Hành trình tìm mộ Hoàng đế Quang Trung – Kỳ 3: Hé lộ vị trí lăng mộ

Có thể nói, việc xác định vị trí lăng mộ của Hoàng đế Quang Trung là việc khó, thậm chí nhiều nhà khoa học cho rằng, đó là chuyện không tưởng. Tuy nhiên, từ những cứ liệu lịch sử, nhóm tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung tại Nghệ An đã dần bóc tách những bí mật để tìm ra vị trí cuối cùng.

Hành trình tìm mộ Hoàng đế Quang Trung – Kỳ 1

Hành trình tìm mộ Hoàng đế Quang Trung – Kỳ 2: Dang dở Phượng Hoàng Trung Đô

Nhiều thập kỷ qua, một số nhà khoa học đã dày công khảo sát trên thực tế, lần tìm dấu tích ở Huế và Bình Định, tập hợp các tài liệu trong các kho lưu trữ của quốc gia và địa phương có liên quan đến Hoàng đế Quang Trung.

Trong đó có nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân đã dành nửa đời mình vào công việc này và ông đã phát hiện vị trí lăng mộ Hoàng đế Quang Trung ở cung Đan Dương. Tuy nhiên, phát hiện này đã bị không ít các nhà khoa học bác bỏ.

Các nhà khoa học cho rằng thi thể vua Quang Trung bí mật theo đường biển vào sông Lam, sông Vinh để an táng.

Lịch sử mới chỉ nhìn một phía

Hoàng đế Quang Trung băng hà đến nay trên 220 năm. Theo sử sách đang lưu hành thì khi chiếm lại thành Phú Xuân (Huế), Nguyễn Ánh đã trả thù rất khốc liệt quân thần Tây Sơn bằng việc quật mộ vua Quang Trung lên chặt đầu bỏ vào vò đem nhốt vào ngục tối, thân thể xương cốt bị đốt thành than trộn thuốc súng bắn vào không trung.

Theo ông Nguyễn Hữu Bản – Trưởng nhóm tìm kiếm mộ vua Quang Trung tại Nghệ An: “Lịch sử có khi viết đúng, có khi viết sai bởi nhiều lúc mới chỉ nhìn một phía cho nên nhiều thập kỷ qua, một số nhà khoa học đã dày công khảo sát trên thực tế, lần tìm dấu tích ở Huế, tập hợp các tài liệu trong các kho lưu trữ của quốc gia và địa phương có liên quan đến Hoàng đế Quang Trung”.

Trong đó có nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân đã dành phần nửa đời mình vào công việc này và ông đã phát hiện được mộ Hoàng đế Quang Trung ở cung Đan Dương. Từ đó, ông khẳng định: Sau khi Hoàng đế Quang Trung băng hà 3 tháng mới phát tang.

Tại cung Đan Dương, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, đường bộ, đường biển đi ra Bắc đều kiểm tra nghiêm ngặt. Không thể đưa thi hài Hoàng đế Quang Trung ra khỏi Huế. Hơn nữa, sau khi Hoàng đế Quang Trung băng hà, một số tướng sĩ Tây Sơn đã đầu hàng Nguyễn Ánh.

Và đất Huế là đất của nhà Nguyễn, người nhà Nguyễn ắt sẽ giám sát chặt chẽ mọi động tĩnh của triều đình Tây Sơn.

Từ những dẫn chứng đó ông Xuân khẳng định mộ thật của vua Quang Trung là ở Huế và Quang Trung đã bị trả thù như sử lưu hành cũng là sự thật.

Ông Nguyễn Hữu Bản báo cáo kết quả hội thảo với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Những nghi vấn đáng ngờ

Không đồng tình với những lập luận của Nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân, người đứng đầu nhóm tìm kiếm mộ vua Quang Trung tại Nghệ An là ông Nguyễn Hữu Bản đã nghiên cứu những cứ liệu lịch sử và tham vấn ý kiến của nhiều nhà khoa học hàng đầu Việt Nam và phát hiện những lỗ hổng nên đặt ra những câu hỏi:

Tại sao Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lại chọn vùng đất Yên Trường (núi Dũng Quyết) để xây thành Phượng Hoàng Trung Đô?

Tại sao một con người mưu lược như Quang Trung Nguyễn Huệ lại cho xây lăng mộ mình ở Huế và những quân thần thân tín như Trần Quang Diệu lại chịu an táng Hoàng đế trên đất đối thủ. Để 10 năm sau khi chiếm lại thành Phú Xuân, Nguyễn Ánh dễ dàng quật mộ thủ lĩnh Tây Sơn lên trả thù?

