Hãy để con tự quyết định chọn nghề

(khoahocdoisong.vn) - Bố mẹ nên giữ vai trò là người tư vấn, hỗ trợ thông tin cho con, còn hãy để các con tự quyết định trong việc lựa chọn nghề nghiệp cho mình.

Tự lựa chọn, dẫu có khó khăn, con sẽ tìm cách vượt qua

Em Nguyễn Kiên Anh (lớp 12 chuyên Lý, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định) chia sẻ, em rất thích ngành Kỹ thuật y sinh của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Theo tìm hiểu của em, ngành này có sự kết hợp các lĩnh vực: Điện tử, Viễn thông, Công nghệ thông tin, Tự động hóa, Cơ khí chính xác, Vật liệu, Công nghệ sinh học, Y học để tạo ra các ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ cho quá trình chẩn đoán, điều trị bệnh và quản lý thông tin y tế.

Mẹ của Kiên Anh là một bác sĩ, những ngày theo mẹ vào bệnh viện đã giúp em hiểu ít nhiều về ngành y. Em nhận thấy, việc ứng dụng điện tử trong ngành y ở nước ta vẫn còn có những hạn chế. Chính vì vậy, em lựa chọn ngành học này, muốn theo đuổi nó, vừa là sở thích, đồng thời cũng sẽ có những tiềm lực phát triển trong tương lai.

Chia sẻ với phóng viên KH&ĐS về quá trình quyết định để đi đến lựa chọn này, Kiên Anh cho biết, mất khá nhiều thời gian. Em phải tự mày mò, “nghiên cứu” các thông tin, cơ hội việc làm đối với ngành nghề này, những việc em cần phải làm để có được một tương lai tốt nhất.

Thậm chí, em phải vẽ cả một sơ đồ, giống như sơ đồ cây. Ví dụ, bên cạnh mục tiêu lớn là học kỹ thuật y sinh, thì sẽ học thêm ngành y, làm bác sĩ. Và để thực hiện những mục tiêu đó thì sẽ cần phải làm những gì.

Em may mắn được sự ủng hộ từ gia đình. Nhưng một số bạn bè mà em biết lại không như vậy, bố mẹ áp đặt lựa chọn nghề nghiệp, bắt con cái phải theo.

“Em nghĩ ở lứa tuổi 18, chúng em đã tự có thể quyết định lựa chọn được nghề nghiệp cho mình. Bố mẹ chỉ nên là người hỗ trợ, tư vấn, chứ không nên quyết định thay con cái. Bởi vì, nếu được học ngành nghề yêu thích, chúng em sẽ có động lực học tập và theo đuổi đam mê của mình. Ngay cả khi gặp khó khăn, thì chúng em cũng sẽ tìm cách vượt qua, vì đó là lựa chọn của mình, mình phải có trách nhiệm với điều đó. Còn giả sử, nếu đó là lựa chọn của bố mẹ, nếu có trở ngại, rất có thể con cái sẽ dễ trách móc bố mẹ, nhụt chí, điều đó sẽ không tốt”, Kiên Anh chia sẻ.

Là một phụ huynh có con được tuyển thẳng vào ngành sư phạm Toán, một ngành đúng với sở thích của mẹ, nhưng phụ huynh Nguyễn Thị Thúy (Đống Đa, Hà Nội) lại vẫn “đau đầu” vì con chị nhất định chỉ chọn ngành Công nghệ thông tin (CNTT).

“Cháu học lớp chuyên Toán của Trường THPT Chu Văn An, học Toán rất tốt, thầy giáo cháu cũng khuyên nên đi sư phạm Toán. Bản thân tôi cũng muốn cháu theo ngành sư phạm, bởi sự ổn định; so với ngành CNTT mà cháu chọn, thì nghề sư phạm sẽ không quá vất vả và cạnh tranh. Nhưng cháu cứ khăng khăng chọn CNTT thì tôi cũng đành chịu”, chị Thúy chia sẻ.

Sự “đành chịu” ấy thể hiện ở việc chị đi tìm hiểu các ngành CNTT ở một loạt các trường đại học để có thể bàn bạc, tư vấn cho con trong việc đặt nguyện vọng. Còn quyết định như thế nào vẫn do con lựa chọn.

Chị Thúy cho rằng, khi lựa chọn đó là của con, thì sau này dù khó khăn, con cũng vẫn phải cố gắng vượt qua, phấn đấu. Còn nếu là lựa chọn của bố mẹ, rất có thể con sẽ bỏ dở, lúc đó sẽ rất tệ.

Phụ huynh nên đóng vai trò tư vấn

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về vai trò của phụ huynh trong việc lựa chọn nghề nghiệp cho con, PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Đại họcQuốc gia Hà Nội chia sẻ, phụ huynh nên đóng vai trò tư vấn.

Bởi về mặt hiểu biết, kinh nghiệm, phụ huynh có thể hơn các con. Tuy nhiên, hiện giờ đối với thế hệ trẻ, các em có rất nhiều thông tin, biết được sở thích, năng lực của mình, và cũng có cá tính riêng. Cho nên, việc chọn nghề nên để cho các em quyết định.

Thực tế có những trường hợp, phụ huynh ép con học những ngành có cơ hội việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn, nhưng sau này có thể các em không thực sự hạnh phúc với công việc của mình, thì đó cũng không phải là một lựa chọn tốt.

Đối với các thí sinh, khi lựa chọn nghề, nên có sự tìm hiểu kỹ về ngành nghề mà mình lựa chọn. Thực tế có những trường hợp khi các em vào học một thời gian, có sự hiểu rõ về ngành nghề mà mình theo học, lúc đó, các em mới thấy với đam mê.

Ngoài ra, các em cũng cần hiểu rõ, đánh giá đúng về năng lực của mình. Có những ngành yêu thích, nhưng các em không có đủ năng lực để theo đuổi thì cần cân nhắc. Bởi học những ngành không có năng lực, các em sẽ rất vất vả.

Thực tế cũng có những người học xong sẽ đổi ngành nghề, chọn ngành khác, điều đó cũng là bình thường. Bởi học tập là quá trình suốt đời. Nhưng đại học là bước đầu tiên, nếu bước đầu tiên đã là lựa chọn đúng đắn, tốt thì sẽ tạo đà tốt, thuận lợi cho các em sau này.

Đồng quan điểm với PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết, việc chọn ngành nghề cũng giống như đặt viên gạch đầu tiên khi xây dựng ngôi nhà. Nếu có được một cái móng tốt, thì sẽ có được ngôi nhà tốt, vững chắc, và không phải mất thời gian xây lại hay sửa chữa.

Đối với việc lựa chọn ngành nghề của con, phụ huynh giữ vai trò quan trọng, nhưng ở góc độ đồng hành, định hướng giúp con. Để có được sự định hướng tốt, phụ huynh cần hiểu và đánh giá đúng được năng lực của con, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết, bố mẹ nào cũng muốn tốt đẹp cho con, thương con, nhưng nếu làm không đúng thì cái hại còn lớn hơn. Trong việc lựa chọn nghề nghiệp cho con, bố mẹ không nên lấy quyền của mình ra để áp đặt con. Giả sử con suy nghĩ chưa tới thì sẽ phân tích để cho con tự lựa chọn, quyết định. Bố mẹ nên giữ vai trò tư vấn, cho con đi tìm hiểu thông tin, hoặc cùng con tìm hiểu. Nếu thông tin nào của con chưa đúng, thì cung cấp thông tin cho con, từ đó trao đổi, cùng con bàn bạc, để con đưa ra lựa chọn cuối cùng.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top