Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: Tách cao đẳng ra khỏi giáo dục đại học là trái với thông lệ quốc tế

(khoahocdoisong.vn) - Theo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, đào tạo cao đẳng đã bị tách ra khỏi bậc giáo dục đại học để quy về một bậc học không có trong thực tế, trái ngược với thông lệ quốc tế.

Vị trí của đào tạo cao đẳng trong hệ thống giáo dục theo thông lệ quốc tế

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vừa có văn bản gửi Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Chính phủ về việc chuyển vai trò quản lý nhà nước hệ đào tạo cao đẳng từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Bộ GD&ĐT.

Trong công văn, Hiệp hội nêu: Vài thập niên gần đây, Việt Nam đã thống nhất một đầu mối quản lý toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân. Quản lý nhà nước về giáo dục nhà trẻ và mẫu giáo, phổ thông, trung học chuyên nghiệp và đại học được tập trung vào một đầu mối là Bộ GD&ĐT, đặt nền móng cho việc xây dựng tổ chức bộ máy quản lý giáo dục tinh gọn, không chồng chéo, hiệu quả.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2017 công tác quản lý nhà nước đối với hệ cao đẳng không còn do Bộ GD&ĐT đảm nhiệm, tạo “điểm nghẽn” cản trở phân luồng học sinh sau THCS và phát triển nguồn nhân lực.

Theo thông lệ chung hiện nay để đáp ứng hội nhập quốc tế các nước cần tuân theo “Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế” do UNESCO ban hành. Theo phiên bản mới nhất là ISCED-2011, các chương trình giáo dục và đào tạo được chia thành 9 cấp độ:

Cấp độ 0 cho giáo dục mầm non.

Cấp độ 1 cho tiểu học.

Cấp độ 2 cho trung học bậc thấp, tách ra theo hai luồng là THCS dành cho giáo dục phổ thông và một luồng theo hướng dạy nghề được gọi là sơ học nghề.

Cấp độ 3 cho trung học bậc cao (bên giáo dục phổ thông là THPT, còn nhánh theo hướng nghề là trung học nghề).

Cấp độ 4 cho giáo dục sau trung học, nhưng chưa phải đại học.

Cấp độ 5 cho cao đẳng.

Cấp độ 6 cho trình độ cử nhân và tương đương.

Cấp độ 7 cho thạc sĩ.

Cấp độ 8 cho tiến sĩ.

Như vậy, không có khái niệm “Bậc Giáo dục nghề nghiệp” như ở Việt Nam.

Căn cứ bảng trên có thể thấy các chương trình thuộc hệ cao đẳng – cấp độ đầu tiên của giáo dục đại học- đều thuộc cấp độ 5 theo ISCED-2011 và thường được thiết kế nhằm cung cấp cho nguời học các kiến thức, kỹ năng và năng lực chuyên nghiệp.

Một số lệch lạc trong quản lý đào tạo hệ cao đẳng

Theo Hiệp hội, về bản chất trình độ cao đẳng trong Luật Giáo dục nghề nghiệp thường là giáo dục sau trung học nhưng chưa phải là giáo dục đại học, nó chỉ tương đương cấp độ 4 hoặc cấp độ thấp hơn của ISCED-2011.

Trong khi đó các chương trình cao đẳng “đích thực” phải được thiết kế nhất quán theo hướng nâng cao học vấn để bảo đảm tương đương cấp độ 5 của ISCED-2011 - cấp độ đầu tiên thuộc giáo dục đại học, như chỉ đạo của Bộ GD&ĐT trước đấy.

Từ đó, có thể thấy rõ kể từ khi các chương trình cao đẳng nghề được ra đời theo Luật Dạy nghề và được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo thiết kế, đặc biệt, các trường cao đẳng (chuyên nghiệp) và cao đẳng nghề đều phải chuyển sang mô hình “cao đẳng mới hợp nhất” (khác với thông lệ quốc tế) theo Luật Giáo dục nghề nghiệp thì công tác đào tạo cao đẳng của Việt Nam đã và đang phạm phải ít nhất hai sai lầm rất nghiêm trọng.

