Hé lộ tình hình thiếu lương thực "căng thẳng" ở Triều Tiên

Giá nhiều mặt hàng kể cả thiết yếu hay không thiết yếu ở Triều Tiên có xu hướng tăng mạnh gần đây do tình trạng thiếu lương thực vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Hé lộ tình hình thiếu lương thực căng thẳng ở Triều Tiên - 1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thừa nhận, tình hình lương thực ở Triều Tiên đang khá "căng thẳng" (Ảnh: EPA).

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 16/6 đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết, kinh tế Triều Tiên đã có dấu hiệu cải thiện trong nửa đầu năm 2021 nhưng tình trạng thiếu lương thực vẫn "căng thẳng".

"Tình hình lương thực của người dân đang căng thẳng hơn do ngành nông nghiệp không hoàn thành kế hoạch sản xuất lúa gạo do thiệt hại từ trận bão năm ngoái", ông Kim nói. Ông Kim cũng nhấn mạnh, đại dịch kéo dài đòi hỏi đảng Lao động Triều Tiên phải đẩy mạnh nỗ lực cung cấp thực phẩm, quần áo và nhà ở cho người dân.

Ngành nông nghiệp Triều Tiên vẫn đang phục hồi sau đợt thiên tai năm ngoái. Việc thay thế nguồn cung thực phẩm nội địa bằng nguồn nhập khẩu lại khó khăn do Triều Tiên về cơ bản vẫn đóng cửa để phòng dịch Covid-19.

Tình trạng thiếu lương thực đã khiến nhiều mặt hàng ở Triều Tiên đội giá. Ở thủ đô Bình Nhưỡng, giá các hàng hóa thiết yếu được cho là tăng vọt. Theo các chuyên gia, giá gạo và nhiên liệu vẫn tương đối ổn định nhưng những mặt hàng nhập khẩu như đường, dầu đậu nành, bột mì tăng mạnh. Một số mặt hàng nội địa cũng tăng giá mạnh những tháng gần đây. Ví dụ, giá khoai tây tại chợ Tongil nổi tiếng ở Bình Nhưỡng tăng gấp 3 lần, người dân địa phương cho hay. Thậm chí, những mặt hàng không thiết yếu như trà đen có giá khoảng 70 USD/gói, cà phê hơn 100 USD/gói.

Hé lộ tình hình thiếu lương thực căng thẳng ở Triều Tiên - 2

Một siêu thị ở Bình Nhưỡng (Ảnh: AFP).

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuy không tiết lộ quy mô thiếu lương thực, nhưng Tổ chức Nông lương Thế giới của Liên Hợp Quốc gần đây ước tính, Triều Tiên thiếu khoảng 860.000 tấn lương thực, tương đương nguồn cung lương thực toàn quốc trong hai tháng.

Tại một hội nghị của Đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 4, ông Kim Jong-un bất ngờ gợi lại và kêu gọi các đảng viên tổ chức một chiến dịch "Tháng Ba gian khổ" để giảm bớt khó khăn cho người dân. "Tháng Ba gian khổ" là một thuật ngữ mà giới chức Triều Tiên dùng khi đề cập đến nạn đói những năm 1990 ở nước này nhằm kêu gọi nỗ lực trong công tác và lao động.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011, ông Kim Jong-un đã cho thấy hình ảnh của một nhà lãnh đạo gần gũi với quần chúng hơn và nỗ lực để cải thiện đời sống hàng ngày của người dân. Một trong những mục tiêu ông tuyên bố khi lên lãnh đạo là cải thiện cuộc sống của hầu hết người dân Triều Tiên. Mặc dù vậy, lệnh trừng phạt quốc tế, thiên tai và ảnh hưởng của đại dịch khiến mục tiêu này càng trở nên thách thức.

Triều Tiên là một trong số ít quốc gia trên thế giới đến nay tuyên bố chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 nào mặc dù đã xét nghiệm và cách ly hàng chục nghìn người. Điều này là nhờ Triều Tiên đã nhanh chóng đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại ngay khi dịch bùng phát ở Trung Quốc - nước có chung biên giới và cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, các biện pháp này cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế, giao thương của Triều Tiên.

Minh Phương
Tổng hợp

Theo dantri.com.vn
Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, có nhiều bệnh lý kèm theo như viêm gan, xơ gan, tim mạch, dạ dày... Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bị sảng run với các biểu hiện như: mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc,…
back to top