Hạt dẻ Việt Nam rất ít, chỉ có khi vào mùa

(khoahocdoisong.vn) - Theo các chuyên gia, Việt Nam cũng có cây hạt dẻ mọc ở các tỉnh miền núi phía Bắc nhưng số lượng rất ít. Đa phần hạt dẻ trên thị trường là được nhập từ Trung Quốc.

Hỏi: Hiện đang mùa hạt dẻ. Người bán hàng nào cũng quảng cáo là hạt dẻ Trùng Khánh. Xin hỏi, làm thế nào để phân biệt hạt dẻ của Việt Nam với hạt dẻ Trung Quốc?

Ngô Thu Mai (Hoàng Mai, Hà Nội)

Theo các chuyên gia, Việt Nam cũng có cây hạt dẻ mọc ở các tỉnh miền núi phía Bắc nhưng số lượng rất ít. Đa phần hạt dẻ trên thị trường được nhập từ Trung Quốc.

TS Nguyễn Mạnh Khải, khoa Công nghệ sau thu hoạch, Học viện Nông nghiệp cho biết, ở các tỉnh miền núi phía Bắc có phân bố cây hạt dẻ nhưng không nhiều, tập trung nhiều nhất ở Trùng Khánh (Cao Bằng) với thương hiệu hạt dẻ nổi tiếng. Tuy vậy trên thị trường, hạt dẻ được bày bán rất nhiều. Số hạt dẻ này chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc. Hạt dẻ có rất nhiều loại, hạt to, hạt nhỏ, chất lượng của từng loại cũng khác nhau. Hạt dẻ còn tươi thì về cơ bản là rất ngon. Hạt dẻ chỉ xuống cấp khi để quá lâu dẫn đến thối, hỏng. Tâm lý người dùng hiện nay không thích hàng Trung Quốc nên thương lái thường quảng cáo là hạt dẻ của Việt Nam cho dễ bán.

Hạt dẻ rừng Sa Pa có hạt nhỏ, ăn bùi, thơm. Còn hạt dẻ Trung Quốc to, tròn, mỏng vỏ, bóng bẩy và vỏ không có lông tơ. Khi luộc chín, không có mùi thơm như hạt dẻ Sa Pa. Điều đáng nói nhất là hạt dẻ Trung Quốc được rao bán quanh năm trong khi hạt dẻ Việt Nam chỉ có vào đúng mùa. Cây  dẻ không cho quả quanh năm, nên việc bán hạt dẻ quanh năm, bắt buộc phải có chất bảo quản. 

Hạt dẻ ở Trùng Khánh thường chỉ xuất hiện vào mùa thu, cụ thể là khoảng tháng 8 và tháng 9 âm lịch hàng năm (tháng 10,11 dương lịch). Vào thời điểm này hạt dẻ xù lông và bắt đầu rụng xuống, lúc này người dân sẽ lập tức đem về và chế biến ngay bởi hạt dẻ có thành phần dinh dưỡng cao nên không bảo quản được lâu, kể cả trong điều kiện bảo quản lạnh thì tối đa cũng chỉ được 1 tháng. 

Khi mua hạt dẻ, nếu thấy những hạt thối, hỏng, mốc… thì phải vứt bỏ, không nên tiếc của cố ăn sẽ gây bệnh. 

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top