Hiểu đúng về bột nghệ

(khoahocdoisong.vn) - Uống bột nghệ sai cách không những không có tác dụng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác như tắc ruột.

Tắc ruột vì bột nghệ

Ngày 10/4, Phòng khám đa khoa Phú Thọ tiếp nhận bà H.T.L. (76 tuổi, ở Lục Yên, tỉnh Yên Bái) đến khám do bị đau âm ỉ ở vùng thượng vị. Các bác sĩ đã nội soi dạ dày và phát hiện một khối bã thức ăn màu vàng kích thước 3x4cm rất rắn. Bên cạnh đó, ở vị trí bờ cong nhỏ còn có một ổ loét kích thước khoảng 1cm, niêm mạc dạ dày vùng hang vị phù nề, nhiều chấm xung huyết. Bà L. cho biết trước đó nghe nói bột nghệ có tác dụng tốt, bà thường xuyên dùng bột nghệ để nấu canh ăn hằng ngày.

Theo BS chuyên khoa I Vũ Hồng Thái - Giám đốc Phòng khám đa khoa Phú Thọ, bột nghệ khi vào dạ dày quyện cùng chất xơ có trong thức ăn đã tạo nên một khối bã kết dính gây đau bụng và tổn thương. Bác sĩ khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ và sử dụng bột nghệ đúng cách để không gây phản tác dụng, dẫn đến các hậu quả đáng tiếc.

PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, người có nhiều năm nghiên cứu về hoạt chất curcumin từ nghệ cho biết, củ nghệ có thành phần chính là tinh bột, chất xơ. Trong đó, hoạt chất quan trọng nhất là curcumin chứ không phải là tinh bột hay chất xơ. Nhiều người sai lầm cho rằng cứ nghiền củ nghệ, lắng đọng lấy bột uống thì sẽ tốt, vì kiểu gì trong đó cũng có những chất bổ dưỡng cần thiết. Cá biệt có những trường hợp lấy củ nghệ nghiền thành bột rồi dùng như thực phẩm, dẫn đến trường hợp tắc ruột như nêu trên. Bởi trong củ nghệ, thành phần chất xơ khá nhiều, giống như củ sắn dây. Để tạo ra bột, người ta phải nghiền, ngâm, lọc nhiều lần mới cho ra được thành phần tinh bột.

Ngay cả khi đã chế biến thành tinh bột rồi thì cũng chưa hẳn là tốt. Bởi hoạt chất quan trọng nhất trong củ nghệ chính là curcumin. Khi chế biến nghệ, để giữ lại hoạt chất này, cần đến dây chuyền máy móc, thiết bị chuyên dụng. Việc chế biến thủ công sẽ làm mất cơ bản hoạt chất curcumin. Sản phẩm cuối cùng là tinh bột nghệ, sẽ chỉ còn lại rất ít curcumin, còn lại đa số là tinh bột. Trường hợp nghệ được nghiền thô ra để sử dụng, thì hoạt chất curcumin vẫn còn, nhưng có rất nhiều xơ, dễ làm tắc ruột.

Sử dụng tinh bột nghệ đúng cách

PGS.TS Phạm Gia Điền cho biết, hiện người tiêu dùng còn chưa hiểu rõ các khái niệm như tinh bột nghệ, tinh nghệ hay bột củ nghệ. Nghệ sau thu hoạch có thể làm ra 3 sản phẩm khác nhau. Bột củ nghệ được chế biến bằng cách rửa sạch, thái lát, loại bớt nhựa qua đun nóng các lát nghệ, sau đo sấy khô và nghiền mịn, đem cất tinh dầu, loại tinh dầu khỏi bột. Khi đó, thành phẩm là bột củ nghệ. Tinh bột nghệ được sản xuất bằng cách thái lát, nghiền nghệ tươi, lọc bỏ xơ đi rồi ngâm nước, lắng dần để lấy bột rồi phơi khô, giống hệt quy trình làm bột sắn dây. Sản phẩm nữa là tinh nghệ, là dùng công nghệ chiết hoạt chất curcumin trong củ nghệ ra.

Cách dễ làm nhất, và cũng phổ biến nhất hiện nay là làm tinh bột nghệ theo đúng quy trình giống như làm bột sắn dây. Tuy nhiên, chất lượng tinh bột nghệ không cao, ít hoạt chất. Ngoài ra, tinh bột nghệ sản xuất thủ công chưa tách được tinh dầu và các thành phần cặn bã sẽ gây nóng và có hại cho gan và cơ thể khi sử dụng.

“Tốt nhất là sử dụng sản phẩm tinh bột nghệ của các đơn vị khoa học, được làm ra từ những dây chuyền hiện đại, tiên tiến, giàu curcumin…”, PGS.TS Phạm Gia Điền

Theo Đời sống
back to top