Hết hỗ trợ lãi suất, TPHCM "đói" nhà ở xã hội

(khoahocdoisong.vn) - Phân khúc nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có giá dao động từ khoảng 1-1,5 tỷ đồng vốn đã là "của hiếm" từ đầu năm 2018, thì giờ đây lại càng khan hiếm, tới mức gần như "biến mất" khỏi thị trường.

Vì đâu?

Nếu cách đây 3-4 năm, TPHCM có các tên tuổi gắn liền phân khúc nhà ở giá rẻ như Lê Thành, Đất Lành, Khang Gia, Nam Long, Hoàng Quân... thì đến nay, số chủ đầu tư tham gia làm nhà ở phân khúc giá rẻ ngày càng ít dần. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, công ty của ông không thể làm được nữa, lý do là thủ tục xin làm dự án nhà ở xã hội khó hơn nhà thương mại.

Ông Nguyễn Văn Điềm, Giám đốc Công ty bất động sản Đô Thị Mới Thủ Thiêm, thì cho biết giữa năm 2016 khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc cũng đồng nghĩa với việc không có doanh nghiệp nào làm nhà giá rẻ trên dưới 1 tỷ đồng, nhà ở xã hội cũng không đơn vị nào tham gia. Thực tế, tại TPHCM hiện nay gần như không còn căn hộ nào có giá khoảng 1 tỷ đồng, phải 2 - 3 tỷ đồng trở lên mới mua được căn hộ tầm trung 2 phòng ngủ.

“Cùng một quỹ đất nếu đem đầu tư nhà thương mại cao cấp lợi nhuận rất cao so với làm nhà giá rẻ, trong khi thủ tục pháp lý như nhau, chi phí đầu tư một dự án cũng tăng vọt nên làm nhà giá rẻ, nhà xã hội trong lúc này chỉ có nước chết” - lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản nói.

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết trên cả nước đã hoàn thành 100 dự án, quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 2.050.000 m2 cho công nhân. Tuy nhiên, số lượng căn hộ này mới chỉ đáp ứng được khoảng 28% tổng nhu cầu nhà ở của người lao động. Ngoài ra, hiện có 226 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, quy mô xây dựng khoảng 182.200 căn, nhưng hầu hết đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công.

Một số dự án, chủ đầu tư dự án đang xin chuyển đổi sang làm nhà ở thương mại. Vì thế, số lượng nhà ở xã hội cung ứng ra thị trường thời gian gần đây rất hạn chế. Theo ông Ninh, doanh nghiệp không mặn mà xây nhà ở xã hội do khó khăn lớn nhất về vốn sau khi gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc trong khi ngân sách chưa bố trí được nguồn vốn cho vay xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội hầu hết doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa quan tâm, tích cực tham gia đầu tư nhà ở xã hội do vướng mắc về thủ tục, lợi nhuận bị khống chế.

Khu nhà trọ mà gia đình chị T thuê phòng để ở trong nhiều năm qua.

Khu nhà trọ mà gia đình chị T thuê phòng để ở trong nhiều năm qua.

Ước mơ sở hữu nhà ở cửa người trẻ ngày một xa vời

Một trong những lực lượng được đánh giá là đối tượng quan trọng của phân khúc nhà ở giá rẻ tại TPHCM là người lao động trẻ, nhưng hiện nay phân khúc này gần như đã “vắng bóng” trên thị trường. Để sở hữu nhà ở, người lao động trẻ chỉ còn có thể lựa chọn nhà ở từ phân khúc tầm trung trở lên, tuy nhiên với thu nhập hiện tại và giá nhà trên thị trường ngày càng cao, ước mơ sở hữu nhà ở nếu không có sự hỗ trợ của gia đình sau khi ra trường, lập nghiệp thì quả là bài toán khó đối với người lao động trẻ.

