Hết thời 'vẽ' dự án?

Từ chỉ lệnh cắt giảm số dự án (DA) đầu tư công chưa cần thiết của Thủ tướng, gần 1.500 dự án đầu tư công (giai đoạn 2021-2025) được cắt giảm. Nhiều chuyên gia đánh giá, tín hiệu tích cực bước đầu này báo hiệu sắp chấm dứt thời kỳ các bộ ngành, địa ph

Hậu kiểm và “tuýt còi”

Cuối tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với các bộ, ngành về việc cập nhật, bổ sung đánh giá báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Theo đánh giá, nhiều năm qua, chuyện dự án đầu tư công dàn trải, kéo dài chưa được chấm dứt. Tuy nhiên, với sự quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng thông qua Chỉ thị 13) và sự vào cuộc của bộ ngành; giai đoạn 2021 - 2025, số lượng dự án đầu tư công đã được cắt giảm tối đa, giảm một nửa so với 5 năm trước.

Ngay sau khi có Chỉ thị 13, Bộ KH&ĐT phối hợp với bộ, ngành, địa phương cắt giảm gần 1.500 dự án đầu tư công giai đoạn 2021- 2025. Theo đó, khi cắt giảm, cả nước còn 5.300 dự án đầu tư công (giai đoạn 2021 - 2025), bằng gần 1 nửa số dự án của giai đoạn 2016- 2021 và bằng khoảng số dự án của giai đoạn 2011-2015.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, cùng với sự thay đổi về thể chế, pháp luật, công tác chỉ đạo điều hành, đã khắc phục dần tình trạng đầu tư công, dàn trải, phân tán. Theo đó, từ năm 2011-2015, cả nước có 22.000 dự án, đến giai đoạn 2016-2021 còn khoảng 11.000 dự án và còn hơn 5.000 dự án ở giai đoạn 2021 - 2025.

“Chúng tôi đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, cắt giảm dự án không cần thiết. Hiện nay, bộ ngành và địa phương báo cáo trên hệ thống giám sát đầu tư công quốc gia nên việc phối hợp cắt giảm nhanh chóng. Bộ KH&ĐT dễ dàng hướng dẫn chi tiết đơn vị thao tác cắt giảm dự án, không bị vướng mắc. Cũng thông qua hệ thống này, Bộ KH&ĐT giám sát, theo dõi sự thay đổi của bộ ngành, địa phương, nắm bắt việc cắt giảm bao nhiêu dự án và đầu tư mới cho dự án nào”, ông Phương nói.

Theo ông Phương, hiện nay, việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công đã được phân cấp. Bộ KH&ĐT sẽ phân bổ kế hoạch vốn cho các bộ, ngành, địa phương theo một gói. Các đơn vị chủ động phân bổ số vốn này cho các dự án và phải chịu trách nhiệm. Bộ KH&ĐT là đơn vị giám sát, theo dõi và “tuýt còi” khi xảy ra sai phạm. Vì vậy, trong việc cắt giảm dự án đầu tư công, bộ ngành địa phương chủ động và Bộ KH&ĐT sẽ hỗ trợ, hướng dẫn khi gặp vướng mắc.

PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR- Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, thúc đẩy đầu tư công chỉ nên tập trung vào các dự án trọng điểm, những dự án đã có vốn sẵn, chứ không phải việc “vẽ” thêm các dự án mới.

“Chúng ta chỉ nên đẩy nhanh triển khai các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, đã được phê duyệt và bố trí sẵn vốn thực hiện. Thúc đẩy đầu tư công, không nên là việc tăng chi tiêu công một cách dàn trải, thiếu kiểm soát”, ông Thế Anh kiến nghị.

Phải bỏ cơ chế “chạy” dự án

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê, vốn đầu tư công là động lực rất quan trọng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều bất trắc. Giai đoạn 2016-2020, yếu tố vốn đóng góp 53,3% trong tăng trưởng kinh tế. Vai trò quan trọng nhất của (vốn) đầu tư công là vốn mồi cho nền kinh tế. Năm 2021, tăng 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước. Giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công kéo theo 1,42 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước. Giai đoạn 2021-2025, nếu Nhà nước giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước, GDP tăng thêm 0,058%.

Tuy nhiên, hiệu quả vốn đầu tư (hệ số ICOR) vẫn còn thấp. Giai đoạn 2016-2019, hệ số ICOR ở mức 6,1 cho thấy, vốn đầu tư thực hiện chưa thật sự hiệu quả, đầu tư còn dàn trải, manh mún, kéo dài. Thủ tướng nêu rõ, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào ngành, lĩnh vực then chốt, vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án quy mô lớn, kết nối liên vùng, các dự án quan trọng, cấp thiết của địa phương để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, bảo đảm tác động lan tỏa. Đây sẽ là động lực và cú hích đặc biệt quan trọng cho tăng trưởng kinh tế từng năm và cả giai đoạn tới đây.

“Dự kiến vốn đầu tư công tăng gấp rưỡi trong 5 năm tới sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Nước ta trải theo hướng bắc - nam với địa hình đa dạng nên 10 năm tới, vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông; đặc biệt Dự án cao tốc kết nối vùng như: dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam; đường ven biển kết nối nhiều tỉnh, thành phố; cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ; hệ thống đường vành đai của Hà Nội, TP.HCM... có ý nghĩa rất lớn. Đây là những tuyến huyết mạch để lưu chuyển hàng hóa, nếu được đầu tư hiện đại sẽ giảm đáng kể chi phí, thời gian vận chuyển và đi lại”, ông Lâm đánh giá.

Theo ông Lâm, để hàng triệu tỷ đồng vốn đầu tư công phát huy tối đa hiệu quả của bộ, ngành, địa phương cần kiên quyết loại bỏ tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí; xoá bỏ cơ chế chạy dự án. Cùng với đó, từng bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát kỹ, giảm mạnh số dự án chưa thực sự cấp bách, cần thiết. Đồng thời, tập trung vốn đầu tư, làm dự án nào dứt điểm dự án đó, sớm đưa dự án vào sử dụng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần thực hiện phân cấp hợp lý, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết và quy mô đầu tư của từng dự án. Dự án nên được gắn trách nhiệm với bộ trưởng, bí thư và chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát, xây dựng, đề xuất và triển khai thực hiện và đưa vào sử dụng.

“Để dự án sớm được đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả vốn đầu tư; các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt lưu ý tới năng lực thi công và khả năng tài chính của các nhà thầu thực hiện dự án đầu tư công. Nhà thầu phải chứng minh được năng lực kỹ thuật, có kỹ năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực dự án được giao thi công, có uy tín và nghiêm túc trong thực hiện dự án để không xảy ra trường hợp giống như Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đầu tư cả chục ngàn tỷ đồng nhưng đến nay, sau nhiều năm vẫn chưa thể đưa vào khai thác”, ông Lâm nói.

Trong tháng 5/2021, khi việc phê duyệt dự án đầu tư công trung hạn vào giai đoạn gấp rút, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, đầu tư công phải có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, bảo đảm tác động lan tỏa…

Theo tienphong.vn
Xây dựng Hòa Bình rao bán 100% vốn Matec

Xây dựng Hòa Bình rao bán 100% vốn Matec

Việc mua đi bán lại Công ty TNHH MTV Máy Xây dựng Matec (Matec) của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) bắt đầu từ ngày 17/06/2023 khi HĐQT HBC thông qua chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty con này.
Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng có giá bán lên tới 5 triệu đồng/kg. Tuy nhiên thị trường hiện nay, loại hải sản quý hiếm này được rao bán tràn lan với giá rẻ bất ngờ.
back to top