Hậu thâu tóm, HDTC hợp tác với ai?  

(khoahocdoisong.vn) - Việt Hân “vào” HDTC chưa đầy 1 năm thì rút lui, thay vào đó là Công ty CP Đầu tư tài chính bất động sản FR (FR Group).

Sau khi Việt Hân rút lui, chỉ còn HDTC của ông Đinh Trường Chinh độc diễn tại “siêu đô thị” An Phú - An Khánh rộng 131ha và Khu dân cư An Sương rộng 64,7ha.

FR Group thế chân Việt Hân

Như KH&ĐS đã nêu tại bài “Hôn sự" HDTC - Việt Hân và cú bắt tay nghìn tỷ” ngày 3/7/2019, ông Đinh Trường Chinh và các cá nhân liên quan đã thâu tóm được HDTC, sau khi công ty được định giá giảm về còn hơn 3.000 tỷ đồng (Quyết định số 5603/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Tất Thành Cang ký ngày 3/11/2015).

Như đã sắp đặt trước, nhiều nhà đầu tư “chê” giá này quá cao, và không tham gia, chỉ còn ông Đinh Trường Chinh trực tiếp và thông qua Công ty Việt Hân cùng một số cá nhân liên quan khác, mua lại số cổ phần chi phối tại HDTC.

Hoàn thành sứ mệnh tại HDTC và để thuận tiện cho quản lý dự án Goldmark City tại Hà Nội, ông Đinh Trường Chinh rút lui khỏi Công ty Việt Hân. Đồng thời Công ty Việt Hân rút lui, gắn với sự xuất hiện của Công ty CP Đầu tư tài chính bất động sản FR, sở hữu 34,79% cổ phần HDTC.

Bên cạnh đó, ông Đinh Trường Chinh cũng tăng tỷ lệ nắm giữ từ 8,82% lên 26,44% cổ phần HDTC. Nói cách khác, số lượng cổ phần của Công ty Việt Hân tại HDTC đã được nắm giữ bởi Công ty FR và ông Đinh Trường Chinh.

Công ty FR được thành lập vào năm 2010, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại tòa nhà CT3, 81 Lê Đức Thọ, Hà Nội. Tháng 7/2016, FR đã tăng vốn từ 105,5 tỷ đồng lên mức 1.200 tỷ đồng. Tại Công ty FR, ông Đinh Trường Chinh và em gái là bà Đinh Ngọc Châu Hương nắm các vị trí chủ chốt.

Để tiện cho việc đánh giá về quyết tâm của ông Đinh Trường Chinh tại HDTC, có thể hình dung phần nào qua hi vọng từ hai tài sản lớn nhất của doanh nghiệp này là Khu đô thị An Phú - An Khánh rộng 131ha và Khu dân cư An Sương 64,7 ha.

Trong đó, chỉ riêng tại Khu đô thị An Phú - An Khánh, HDTC dự kiến sẽ xây dựng khoảng 13.000 căn hộ chung cư, hứa hẹn đem lại doanh thu bán căn hộ trên 20.000 tỷ đồng, chưa bao gồm các công trình tiện ích, thương mại khác. Câu chuyện tương tự cũng có thể hinhg dung tại Khu dân cư An Sương. Với quy mô doanh thu ấy, việc đầu tư 1.600 tỷ đồng mua lại cổ phần HDTC có thể coi là rẻ.

Nguồn tiền nào đang “nâng bước” HDTC?

Đến hết 6 tháng đầu năm 2018, HDTC có gần 402 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn. Chiếm lớn nhất trong số này là khoản vay 400 tỷ đồng từ Công ty TNHH sản xuất Thương mại Việt Anh, phát sinh từ tháng 12/2016. Theo HDTC, khoản vay này là để kỹ quỹ đảm bảo nợ vay tại Ngân hàng TNHH MTV Woori (Woori Bank) - một ngân hàng Hàn Quốc có chi nhánh tại TP.HCM.

Khoản vay từ Công ty Việt Anh có thời hạn 12 tháng kể từ ngày 29/12/2016, lãi suất 9%/năm. Báo cáo tài chính bán niên 2018 của HDTC ghi nhận khoản chi phí ngắn hạn phải trả - tức lãi phải trả - cho Công ty Việt Anh là 55,62 tỷ đồng.

