Hồ Đắc Di - Nhà trí thức lớn và ước mơ "cứu nhân độ thế"

(khoahocdoisong.vn) - Ông là người Việt Nam đầu tiên trở thành bác sĩ phẫu thuật, giáo sư người Việt đầu tiên đứng trên bục giảng trường đại học dưới thời Pháp thuộc.

Với 21 trong số 37 công trình có giá trị đã công bố còn tìm thấy, một số được tham khảo và ứng dụng tại nhiều nước, ông là nhà nghiên cứu y học đạt trình độ quốc tế từ rất sớm của Việt Nam và được coi là người thầy của mọi thế hệ cán bộ y tế nước ta. Hồ Đắc Di cũng thuộc hàng ngũ trí thức tên tuổi nhiệt thành tin theo và sống chết với cách mạng ngay từ buổi đầu, không chút hoài nghi, tính toán. Với trí tuệ và nhân cách của một trí thức lớn, con người ấy đã dành trọn cuộc đời cho y học và đất nước.

GS.BS Hồ Đắc Di.

GS.BS Hồ Đắc Di.

Gia tộc giàu có và huy hoàng

Thuở nhỏ, cứ vào một ngày cuối tháng tư, cậu bé Hồ Đắc Di lại thấy cha mình là cụ Khánh Mỹ Quận Công Hồ Đắc Trung, thượng thư Bộ Học, Đông các Đại học sĩ, khóc như mưa như gió. Phải nhiều năm sau, cậu mới biết đó là ngày kinh thành Huế thất thủ. Cụ Thượng thư không chỉ khóc thương cho cơ nghiệp mấy trăm năm của triều đình Nguyễn bỗng chốc sụp đổ, khóc vì một dân tộc có một bề dày lịch sử vô cùng kiêu hãnh nay mất đi quyền tự chủ mà cụ còn rơi nước mắt vì một lý do riêng tư khác. Họ Hồ ở Việt Nam là một dòng tộc mang một quá khứ giàu có và huy hoàng, đã sản sinh ra nhiều nhân vật lỗi lạc, có ảnh hưởng lớn đến dòng chảy của lịch sử dân tộc và còn nhiều điều bí ẩn chưa được khám phá hết. Dưới triều Nguyễn, dòng họ này vẫn hết sức hiển thịnh, số công hầu khanh tướng giữ vai trò rường cột trong triều đình Huế rất đông đảo. Để biểu lộ sự tin cậy và nhằm thắt chặt hơn quan hệ vua tôi, các vua Nguyễn còn đem tới năm công nữ, công chúa gả cho nhà họ Hồ. Cha cụ Hồ Đắc Trung là Hầu tước Hồ Đắc Tuấn, thành thân với nữ Thức Huấn, con gái Tùng Thiện Vương. Bà đã bị quân Pháp bắn chết khi tràn vào kinh thành đốt phá trong ngày thành Huế thất thủ. Vì lẽ đó mà cụ Hồ Đắc Trung vẫn ngấm ngầm nuôi mối thù đối với quân cướp nước nhưng tư tưởng bài thực dân Pháp của cụ chỉ ít người biết.

Tuy là một viên cơ mật đại thần, quyền hành rất lớn nhưng cụ Hồ Đắc Trung là người trọng nghĩa, không ỷ thế để hà khắc kẻ khác hoặc vơ vét làm giàu. Cụ tính thanh liêm, ngay thẳng, thường ra mặt bênh vực những tư tưởng cách tân tiến bộ và các nhân sĩ yêu nước. Khi cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (cha của Nguyễn Sinh Cung hay Nguyễn Tất Thành tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) được bổ làm tri huyện huyện Bình Khê, cụ xử kiện luôn nương nhẹ, bênh vực dân nghèo nhưng lại thẳng tay trừng trị đám cường hào nhũng nhiễu tại địa phương và thường "sơ ý” để nhiều chính trị phạm trốn thoát. Lối hành xử của cụ Nguyễn khiến bọn sâu mọt ở Bình Khê vốn là thủ hạ của một số thế lực trong triều đình vô cùng tức tối. Chúng bèn gièm pha, ton hót với những kẻ đỡ đầu trong triều. Ngày 19/5/1910 (tức năm Duy Tân thứ ba), Hội đồng nhiếp chính Nam triều đã xuống lệnh cách chức tri huyện đối với cụ Nguyễn Sinh Sắc, phạt đánh 100 trượng, phạt tiền 10 nén bạc, đuổi về quê ở Nghệ An vì các “tội” kể trên.

