Hiểu đúng thịt bò đông lạnh nhập khẩu từ Úc, Mỹ

Thông tin trên mạng cho rằng thịt bò đông lạnh nhập khẩu từ Úc, Mỹ là hàng hết hạn sử dụng, thậm chí là hàng phải tiêu hủy được nhập về là không đúng.

Giá rẻ do thị hiếu

Thịt bò Úc, Mỹ đông lạnh nhập khẩu đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt tại nhiều đô thị lớn. Từ các nhà hàng sang trọng tới các quán ăn bình dân đều có các món thịt bò Mỹ, Úc đông lạnh chế biến theo nhiều kiểu như ăn lẩu, nướng…

Nhiều thông tin cho rằng, thịt ba chỉ bò Mỹ, Úc đông lạnh nhập khẩu giá rẻ vì hàng cận “date”. Tương tự, giá thịt ba chỉ bò Mỹ, Úc đông lạnh được bán tại nhiều siêu thị cũng chỉ ở mức 170.000 – 240.000đ/kg, tùy từng siêu thị. Đặc biệt, tại các cửa hàng bán lẻ ở ngoài chỉ ở mức 150.000đ/kg. Điều này đã không khỏi khiến người tiêu dùng hoang mang. Trong khi đó, giá thịt bò Việt Nam đang bán tại các siêu thị và các chợ dân sinh ở mức khá cao, thịt bò loại bình thường là 170.000đ/kg, loại ngon 260.000đ/kg…

Trao đổi về việc này, TS Phạm Kim Đăng, Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, không có chuyện đây là thịt bò kém chất lượng, thậm chí là hàng đi tiêu hủy như nhiều thông tin trên mạng đồn thổi. Các sản phẩm hết hạn, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ không được xuất khẩu khỏi các nước như Úc, Mỹ, chưa nói gì đến các quy định về nhập khẩu thực phẩm trong nước.

Lý giải giá thịt bò nhập khẩu rẻ, TS Phạm Kim Đăng cho biết, do giá chăn nuôi ở các nước như Úc, Mỹ khá thấp bởi năng suất cao. Thứ nữa là do thị hiếu tiêu dùng. Họ chỉ sử dụng những phần thịt mềm, nạc, các phần còn lại họ bán rất rẻ.

Ví dụ như gà, chỉ phần thịt ức là được ưa chuộng, các phần như chân, cánh, đùi do họ không sử dụng nên bán giá rất rẻ. Thịt bò cũng vậy. Do đó thịt bò nhập khẩu vào Việt Nam có giá rất thấp. Đây cũng là nguy cơ khiến sản phẩm thịt trong nước khó cạnh tranh do giá thành cao hơn nhiều.

“Ngoài những phần thịt ít được sử dụng như ba chỉ, gân, da thì loại bò quá tuổi theo tiêu chuẩn giết thịt là 17 – 18 tháng cũng được bán với giá rất rẻ”, TS Phạm Kim Đăng cho biết.

TS Phạm Kim Đăng cho biết, tất cả các lô hàng thịt nhập khẩu vào Việt Nam khi đến cửa khẩu, cảng biển đều phải lưu giữ lại để lấy mẫu kiểm tra 100% chứ không phải chỉ hậu kiểm, lấy mẫu xác suất.

Thịt đông lạnh ngon hơn thịt tươi?

Vì sao tất cả các sản phẩm thịt nhập khẩu đều là thịt đông lạnh? Phải chăng vì là hàng cũ nên phải đông lạnh, hay do vận chuyển xa, buộc phải bảo quản lạnh? Lý giải điều này, TS Phạm Kim Đăng cho biết, sản phẩm thịt sau giết mổ, phản ứng sinh hóa vẫn tiếp tục diễn ra, quá trình phân giải protein và các chất khác vẫn không kết thúc.

Do đó, tất cả các sản phẩm thịt bán ra thị trường, dù là thị trường trong nước, ở các nước như Úc, Mỹ, Anh, Pháp… đều phải được làm đông lạnh. Thị hiếu tiêu dùng của người dân các nước này cũng là quen dùng các sản phẩm thịt đông lạnh. Thói quen này khác hẳn với người Việt Nam mà theo ngôn ngữ của người phương Tây là “ăn sống nuốt tươi”, phải thịt vừa giết mổ xong, nấu ăn ngay mới ngon.

“Thực ra quan niệm về ngon tùy thuộc vào khẩu vị  của mỗi người. Thịt động vật vừa giết thịt xong khi chế biến ngay thì có vị ngọt hơn thịt đông lạnh. Tuy nhiên, nếu chế biến các món như hầm, cho nhiều gia vị vào thì lại không thể hiện được đặc điểm này. Mà chế biến các món hầm là đặc điểm ẩm thực của các nước phương Tây.

Theo quan điểm của họ thì thịt sau khi giết mổ xong phải được bảo quản lạnh để thịt dừng hết các phản ứng sinh hóa. Điều này khiến cho thịt mềm hơn, ổn định chất lượng hơn. Còn người Việt Nam thích ăn thịt dai, tươi hơn”, TS Phạm Kim Đăng cho biết.

Việc các phản ứng sinh hóa của thịt sau giết mổ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người, cũng không có hại gì, nhưng việc bảo quản lạnh như vậy khiến các cơ quan chức năng có điều kiểm kiểm soát tốt hơn về vấn đề an toàn thực phẩm. Tránh tình trạng phát hiện ra thịt kém chất lượng thì người dân đã tiêu thụ hết rồi.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top