Hiểu đúng về sự sống ngoài hành tinh

(khoahocdoisong.vn) - Có phải cứ tìm thấy nước là khẳng định tìm thấy sự sống ngoài hành tình? Phát hiện mới đây của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) về một đại dương ngầm ở Sao Thổ có thể hy vọng về một nơi có sự sống?

Có sự sống quay quanh Sao Thổ?

Một nhóm nghiên cứu Mỹ cuối cùng đã giải mã được bí ẩn "vằn hổ" xanh trên mặt trăng băng giá Enceladus, thiên thể được cho là có sự sống đang quay quanh Sao Thổ. Theo nhà thiên văn Max Rudolph từ Đại học California, thành viên nhóm nghiên cứu, họ đã tạo nên một mô hình máy tính từ các dữ liệu mà NASA thu thập được trong những năm qua để tìm hiểu về các lực vật lý tác động tới mặt trăng này. Họ tập trung vào một đặc điểm khá lạ: Không phải toàn bộ mặt trăng đều có "vằn hổ", mà nó chủ yếu nằm ở cực Nam của thiên thể. Trong quá khứ xa xưa, đơn giản là băng giá khu vực này tình cờ bị nứt ra. Sau đó, lực hấp dẫn mạnh mẽ từ Sao Thổ tạo ra thủy triều dữ dội đến nỗi nước liên tục được phun ra và kéo xuống qua các khe nứt, khiến các "vết thương" này không bao giờ lành lại nổi. Phát hiện này đưa đến một ý nghĩa lớn hơn: Nếu đó là những khe nứt sâu liên tục có nước thông thương, thì đó chính là đường vào đại dương ngầm bên dưới bề mặt băng giá của Enceladus.

Năm 2017, NASA cũng đã công bố tìm thấy 7 hành tinh thuộc hệ hành tinh TRAPPIST-1, trong đó có đến 3 hành tinh nằm trong vùng có khả năng rất cao để tồn tại và phát triển sự sống. Quá trình theo dõi cho thấy, sự quá cảnh của TRAPPIST-1 thật sự được tạo nên từ nhiều hành tinh khác nữa. Điều này tiết lộ rằng, sẽ còn nhiều hành tinh khác trong hệ hành tinh này.

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam cho biết, để xác định được một ngoại hành tinh có thực sự tồn tại sự sống hay không, trước tiên phải xác định thành phần oxy và methane có trong bầu khí quyển. Nếu chỉ phát hiện ra hoặc oxy hoặc methane trong bầu khí quyển của ngoại hành tinh, sẽ không là bằng chứng thuyết phục về sự sống ngoại hành tinh, vì cả hai loại khí này đều được tạo ra từ những phản ứng phi sinh học. Chỉ có thể hy vọng có sự sống ở các hành tinh này khi phát hiện cả hai loại khí cùng lúc. Việc này chỉ có thể thực hiện được với những thế hệ kính viễn vọng tiên tiến mà hiện nay thế giới cũng chưa thể làm được.

Chỉ có cơ sở trên lý thuyết

Vùng sống được (habitable zone) là một giới hạn khoảng cách quanh các ngôi sao vừa đủ, không quá gần và không quá xa để nếu một hành tinh nằm trong khoảng đó thì nhiệt độ nó nhận được từ sao mẹ đủ để nước có thể tồn tại ở dạng lỏng. Trái Đất nằm trong vùng sống được của Mặt Trời nên mới có đại dương và sự sống. Nếu nó quá gần thì nước sẽ bay hơi hết vì sức nóng, nếu quá xa thì nước sẽ đóng băng vì không đủ nhiệt.

Theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, các hành tinh này còn giống Trái Đất ở chỗ chúng đều là hành tinh đá, khác với các hành tinh khí khổng lồ của hệ Mặt Trời. Chỉ những hành tinh có bề mặt đá rắn mới có cơ hội cho sự sống phát triển. Trước đây, các nhà khoa học chỉ biết 4 hành tinh bề mặt đất đá trong hệ Mặt Trời là Sao Thủy, Sao Kim, Trái Đất, Sao Hỏa. Để biết liệu những hành tinh này có thể có sự sống hay không thì các nhà khoa học sẽ còn cần thực hiện thêm nhiều phép đo nữa để xác định khối lượng, kích thước, quỹ đạo...

Dù vậy, việc xác định chính xác cấu tạo và các đặc điểm bề mặt của chúng là rất khó, nếu không muốn nói là không tưởng dù là kính viễn vọng hiện đại nhất. Ngoài ra, các hành tinh này có thể bị khóa thủy triều vào sao mẹ, có nghĩa là chúng nằm đủ gần để chịu tác động hấp dẫn của sao mẹ, đủ để chúng có chu kỳ quay trùng với chu kỳ chuyển động quanh sao mẹ, khiến cho một mặt của hành tinh luôn hướng về sao mẹ nên một nửa luôn được chiếu sáng và một nửa không bao giờ nhận được ánh sáng. Bản thân yếu tố này cũng khiến cho việc tồn tại sự sống trên những hành tinh này thêm khó khăn.

Theo Đời sống
back to top