Một là, khi trình độ người lao động đa số chỉ cần đạt trung học nghề là đủ (do công nghiệp chế tạo còn chưa giữ vai trò chủ chốt trong nền kinh tế của đất nước) nhưng nếu cơ quan quản lý lại nâng cấp ồ ạt các trường trung cấp nghề lên thành cao đẳng trong khi chương trình vẫn không thay đổi đáng kể theo chuẩn thì sẽ dẫn tới tình trạng đào tạo “siêu tốc”, thí dụ như hình thức đào tạo đang được quảng bá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông “tốt nghiệp trung học cơ sở, học 3 năm có bằng cao đẳng, nhận danh hiệu kỹ sư thực hành”.

Đây là hiện tượng chạy đua theo hư danh để rồi tạo ra nguồn lực không tương xứng với trình độ đào tạo, không phù hợp với thông lệ chung của thế giới và hậu quả là nguồn nhân lực của ta sẽ không được thế giới công nhận.

Do đó, cần phải làm rõ, khi nâng trình độ học vấn của chương trình đào tạo thì cần song song thực hiện nâng đẳng cấp của trường, cấp độ đào tạo lên để bằng tốt nghiệp phù hợp với trình độ đào tạo. Còn nếu chỉ cố gắng chạy theo “phong trào” chạy đua lên cao đẳng để “câu kéo” người học nhưng không đảm bảo thời gian học và nội dung học cần thiết thì đương nhiên sẽ đào tạo ra loại nhân lực rởm, gây tổn hại cho uy tín và chất lượng của nguồn nhân lực do chúng ta đào tạo ra.

Hai là, thời gian qua có sự nhầm lẫn nghiêm trọng giữa Cao đẳng nghề với Cao đẳng chuyên nghiệp về mục tiêu đào tạo.

Cao đẳng nghề đào tạo nguồn lao động trực tiếp sản xuất nên chương trình có thể có tỷ lệ thời gian học lý thuyết – thực hành khoảng 30:70 là phù hợp , nhưng cao đẳng chuyên nghiệp đào tạo ra các kỹ thuật viên thì đòi hỏi phải có tỷ lệ tương xứng giữa thời gian học lý thuyết và thực hành của người học chứ không phải giống như cao đẳng nghề.

Theo thông lệ chung (cả Việt Nam và thế giới) thì Giáo dục nghề đào tạo nhân lực trực tiếp tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, tức là đào tạo thợ và nhân viên, trong khi Giáo dục chuyên nghiệp đào tạo chuyên gia các loại (kỹ thuật viên, cán sự, giáo viên, kỹ sư, chuyên viên, bác sĩ, luật sư...).

Việc nhầm lẫn mục tiêu đào tạo dẫn tới quy định hợp nhất giữa Giáo dục nghề với Giáo dục chuyên nghiệp để thành cái gọi là “Giáo dục nghề nghiệp” theo kiểu “đào tạo nghề” dẫn tới thủ tiêu nguồn nhân lực “kỹ thuật viên”, làm méo mó cơ cấu nguồn nhân lực cần cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguyên nhân của một số sai lầm nghiêm trọng đó là: Đào tạo cao đẳng đã bị tách ra khỏi bậc giáo dục đại học để quy về một bậc học không có trong thực tế, trái ngược với thông lệ quốc tế.

Từ những phân tích bất cập, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã đưa ra một số kiến nghị:

Thứ nhất, kiến nghị Quốc hội sớm điều chỉnh các Luật về giáo dục (Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp) theo các định hướng:

Đưa trình độ cao đẳng về trở lại bậc giáo dục đại học; Đổi tên Luật Giáo dục nghề nghiệp thành Luật Giáo dục nghề với các trình độ: sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao cấp nghề; Khuyến khích phát triển trung học nghề, chấp nhận sự tương đương giữa 2 bằng THPT và trung học nghề như ở ISCED-11 để trên cơ sở đó thực hiện sự phân luồng triệt để học sinh sau THCS.

Thứ hai, đưa quản lý nhà nước về đào tạo cao đẳng về chung một đầu mối với các cấp độ khác thuộc giáo dục đại học, tức là về lại Bộ GD&ĐT.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top