Ông Nguyễn Hữu Bản cho hay: “Đọc lại lịch sử Việt Nam đang lưu hành và những trang viết của ông Nguyễn Đắc Xuân về Hoàng đế Quang Trung, chúng tôi thấy nhiều điều chưa thật thỏa đáng cả mặt lập luận và thực tiễn, bởi thời điểm xây mộ thật và mộ giả vào lúc nào?”

Theo giải thích của ông Bản, thông thường các triều đại phong kiến, mộ của vua được xây khi còn sống (một mộ thật, nhiều mộ giả).

Đặc biệt, Hoàng đế Quang Trung là người có nhiều kẻ thù (Lê, Trịnh, Thanh, Xiêm…) nên không thể chỉ xây duy nhất một mộ ở Huế. Năm 1786, khi diệt tan quân Trịnh (phò Lê diệt Trịnh), vua Lê Hiển Tông đã ban thưởng cho Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ công chúa Ngọc Hân và vùng đất Nghệ An.

Hai năm sau, ngày 1/10/1788, vua Quang Trung quyết định cho xây thành Phượng Hoàng Trung Đô trên đất được vua Lê ban thưởng và xây miếu Tổ ở Thái Lão (tức quê gốc họ Hồ – PV).

Phải chăng, khi xây thành Phượng Hoàng Trung Đô, vua Quang Trung đã cho xây lăng mộ của mình tại đây.

Đền thờ Hoàng đế Quang Trung trên núi Dũng Quyết.

Các nhà khoa học vào cuộc

Theo hướng lập luận này thì mộ Hoàng đế Quang Trung được quyết định xây tại Phượng Hoàng Trung Đô khi Nguyễn Huệ đang là Bắc Bình Vương.

Hơn nữa Nguyễn Huệ cũng đủ sáng suốt để “đọc ý” qua lời tiên tri Nguyễn Bỉnh Khiêm để nhận ra mệnh của mình không dài nên đã sớm quyết định việc xây lăng mộ tại Nghệ An.

Còn lăng mộ được ông Xuân phát hiện ở Huế đã bị Nguyễn Ánh quật lên đều là giả.

Ông Bản đưa ra suy luận: Trong 3 tháng “bế quan toả cảng” ở thành Phú Xuân chính là thời điểm những người thân tín của Hoàng đế chuẩn bị thực hiện lễ an táng Quang Trung giả vào lăng mộ giả.

Còn thi thể Hoàng đế Quang Trung được đưa theo đường biển, sau đó vòng theo đường sông an táng tại lăng mộ đã có sẵn ở Phượng Hoàng Trung Đô.

Ông Bản cho hay: “Qua lời căn dặn của Hoàng đế khi lâm bệnh nói với Quang Toản càng rõ thêm: “Nghệ An là đất của cha mẹ ta, đất ấy là nơi hiểm yếu có thể tin cậy được. Ta đắp thành dày để làm Trung Đô. Nếu có biến cố còn có thể giữ được…”.

Hơn nữa, chính sử đã ghi rất rõ vua Quang Trung cho gọi Trấn sở Nghệ An Trần Quang Diệu vào và dặn rằng: “Những việc còn lại ở Vĩnh Đô (Phượng Hoàng Trung Đô), các ngươi phải lo làm xong sớm. Nếu để chậm sẽ không có đất mà chôn”.

Ông Bản kết luận: “Từ các mối liên hệ của lịch sử và sự cảm nhận của các nhà ngoại cảm, nhà tâm linh về lăng mộ của Hoàng đế Quang Trung ở thành Phượng Hoàng Trung Đô, chúng tôi thấy sự cần thiết phải nhờ các nhà khoa học vào cuộc và đã mời Liên hiệp khoa học Công nghệ tin học ứng dụng UIA, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người cùng một số nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau và có cả thiết bị thăm dò địa vật lý của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội vào cuộc”.

“Tìm mộ Hoàng đế Quang Trung là việc lớn nên chúng tôi đã đề xuất với Tỉnh Uỷ, UBND tỉnh Nghệ An mời các nhà khoa học, lịch sử có uy tín như GS Phan Huy Lê, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Thiếu tướng Ngô Tiến Quý… cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, thân nhân dòng họ Hồ có mối liên hệ với vua Quang Trung để có được những cứ liệu chính xác nhất trong việc chuẩn bị kế hoạch và thực hiện tìm hài cốt Quang Trung Hoàng đế được thuận lợi”, ông Nguyễn Hữu Bản, nguyên Bí thư Thành uỷ Vinh – Nghệ An.

Trần Hoà

Theo Đời sống
back to top