Hành trình đi tìm di cốt người cổ trong hang núi lửa

Lần đầu tiên giới khoa học Việt Nam đã phát hiện ra các di tích cư trú của người tiền sử trong các hang núi lửa ở Tây Nguyên. Đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng, bởi từ trước tới nay, các nhà khảo cổ chưa bao giờ phát hiện được di cốt người cổ ở Tây Nguyên, nơi đất đỏ ba zan vốn không có khả năng bảo tồn được các vật chất hữu cơ. Hơn thế, đây lại là trong hang núi lửa. Một bất ngờ ngay cả với thế giới.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường bên hộp sọ bé gái 4 tuổi được tìm thấy ở hang núi lửa.

Tại hang núi lửa, cùng với việc tìm thấy các di vật như đá, đồ gốm, xương động vật, vỏ nhuyễn thể, các nhà khoa học còn phát hiện ba di tích mộ táng nằm trong khoảng độ sâu 0,75 – 1,40m với 1 di cốt hoàn chỉnh của 1 bé gái 4 tuổi và một phần di cốt của hai người lớn.

Ngoài ra, trong hố khai quật, các nhà khoa học còn tìm thấy dấu vết của 10 cá thể gồm 5 trẻ sơ sinh, 4 người trưởng thành và 1 thiếu niên.

11 năm từ phát hiện núi lửa tới di cốt

TS La Thế Phúc, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, kể, vào năm 2007, trong quá trình thực hiện đề tài “Điều tra nghiên cứu di sản địa chất để xây dựng công viên địa chất và bảo vệ môi trường khu vực thác Trinh Nữ, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông”, ông và các cộng sự đã phát hiện ra một loạt hang động núi lửa ở thôn Nam Tân, xã Nam Đà, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Đây là hệ thống hang động có quy mô, độ dài và tính độc đáo thuộc loại bậc nhất Đông Nam Á.

Hang dài 25 km từ miệng núi lửa buôn Choar dọc theo chiều dài sông Sêrêpôk đến khu vực thác Dray Sáp với hàng chục hang động được hình thành từ quá trình phun trào dung nham. Từ phát hiện này, các nhà khoa học đã xây dựng đề tài “Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên, lấy thí dụ hang động núi lửa ở Krông Nô” mã số TN17/T06 (8/2017 – 8/2020) thuộc Chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016 – 2020.

Để phục vụ nghiên cứu, năm 2017, các nhà khoa học quyết định lựa chọn đào hố thăm dò (thám sát).

Tháng 3/2018, các nhà khoa học quyết định khai quật đợt 1 hang C6′ và hang C6-1 trong hang động núi lửa ở khu rừng đặc dụng cảnh quan Dray Sáp.

TS La Thế Phúc cho biết, tại các hố thăm dò, hàng vạn mẫu vật đã được tìm thấy. Cụ thể, các nhà khoa học đã phát hiện các hiện vật đá (gồm rìu ngắn, công cụ một rìa, công cụ hai rìa, công cụ ba rìa, mảnh rìu, công cụ hạch, công cụ dùi, hòn kê/hòn ghè, bàn mài); hiện vật đồ gốm (làm từ đất sét, pha rất ít cát, hạt nhỏ, nên xương gốm mịn)

Xương động vật gồm dơi, dơi quạ, hươu vàng, nai, lợn rừng, tê giác, mèo, cầy, chồn, lợn lửng, khỉ, chuột, nhím, chim, rùa cạn, kỳ đà, rắn, cá; các loài nhuyễn thể nước ngọt có trai, trùng trục ngắn, hến, các loài ốc núi, ốc ruộng…, ngoài ra, các nhà khoa học còn tìm thấy vỏ ốc tiền (ốc biển) là loại hình di vật lần đầu tiên phát hiện ở Tây Nguyên, minh chứng cho mối quan hệ với cư dân biển.

Đặc biệt, các nhà khoa học đã vô cùng sửng sốt và bất ngờ khi phát hiện 3 di tích mộ táng nằm trong khoảng độ sâu 0,75 – 1,40m.

Khu vực khai quật tại hang núi lửa ở Tây Nguyên.

Những ngày bất ngờ

PGS. TS Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, thành viên nhóm thực hiện đề tài cho biết, vì đề tài có liên quan đến khảo cổ học nên giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã mời một số nhà khoa học của Hội Khảo cổ học Việt Nam tham gia. Đấy là lý do ông có mặt.

Ông nhớ lại, ngày 15/12/2017, tại Bảo tàng Thiên nhiên, TS La Thế Phúc thông báo kết quả nghiên cứu điều tra thăm dò (thám sát) khảo cổ hang động núi lửa thuộc huyện Krông nô, tỉnh Đăk Nông. Lúc đó TS La Thế Phúc nói có phát hiện ra xương chồi lên ở trong hang C6’.

“Lúc nghe thông tin đó, tôi rất bất ngờ bởi chưa bao giờ ở Tây Nguyên các nhà khảo cổ phát hiện được di cốt người, mặc dù trong nhiều năm qua các nhà khảo cổ đã khai quật khoảng 100 địa điểm khảo cổ học. Vì sao như vậy? Đó chính là do môi trường đất đỏ ba zan của Tây Nguyên – không bảo tồn được các vật chất hữu cơ”, PGS.TS Nguyễn Lân Cường xúc động.