Mến trọng tài đức của cụ Nguyễn, cụ Hồ Đắc Trung và quan Đông các Đại học sĩ Cao Xuân Dục (ông nội giáo sư Cao Xuân Huy) đã đứng ra xin miễn giảm hình phạt cho cụ khỏi bị phạt đòn và được phép cư trú tự do trong kinh thành Huế. Không những thế, cụ Hồ Đắc Trung còn sai người nhà lặn lội ra tận Nghệ An với ý định đón con ông - Nguyễn Sinh Khiêm (con trưởng của cụ Nguyễn Sinh Sắc, anh trai Nguyễn Sinh Cung) vào Huế để sắp xếp công ăn việc làm cho trong lúc khó khăn, nhưng ông Khiêm đã cảm tạ mà không đi. Cũng chính cụ thượng thư Hồ Đắc Trung đã vận động giúp một số nhân sĩ có tư tưởng tiến bộ như Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lỗi, Trần Lê Chất... mở trường tư Dục Thanh tại Thị xã Phan Thiết. Sau này, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã có một thời gian dạy học ở đây trước khi vào Sài Gòn, xuống tàu đi tìm đường cứu nước. Cảm phục trước nhân cách và nghĩa khí của cụ Hồ Đắc Trung, nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng đã có thơ khen tặng cụ.

Những việc làm, lời nói và nỗi lòng của người cha đã gây ảnh hưởng cực kỳ sâu sắc đến mười người con của cụ. Cụ Hồ Đắc Trung thường gọi các con của mình là cu li và bảo rằng phàm đã mất nước thì đều là kiếp nô lệ tất, chẳng kể là quan hay dân. Cụ đã thổi vào tâm hồn những người con tinh thần yêu nước. Tuy nhiên, vốn là bậc trí giả, cụ thừa hiểu không thể giành lại độc lập và chấn hưng đất nước nếu không hướng ngoại mà cứ trông cậy vào nền học vấn Nho giáo lắm bảo thủ, ưa lối tầm chương trích cú, xem thường tư duy khoa học sáng tạo. Trừ người con trưởng là ông Hồ Đắc Khải vẫn theo Hán học, tất cả những người còn lại đều chuyển sang Tây học. Ông Hồ Đắc Điềm, con trai thứ của cụ Hồ Đắc Trung thường nhắc lại câu nói của cha mình: "La route de France ét la route de l’anti – France” (tạm dịch: con đường của Pháp là con đường chống Pháp).

Tuổi trẻ và ước mơ

Sau khi hoàn thành chương trình tiểu học, cùng với mấy anh em trai khác, Hồ Đắc Di bịn rịn tạm biệt cha mẹ ở An Truyền, Cố đô Huế để ra "Thủ đô Liên bang Đông Dương” học bậc trung học. Tại Hà Nội, hai anh em Hồ Đắc Di và Hồ Đắc Ân học ở trường Paul Bert (nay là Trường Trưng Vương, đường Hàng Bài), trường này cùng với Trường Albert Sarraut (nay là trụ sở Ban Văn hóa Tư tưởng T.Ư, đường Hoàng Văn Thụ) là hai trường trung học danh giá nhất xứ Đông Dương thời bấy giờ. Hồ Đắc Di là bạn học cùng với hoàng thân Lào Souvana Phouma, Hồ Đắc Ân cùng lớp với một vị hoàng thân khác của đất nước triệu voi Souphanouvong. Tình bạn giữa anh em nhà Hồ Đắc và hai chính trị gia có tiếng của Lào sau này còn kéo dài suốt những năm tháng học tập tại nước Pháp.

Năm 1918, khi Hồ Đắc Di vừa tròn 18 tuổi, học xong chương trình phổ thông cũng là thời điểm cuộc đại chiến thế giới thứ nhất kết thúc. Dưới ảnh hưởng trực tiếp của người cha và được sự khuyến khích của một bác sĩ người Pháp tên Thiroux, cậu tú Hồ Đắc Di đã có sự lựa chọn phù hợp với thiên tư và tâm hồn trong trẻo, tràn ngập những ước mơ tuổi trẻ của mình. Vẫn nguyên vẹn tâm trạng phấn khởi, tinh thần hăng hái, chàng công tử họ Hồ xuống tàu sang Pháp đeo đuổi con đường đã chọn: y học, một nghề nghiệp cao quý. Ông đã viết những dòng này trong hồi ký: "Trí tưởng tượng của tôi vẽ nên bao hình ảnh đẹp đẽ, cao thượng của nghề mình chọn. Tôi ao ước nắm được những kiến thức khoa học tiên tiến nhất để đem ra “cứu nhân độ thế”, đẩy lùi thần chết. Còn gì sung sướng và tự hào bằng một buổi sớm mai thấy lại sự sống trong đôi mắt đã mờ dại, thấy người bệnh đã hồi sinh?”. Trước khi thi vào đại học, ông học thêm hai năm ở Bordeaux. Mùa thu năm 1920, Hồ Đắc Di chính thức trở thành sinh viên khoa y Trường Đại học Tổng hợp Paris. Nhân đây cũng cần nói thêm rằng trong khoảng thời gian trên, có đến một nửa gia đình nhà Hồ Đắc tới Thủ đô Pháp học hành. Ngoài Hồ Đắc Di học trường y còn có Hồ Đắc Điềm học luật, Hồ Đắc Ân học dược, Hồ Đắc Liên học ngành mỏ, Hồ Đắc Thứ học thương mại.

(còn nữa)

Theo TT&CS
back to top