Hiểu về cơn bão để phòng tránh an toàn

(khoahocdoisong.vn) - Trong thực tế khi nghe thông tin về một cơn bão, nhiều người cho rằng bão chỉ là một điểm và chỉ chú ý đến vị trí của cơn bão. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã cảnh báo điều này.

Ông Trần Quang Năng, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong thực tế, khi nghe thông tin về một cơn bão, nhiều người cho rằng bão chỉ là một điểm và chỉ chú ý tới vị trí tâm bão và đường đi của tâm bão mà quên mất rằng gió mạnh và mưa lớn thường bao phủ một vùng rộng lớn xung quanh tâm bão. Đây là một quan niệm rất sai lầm, bởi vì nhiều cơn bão khi tâm còn nằm ngoài biển nhưng vùng gió mạnh và mưa lớn do bão gây ra đã vào sâu trong đất liền. Gió bão mạnh (trên cấp 10) có thể trải rộng trong một vùng có bán kính khoảng 50 km xung quanh tâm bão đối với một cơn bão nhỏ, và có thể tới hơn 150km đối với một cơn bão lớn.

Khu vực có gió mạnh trên cấp 7 còn trải rộng hơn nữa, có thể cách tâm bão tới 500km trong một cơn bão lớn. Chính vì vậy, ngoài thông tin về vị trí tâm bão và cường độ bão, cần phải theo dõi thông tin về phạm vi bán kính gió mạnh trong các bản tin dự báo bão.

Khi bão còn đang trong giai đoạn trưởng thành, ở trên biển thoáng và đứng yên hay ít di chuyển, tức là ảnh hưởng của môi trường xung quanh đối với cơn bão là cân bằng nên vùng gió mạnh xung quanh tâm bão có thể xem là tương đối tròn. Khi cơn bão di chuyển, chứng tỏ môi trường xung quanh đã có tác động không cân bằng tới nó, hoặc khi cơn bão bị ảnh hưởng của địa hình hay đang suy yếu, đặc biệt khi có sự kết hợp với một hệ thống thời tiết khác (ví dụ như không khí lạnh…) thì nói chung vùng gió mạnh xung quanh tâm bão sẽ không còn tròn nữa và trở nên phức tạp.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, gió bão (từ cấp 8 trở lên) có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Vì thế, cần thiết phải thực hiện sơ tán hoặc trú ẩn trước khi có gió bão xảy ra. Cần nhớ rằng, gió mạnh có thể bắt đầu từ khi tâm bão còn cách xa hàng trăm kilômét. Đặc biệt gió mạnh trong bão còn kèm theo gió giật (thực tế trong nhiều cơn bão thì gió giật lớn hơn gió mạnh trung bình trong bão khoảng 2 - 3 cấp) rất nguy hiểm và có sức tàn phá lớn.

Hiện tại, chưa có phương pháp nào để xác định xem cơn bão có tạo nên tố, lốc hay không, hoặc chúng sẽ xảy ra ở đâu. Vì thế, cách duy nhất có thể làm là sẵn sàng phòng chống. 

Theo Đời sống
back to top