cartoux được phép cầm dao mổ. Hồ Đắc Di gặp Leroy des Barres và nói thẳng: “Không cho tôi làm phẫu thuật thì tôi sẽ không làm việc”. Trước sự kiên quyết của Hồ Đắc Di, hơn nữa Leroy des Barres cũng từng là bác sĩ nội trú các bệnh viện Pháp nên thừa biết khả năng của BS Hồ Đắc Di nên ông ta đành nhượng bộ.

Cụ Vi Văn Định với con cháu (GS Hồ Đắc Di - hàng đầu, bên phải và GS Nguyễn Văn Huyên - hàng sau, bên trái) ở vùng Ngòi Quẵng, Chiêm Hóa, Tuyên Quang.

Cụ Vi Văn Định với con cháu (GS Hồ Đắc Di - hàng đầu, bên phải và GS Nguyễn Văn Huyên - hàng sau, bên trái) ở vùng Ngòi Quẵng, Chiêm Hóa, Tuyên Quang.

Vào thời đó, có thể nói Hồ Đắc Di đã gây nên một sự thay đổi trong nhận thức của không ít người khi ông đồng thời trở thành giảng viên người Việt Nam đầu tiên đứng trên bục giảng của Trường Đại học Y Hà Nội và cũng là bác sĩ người Việt đầu tiên giữ vai trò bác sĩ phẫu thuật thường trực tại Bệnh viện Phủ Doãn. Đây là việc trước đó chưa từng có, thành thử khi lần đầu phụ trách ca mổ, ông bảo người y tá chuẩn bị dụng cụ phẫu thuật, anh này ngơ ngác thậm chí không còn tin ở tai mình nữa...

(còn nữa)

Theo TT&CS
back to top