Vào lập nghiệp tại TPHCM cách nay 7 năm, vợ chồng chị Mạc Thị T và một con nhỏ 2 tuổi vẫn đang ở trọ trong một căn phòng nhỏ tại một con hẻm thuộc quận Tân Phú để ở. Với tổng thu nhập của hai vợ chồng vào khoảng 28 triệu đồng/tháng, chị T thừa nhận chưa biết khi nào mới mua được nhà ở TPHCM.

"Tôi chỉ mới ra làm riêng gần hai năm nay nên thu nhập tăng so với khi còn đi làm công. Tiết kiệm mấy năm được 200 triệu đồng, nhưng giá nhà quá cao và mỗi năm lại tăng thêm nên chưa biết đến khi nào mới mua được nhà", chị T chia sẻ.

Mỗi năm TPHCM tiếp nhận hàng trăm ngàn người nhập cư từ các địa phương khác tới làm việc và sinh sống, đa số trong số đó là những người trẻ trong độ tuổi lao động. Nhu cầu về một ngôi nhà đầu tiên là rất cao nhưng với giá nhà đất tăng chóng mặt thời gian qua, giấc mơ sở hữu nhà của những người trẻ càng trở nên xa vời.

Báo cáo thị trường bất động sản quý 3/2019 của Công ty CP DKRA cho thấy trong 5 năm qua, giá nhà đất tại TPHCM tăng liên tục. Cu thể vào năm 2015, giá căn hộ hạng C vào khoảng 16 triệu đồng/m2, nhưng nay đã lên 25 triệu đồng/m2. Đất nền còn tăng "khủng khiếp" hơn, giá đất một số khu vực tăng 200-300% so với cách đây 5 năm.

Ông Phạm Lâm - Tổng Giám đốc Công ty CP DKRA, căn hộ dưới 1 tỷ đồng đã là chuyện quá khứ. Một căn hộ 55m2 hiện có giá thấp nhất lên tới 1,4 tỷ đồng, thậm chí còn cao hơn nhiều. "Cơ hội sở hữu nhà của người trẻ mua nhà lần đầu ngày càng xa vời, khi những dự án bất động sản mới có mức giá trên dưới 1,5 tỷ đồng/căn ngày càng khan hiếm" - ông Lâm nói.

Cũng theo ông Phạm Lâm, một trong những nguyên do là nhu cầu nhà ở thực quá lớn, trong khi quỹ đất hạn hẹp và giá đất giá nhà không ngừng tăng. Ông Lâm lấy ví dụ tình huống nhưng không xem như điển hình, giả định rằng một người A mua nhà 1,5 tỷ, vay 50% là 750 triệu đồng. Thu nhập 10 triệu, trả lãi 10,5%/tháng, tiền trừ trong thu nhập phần dư theo đó còn không quá 3,8 triệu đồng. Trong khi đó điều kiện thu nhập 10 triệu với người trẻ không phổ biến. Yêu cầu lại phải có sẵn 750 triệu. Mà nếu có thu nhập này, có 50% để mua nhà, vay tiếp 50% thì 3,8 triệu đồng trong túi, chỉ riêng chuyện đổ xăng, điện thoại, ăn sáng... với điều kiện làm việc trong nội thành cũng trở thành bài toán lớn.

Tương tự, ngay cả với người thu nhập 20-25 triệu đồng/tháng, muốn mua 1 căn nhà lớn hơn, không có "tiền tươi" thì khả năng vay và việc trả nợ, cân đối chi tiêu đời sống vẫn rất áp lực. Có thể nói là hiện giá nhà mua được cao gấp khoảng 6,6 lần thu nhập và dao động với người có thu nhập từ 10-25 triệu.

"Khả năng tích lũy của người trẻ so với giá nhà đòi hỏi có thêm hỗ trợ, nếu không vẫn khó sở hữu nhà. Và nếu nâng tỷ lệ vay 70%, người trẻ có khi... về quê mới sống được". - ông Lâm nói.

Theo Đời sống
back to top