Hẹp ống sống cổ, kẻ thù thầm lặng đầy nguy hiểm

(khoahocdoisong.vn) - Hẹp ống sống cổ do thoái hóa hoặc bệnh lý tủy cổ đều gây đau và tiềm ẩn nguy cơ gây liệt tứ chi nên cần phát hiện sớm để có phương pháp điều trị phù hợp.

Đau vai gáy, đau lan từ cánh tay xuống ngón tay, đau đầu… đó là một trong những dấu hiệu chỉ điểm để bạn nên đến khám chuyên khoa cột sống. Thoái hóa đĩa đệm ở cổ là một trong những căn nguyên phổ biến dẫn đến những triệu chứng trên.

Lúc khởi phát chỉ là 1 đĩa đệm cổ có vấn đề, tuy nhiên nếu chủ quan, không đi khám để có phương pháp điều trị phù hợp thì đĩa đệm bị hỏng sẽ lan tỏa, kéo theo những đĩa đệm xung quanh bị suy yếu và hao mòn dần theo thời gian. Hệ quả tiếp theo là những cơn đau nhức dữ dội và nếu để muộn việc chèn ép thần kinh trở nên trầm trọng hơn có thể dẫn đến yếu liệt tứ chi.

Vấn đề di truyền, tiền sử gia đình đã có những người bị mắc chứng thoát vị đĩa đệm cũng là yếu tố nguy cơ. Bên cạnh đó, các nguyên nhân chấn thương, những cú ngã hay bệnh loãng xương cũng là những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn đe dọa làm hỏng đĩa đệm của bạn.

Cột sống cổ bao gồm 6 đốt sống. Giữa các đốt sống có 1 lớp nhày như gel. Lớp nhày này có tác dụng hấp thụ trọng lực cơ thể, giảm chấn động, giảm sốc khi cổ vận động hoặc chịu những sang chấn và ngăn các đốt xương sống cọ xát vào nhau khi cổ chuyển động.

Mỗi đĩa đệm bao gồm một lớp sụn “dệt” bên ngoài dẻo dai và linh hoạt, được gọi là bao xơ đĩa đệm. Bao xơ bịt kín một phần bên trong mềm chứa đầy một loại gel mucoprotein được gọi là nhân nhầy đĩa đệm giúp tạo nên thuộc tính giảm sóc, hấp thụ nội lực của các đĩa đệm.

Ở trẻ em, các đĩa đệm này chiếm khoảng 85% là nước. Các đĩa đệm bắt đầu mất nước một cách tự nhiên trong quá trình lão hóa của cơ thể. Vào độ tuổi 70, lượng nước trong đĩa đệm giảm 70% so với ban đầu. Ở một số người đĩa có thể mất nước nhanh hơn nhiều so với bình thường.

Khi đĩa đệm bị mất nước, nó trở nên kém đàn hồi hơn, dễ bị nứt và rách các bao xơ. Điều đáng buồn là đĩa đệm không có cơ chế tự khôi phục vì không có nguồn cung cấp máu trực tiếp. Thay vào đó, đĩa đệm nhận các chất dinh dưỡng và các chất chuyển hóa thông qua quá trình thẩm thấu với các đốt sống liền kề, qua các bề mặt sụn tiếp của đốt sống. Như vậy, những vết rách bao xơ đĩa đệm sẽ không thể tự lành mà nó sẽ phát triển mô sẹo, khiến đĩa đệm trở nên yếu hơn, và có nguy cơ vỡ lại về sau.

Hẹp cột sống cổ còn được gọi là chèn ép tủy cổ, thường xảy ra khi ống sống bảo vệ tủy cổ bị co hẹp lại do những thay đổi do thoái hóa hoặc do chấn thương. Nếu không gian trong ống sống bị giảm quá nhiều, sẽ gây nên những thiếu hụt thần kinh do chèn ép tủy sống, hay còn gọi là bệnh lý tủy cổ.

Tình trạng này có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng nghiêm trọng ở bất cứ vị trí nào trong cơ thể, ngay tại vị trí tủy cổ bị chèn ép hoặc dưới vị trí đó. Hệ quả, gây nên các triệu chứng như: Đau tay, tê, yếu và/hoặc mất phối hợp ở một hoặc nhiều chi hoặc các chức năng cơ thể. Hẹp ống sống cổ với bệnh lý tủy cổ thường được gọi chung là bệnh thoái hóa cột sống cổ. 

TS Đỗ Mạnh Hùng (Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức)

Theo Đời sống
back to top