Nói cách khác, 400 tỷ đồng HDTC vay từ Công ty Việt Anh nhằm thay thế tài sản bảo lãnh cho một khoản vay. Tài sản được rút ra là quyền sử dụng khu đất tại phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM (hay còn được gọi là dự án The Mark). Trước thời điểm cổ phần hóa, tháng 12/2009, HDTC đã thế chấp khu đất này để bảo lãnh cho khoản vay của Công ty TNHH Quy hoạch và Phát triển Nhà Việt Nam – Hàn Quốc (giá trị gần 273,8 tỷ đồng quy đổi tính theo tỷ giá ngày 21/10/2011).

Được biết, Công ty Việt Anh thành lập năm 2010, trụ sở tại Quận 1, TP. HCM. Khởi đầu doanh nghiệp này do 02 cá nhân góp vốn thành lập, cụ thể là ông Phạm Quốc Ái góp 90 tỷ đồng, sở hữu 18% vốn điều lệ và các nhân Bành Thanh Phụng góp 410 tỷ đồng để sở hữu 82% vốn điều lệ. Đến tháng 2/2017, ông Dương Bá Nam thay thế ông Bành Thanh Phụng nắm 82% vốn điều lệ, ông Phạm Quốc Ái vẫn nắm giữ 18% vốn điều lệ của công ty này.

Ngoài sở hữu phần lớn cổ phần tại Công ty Việt Anh, ông Dương Bá Nam hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty CP An Phú, ông Nguyễn Xuân Hòa là thành viên HĐQT. Công ty CP An Phú là doanh nghiệp bất động sản khá nổi trên thị trường hiện nay. Ông Hòa cũng có thời gian là đại diện theo pháp luật của Công ty Việt Anh.

Như vậy, sự xuất hiện của nhóm cổ đông liên quan tới ông Đinh Trường Chinh tại HDTC cũng kéo theo nguồn tiền đổ vào doanh nghiệp này, từ Công ty Việt Anh, với các cổ đông liên quan tới Công ty An Phú.

Báo cáo tài chính bán niên 2018 của HDTC cho thấy, doanh nghiệp này chưa vay nợ để đầu tư vào dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh. Mà chỉ có khoản trả trước dài hạn cho khách hàng khoảng 217 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là trả Công ty CP xây dựng và ứng dụng công nghệ Delta V (100 tỷ đồng) – nhà thầu tại dự án, và Công ty CP đầu tư TC BĐS FR (60 tỷ đồng).

Tuy nhiên, đã xuất hiện các chào mời góp vốn, hay giới thiệu về dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh do sàn giao dịch bất động sản Ngọc Trai tiến hành. Có tin một nhóm nhà đầu tư Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đã và đang tiến hành mua sản phẩm bất động sản hình thành trong tương lai tại dự án này. Dù thông tin này mang tính PR cho dự án nhiều hơn. Nhưng cũng là rõ ràng, nhu cầu chào mời nhà đầu tư ngoại phần nào giải thích cho việc vì sao HDTC vội vã khởi công dự án An Phú - An Khánh, dù biết dự án chưa đủ thủ tục xây dựng và sẽ bị phạt hành chính.

Cách triển khai khá thiếu niềm tin này có thể là dấu ấn dễ nhận thấy tại HDTC trong thời gian gần đây, và thực tế còn thể hiện tại dự án khác của doanh nghiệp này. Chẳng hạn như tại dự án Khu dân cư An Sương thuộc quận 12. Đó là điều chúng tôi sẽ đề cập trong một bài viết khác.

Theo Đời sống
Vì sao công ty Đại Cát bị cấm đấu thầu?

Vì sao công ty Đại Cát bị cấm đấu thầu?

Mới đây, UBND huyện Vĩnh Linh đã ký văn bản cấm Công ty TNHH Thiết kế và Xây dựng Đại Cát (Công ty Đại Cát) bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu 4 năm vì cố tình cung cấp tài liệu dự thầu không trung thực.
back to top