“Khi vào tới khu khai quật tôi tới ngay hang C6’. Hang khá lớn, trên vách hang còn lưu lại những ngấn của dòng chảy nham thạch mấy chục vạn năm trước. Ngay giữa hang là một ụ đất xen lẫn những khối nham thạch rơi xuống, nơi được cho là có xương chồi lên. Tôi quan sát chiếc xương chồi lên trên ụ. Trông giống xương chày của người. Nhưng khi gỡ ra, kết quả đấy lại là xương chày của… hươu, nai. Như vậy không có di cốt người cổ. Cảm giác lúc đấy rất khó tả. Buồn, thất vọng”.

Tuy nhiên, ngày 18/3/2018, theo lời kể của PGS.TS Nguyễn Lân Cường, trong đống di vật mang về, các nhà khoa học phát hiện ra 1 chiếc răng khôn hàm trên bên phải (ký hiệu của răng là C6-1 L3-1.C2).

Răng còn nguyên. “Nhưng vì răng có tới 4 chân mà thông thường chỉ có từ 1 đến 3 chân, vì vậy tôi vội gửi ảnh chiếc răng hàm này cho GS.TS. Hirofumi Matsumura (Nhật Bản) và GS.TS. Hoàng Tử Hùng, nguyên Viện trưởng Viện Răng – Hàm – Mặt Đại học Y Dược TP HCM. Chỉ vài tiếng sau cả 2 nhà khoa học đều trả lời tôi: Chính xác, răng người”.

Đây là răng người cổ đầu tiên tìm thấy ở Tây Nguyên. Thế là có dấu vết đầu tiên của con người ở Tây Nguyên sau bao năm tìm kiếm đã được tìm thấy”, PGS. TS Nguyễn Lân Cường nhớ lại.

Niềm vui lại nhân lên khi ngày 22/3/2018, tại sát vách tây của hố khai quật các nhà khoa học lại phát hiện ra xương đùi và xương chày của 1 cá thể trưởng thành được ký hiệu là mộ 1 (18C6-1M1), thân và sọ vẫn còn đang dính vào vách. Hai ngày sau, ngày 24/3/2018, các nhà khoa học lại phát hiện ra ngôi mộ số 2 (18C6-1D2L4-8M2). Đây là di cốt của 1 em bé chôn theo thế ngồi bó gối, vì dựa vào vị trí của các xương dưới sọ.

Mộ 3 cũng được phát hiện ngay sau đó. Mộ 3 được chôn trong lớp đất màu xám trắng, kết cấu đất mịn và thuần. Mộ phân bố sát vách Nam, hiện trạng của mộ được xử lý bước đầu, làm lộ rõ một phần xương chi và một số xương sườn; các xương xếp chồng lên nhau, phần thân và các bộ phận khác nằm trong vách nam hố khai quật chưa xử lý. Rất có thể mộ đã được cải táng.

“Toàn bộ di cốt ở mộ 2 đã được bó thạch cao để chuyển về Hà Nội nhằm phục vụ cho việc phục chế, đo đạc. Riêng ở mộ 1 và mộ 3 do thân và sọ còn nằm trong vách nên chúng tôi quyết định để lại cho cuộc khai quật lần sau”, PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết.

Đặc biệt, không chỉ phát hiện 3 ngôi mộ táng, theo PGS.TS. Nguyễn Lân Cường các nhà khoa học còn tìm thấy dấu vết của 10 cá thể nữa trong số đó có tới 5 cá thể là trẻ sơ sinh, 1 cá thể là thiếu niên và 4 cá thể là người trưởng thành.

Chân dung bé gái 4 tuổi trong lòng đất

TS La Thế Phúc kể, hai tuần sau những phát hiện liên tiếp, ông xách chiếc va li có bộ xương bó thạch cao của mộ 2 nặng tới hơn 20kg lên máy bay về Hà Nội để PGS.TS Nguyễn Lân Cường phục dựng hộp sọ. Công việc phục dựng mất hơn 2 tháng.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết, dựa vào độ mọc răng có thể kết luận 18C6-1D2L4.8M2 là di cốt của một em nhỏ khoảng 4 tuổi. Vì cấu tạo trên xương chưa thể hiện rõ nên việc xác định giới tính gặp nhiều khó khăn.

Tuy vậy thấy bờ trên hốc mắt sắc cạnh, mỏm chũm nhỏ xíu nên có nhiều khả năng đây là di cốt của một bé nữ. Vì là sọ trẻ em, các đặc điểm về chủng tộc không thể hiện rõ, nên chưa thể có kết luận chuẩn xác. Tuy nhiên cũng thấy được một vài yếu tố đen như mũi quá rộng, răng hàm có kích thước lớn…

Điều đáng chú ý đặc biệt là mặc dù đây là sọ trẻ em mới 4 tuổi, nhưng răng cửa sữa mòn vẹt, hiện tượng này chỉ có thể giải thích bằng nguồn thức ăn chủ yếu là trai, ốc, hến khiến các em nhỏ này cũng sớm bị mòn răng.

Theo các kết quả phân tích bằng phương pháp hiện đại nhất của Mỹ và Nga thì ngôi mộ này: 18C6-1D2L4.8M2, có niên đại 6768 năm cách ngày nay.

Sơn Hà

Theo Đời sống
back to top