Hiểu đúng về hiện trạng rừng Việt Nam

(khoahocdoisong.vn) - Việt Nam được đánh giá là nước đầu tiên và duy nhất ở Đông Nam Á thành công khi nỗ lực chuyển từ tình trạng có tỷ lệ mất rừng cao sang trồng và tái sinh rừng trên diện rộng. Nhưng con số này không phải bức tranh đẹp.

Độ che phủ tăng, nhưng rừng mất dần

Thực tế độ che phủ cây (không phải là rừng) không thể che đậy được tình trạng biến mất rừng tự nhiên và cũng không thể bù đắp lại được các chức năng phòng hộ sinh thái, hạn chế thiên tai mà rừng tự nhiên có thể đem lại. Những trận bão liên tiếp và lũ lụt nghiêm trọng ở miền Trung thời gian qua không chỉ gây những thiệt hại lớn về người và của mà còn phát lộ những mảng “vỡ” lớn trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Điều này đòi hỏi Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam phải có thay đổi nhanh chóng, toàn diện trong thời gian tới.

Các nghiên cứu mới được công bố vào năm 2017 và 2020 đã chỉ ra rằng quá trình chuyển dịch rừng tại Việt Nam trong những năm qua là một bức tranh không hề đẹp đẽ. Thậm chí, những nỗ lực bảo vệ, phục hồi và nâng cao độ che phủ những năm 1990 - 2005 (giai đoạn chuyển dịch) đã tạo cơ hội biến rừng, đất rừng trở thành màu mỡ kinh tế, là tiền đề cho những “giao dịch” ở các giai đoạn sau này.

Hiện tại, đặc biệt kể từ năm 2005 đến nay, độ che phủ rừng ở Việt Nam nhìn ở vỏ ngoài thì vẫn tăng thuần hàng năm và được báo cáo là kết quả thành công của chính sách và chương trình đầu tư, phát triển rừng, nhưng thực tế chất lượng rừng lại không được như mong đợi.

Trên thực tế, khi mục tiêu “tăng tỷ lệ che phủ rừng” trở thành nhiệm vụ chính trị thì việc buộc phải “lấy số lượng bù chất lượng”, để báo cáo đang trở thành xu hướng ở rất nhiều địa phương. So sánh thay đổi diện tích của rừng tự nhiên và rừng trồng toàn quốc thời gian qua có thể thấy rằng, sự gia tăng độ che phủ rừng phụ thuộc chủ yếu vào các diện tích rừng trồng mới. Các loại cây ngoại lai, phát triển nhanh như keo, bạch đàn trong quá khứ hay thậm chí cả các loại cây đa mục đích như cao su trồng trên đất rừng cũng được lựa chọn để đáp ứng mục tiêu “nâng cao độ che phủ rừng” này. Diện tích rừng trồng do đó tăng khá nhanh, từ 2.3 triệu hécta năm 2005 lên 4.1 triệu hécta vào năm 2016 và 4.3 triệu hécta vào năm 2019 (theo số liệu của Bộ NN&PTNT).

Định nghĩa về rừng rất “dễ dãi”

Định nghĩa về rừng của Việt Nam hiện nay vẫn còn rất “dễ dãi” khi quy định cả tre nứa, cây họ cau, hay các loại cây trồng độc canh, đơn vụ có “… diện tích liền vùng từ 0.3ha trở lên, có độ tàn che 0.1%” đã được coi là “rừng”. Điều này khiến cho độ che phủ rừng được… “ăn gian” rất nhiều. Thực tế, những diện tích này khó có thể gọi là rừng, mà là các đồn điền độc canh.

Nhiều nghiên cứu cũng quan ngại rằng, diện tích cây trồng thuần loài, đơn vụ về cơ bản rất kém trong việc giữ và thấm sâu của nước, ổn định đất, điều hoà dòng chảy giữa các mùa trong năm. Điều này trở nên đặc biệt nguy hiểm khi rừng trồng đã và đang phát triển rất mạnh ở miền Trung, nơi có địa hình dốc, chia cắt và lượng mưa trung bình hàng năm lớn. Không thể phủ nhận lợi ích to lớn về kinh tế và nâng cao đời sống của người dân vùng rừng nhưng việc phát triển quá nhanh, thậm chí là ngoài quy hoạch của các đồn điền cây độc canh kể trên, đang dần “cắn” vào các diện tích rừng tự nhiên liền kề, đã khiến chức năng ngăn ngừa lũ lụt ở các khu vực này giảm đi đáng kể.

Như vậy, suy thoái rừng, thiên tai, bão lũ thời gian vừa qua càng chứng minh rằng, những hệ lụy do mất rừng, phát triển rừng kém chất lượng là không thể nào tránh khỏi. Bộ NN&PTNT đang chủ trì xây dựng Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cần khẳng định rằng rừng Việt Nam đã qua giai đoạn cần “tăng độ che phủ rừng”, mà cần đi sâu vào chất lượng. Xác định một độ che phủ phù hợp, đúng cơ sở khoa học để đảm bảo an ninh môi trường nhưng cũng tương quan ổn định với các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khác là yêu cầu cấp bách.

Rừng không chỉ là cây mà là cả một hệ sinh thái toàn vẹn và kết nối. Giá trị của rừng không chỉ là gỗ mà còn là đa dạng sinh học và các giá trị dịch vụ hệ sinh thái rừng. Trong giai đoạn mới, rừng sẽ vừa là tài nguyên, vừa là tư liệu sản xuất nhưng cũng là áo giáp đảm bảo an ninh môi trường. Đặc biệt, riêng với các diện tích rừng tự nhiên trong hệ thống rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, cần được ưu tiên đầu tư cao nhất để giữ vững được diện tích và hướng tới phục hồi lại tính toàn vẹn, chất lượng của hệ thống rừng. 

Nguyễn Thị Hải Vân (Phó Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên - PanNature)

Theo Đời sống
back to top