Hạt hẹ đặc hiệu trong chữa trị di mộng tinh

(khoahocdoisong.vn) - Hẹ được trồng ở nhiều nơi. Hạt hẹ (cửu tử) có vị cay, ngọt, tính ấm, vào kinh can và thận, tác dụng ôn trung, hành khí, kiện vị, tán ứ, giải độc, bổ thận tráng dương. Chủ trị liệt dương, di mộng tinh, yếu sinh lý, khí hư, tiểu không tự chủ, niệu huyết, trĩ xuất huyết, bệnh tiểu đường, dị ứng nổi ban.

- Trị thận hư, tinh thiếu, mệnh môn hỏa suy, liệt dương, hoạt tinh, xuất tinh sớm: Câu kỷ tử 25g, cửu thái tử 16g, dâm dương hoắc 25g, hoài sơn 50g, kim anh tử 16g, ngũ vị tử 5g, phá cố chỉ 5g, phúc bồn tử 25g, thạch liên tử 16g, thỏ ty tử 25g, thục địa 50g, xà sàng tử 5g sắc uống. Tác dụng bổ thận, cố tinh.

- Trị mộng tinh, tiểu dầm: Cửu tử 40g, gạo tẻ 80g, nước vừa đủ nấu cháo chia 3 lần uống.

- Trị dương vật cương không mềm, có khi đau như kim châm, gọi là “cường trung”: Cửu tử, phá cố chỉ mỗi thứ 30g, tán thành bột, mỗi lần uống 9g sắc với 1 chén nước, ngày 3 lần.

- Trị thận dương suy, biểu hiện như bất lực, đau lạnh ở lưng gối: Cửu tử, nhục thung dung, ba kích thiên mỗi vị 12g sắc uống.

- Trị đi tiểu đêm nhiều do thận khí hư: Cửu tử 12g, bổ cốt chi 12g, sơn dược 20g, ích trí nhân 12g tán bột làm hoàn, uống 12g/2 - 3 lần ngày.

- Chữa yếu sinh lý: Hạt hẹ 40g, tằm đực khô 200g, dâm dương hoắc 120g, câu kỷ tử 40g, kim anh tử 100g, ngưu tất 60g, ba kích 100g, thục địa 80g, sơn thù 60g, mật ong 800ml, rượu ngon 1 lít, ngâm 20 - 30 ngày, ngày uống 2 lần, mỗi lần 20ml.

Cửu tử đặc hiệu trong di mộng tinh, bạch dâm, bạch trọc, bạch đới, khi dùng sao khô. 

Lương y Nguyễn Văn Sáu (Trung tâm Y tế Bà Rịa)

Theo Đời sống
back to top