Hiểu đúng về khế hàng trăm nghìn/quả

Gần đây thị trường “sốt xình xịch” với quả khế Đài Loan (Trung Quốc) có giá hàng trăm ngàn đồng/quả. Theo các chuyên gia, giống khế này hiện được trồng phổ biến ở trong nước, giá thành rẻ hơn nhiều.

150.000đ/quả khế

Trong khi khế ngọt trong nước thường được bán ở chợ với giá khoảng từ 20.000 – 30.000đ/kg, mỗi cân được tầm 6 – 10 quả tùy trọng lượng thì loại khế Đài Loan (Trung Quốc) được bán ở một số cửa hàng hoa quả nhập khẩu có giá lên tới 300.000 – 350.000đ/kg, mỗi cân được khoảng 2 – 3 quả. Như vậy, mỗi quả khế có giá trên 100.000đ.

Chị Yên Phương, chủ một cửa hàng hoa quả sạch tại Trung Hoà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, để có thể thưởng thức được loại khế thơm ngon này, các khách thường phải đặt trước từ 3 – 5 ngày vì hàng về đến đâu thì chỉ kịp trả cho khách đặt trước, hầu như không bao giờ có sẵn khế ở cửa hàng.

Hiểu đúng về khế hàng trăm nghìn/quả ảnh 1

Trao đổi với KH&ĐS, ThS Nguyễn Mạnh Khải, Khoa Công nghệ Sau thu hoạch, Học viện Nông nghiệp cho biết, giống khế Đài Loan (Trung Quốc) hiện có trồng ở trong nước, được du nhập cách đây khoảng 7 – 8 năm. Cây sinh trưởng và phát triển rất tốt, sau khi trồng cây ghép khoảng 18 tháng là cho quả.

Quả khế này to, múi dày, ăn rất giòn, ngon và ngọt. Cây cho năng suất cao và ổn định, khả năng kháng sâu bệnh tốt. Dù rất ngon nhưng chất lượng có thể vẫn không sánh được với quả được trồng tại bản địa vì lý do đất đai, khí hậu, quy trình chăm sóc, thu hái…

“Về thành phần của khế trồng trong nước và khế được nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc) thì có thể không khác nhau, nên khó để nói loại khế nào bổ dưỡng hơn. Khế nhập khẩu đắt là do tiền vận chuyển, tiền thuế nhập khẩu, bảo quản kho bãi… chứ không phải đắt vì chất lượng cao hơn hẳn, ngon hơn hẳn.

Giống khế này trồng trong nước cũng rất ngon, nhiều nơi khí hậu tốt, cây cũng cho những trái rất lớn. Do đó, bỏ ra số tiền cao hơn hàng chục lần để thưởng thức một quả khế chắc chỉ có thể là lựa chọn của những người có nhiều tiền, tò mò.

Cũng giống như nhiều loại trái cây nhập khẩu khác, không nên kỳ vọng nó có khả năng gì thần kỳ, hay hàm lượng dinh dưỡng vượt trội”, ThS Nguyễn Mạnh Khải cho biết thêm.

“Các loại hoa quả nhập khẩu nói chung về chất lượng thì không bàn, nhưng khả năng có thuốc bảo quản là cực cao. Ví dụ như loại quả nhỏ, vỏ rất mỏng. Nếu không có thuốc bảo quản thì không thể giữ được mẫu mã đẹp lâu thế để đến tay người tiêu dùng. Thay vì bỏ ra số tiền lớn mua hoa quả nhập khẩu thì hãy tiêu thụ hàng trong nước trước, vừa sạch vừa an toàn”.

Ông Đỗ Xuân Khương

Trái cây nhập khẩu dễ có thuốc bảo quản

Ông Đỗ Xuân Khương, Chủ trang trại sản xuất cây giống Xuân Khương, Trung tâm Phát triển giống cây trồng mới, Học viện Nông nghiệp cho hay, hiện cây khế Đài Loan đã được nhiều gia đình trồng, cho chất lượng khá tốt. Có những quả nặng đến 600 – 700g, trung bình thì khoảng 3 quả/kg.

Một số gia đình do khế ra quá sai quả nên cũng đem ra thị trường bán, nhưng đa phần là nhỏ lẻ. Còn nhiều gia đình để khế rụng đầy gốc không ăn đến. Khế là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc và cho sai quả nên không phải sử dụng bất cứ loại thuốc trừ sâu nào, quả khế cũng bóng đẹp, căng mọng, nhiều nước và rất ngọt.

“Quả khế rất nhiều chất và đặc biệt là sạch tuyệt đối. Không ai trồng khế mà lại phải phun thuốc cả. Nhưng đáng tiếc là không nhiều người nhận biết được điều này nên xem thường quả khế trồng trong nước. Ở vườn chỗ tôi, khế cũng rụng đầy gốc không có ai ăn.

Trong khi đó người tiêu dùng lại cứ có tâm lý sính ngoại. Cứ hàng nhập khẩu là ngon, là đáng tin, là chất lượng cao. Đó là cách hiểu rất sai lầm, dẫn đến vừa tốn tiền mua lại vừa ăn những thứ không có lợi cho sức khoẻ”, ông Đỗ Xuân Khương nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đỗ Xuân Khương thì loại khế nhập khẩu có thể được trồng ở Đài Loan (Trung Quốc), chất lượng cũng có thể tốt. Nhưng ai dám khẳng định là người thu mua, vận chuyển không cho thuốc bảo quản để lưu giữ được lâu, duy trì vẻ căng mọng nước của quả?

Có hay không tình trạng “đánh tráo” khế trồng trong nước bảo là khế nhập khẩu? Bởi hiện nay giống khế Đài Loan trồng trong nước cũng khá nhiều, trọng lượng quả cũng khá lớn. Người tiêu dùng hãy thông thái để lựa chọn được loại quả an toàn cho sức khoẻ, vừa túi tiền.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top