Hành tây - vị thuốc quý

(khoahocdoisong.vn) - Hành tây (Allium cepa L.) là loại rau quả du nhập vào nước ta không chỉ là món ăn mà còn là vị thuốc chữa nhiều bệnh.

Giàu dinh dưỡng, nhiều tác dụng

Hành tây giàu về đường, vitamin A, B, C, muối khoáng, Na, K, P, Ca, Fe, S, I, Si...Vỏ hành tây chứa nhiều rutin, rất có lợi cho việc làm vững bền thành mạch, dự phòng tai biến xuất huyết não. Vì chứa chất phytonxit - một loại kháng sinh mạnh, vì thế hành tây có thể dùng để trị các bệnh như ho, xơ cứng động mạch, cổ trướng, tiểu đường, giúp ngủ ngon, trừ giun đũa, chống đông máu, chống viêm, hạ huyết áp, giảm cholesterol, chống táo bón và đầy hơi, lợi tiểu và làm sạch máu, chữa ù tai, rụng tóc, tăng cường miễn dịch, chống loãng xương, phòng chống ung thư ruột kết…Đặc biệt, hành tây là một chất kích thích tình dục mạnh, được gọi là “viagra trắng” tự nhiên tốt nhất.

Hành tây khi dùng trong có tính chất kích thích chung, lợi tiểu mạnh, hoà tan và làm giảm urê và các chlorua, chống thấp khớp, chống bệnh hoại huyết, sát khuẩn và chống nhiễm khuẩn, gây tiết, trị ho, làm dễ tiêu hoá, cân bằng tuyến, chống xơ cứng, chống chứng huyết khối, kích dục, chống đái đường, chống tràng nhạc, trị giun, gây ngủ nhẹ, trị bệnh ngoài da và hệ lông. Được dùng ngoài để làm dịu và tan sưng, sát khuẩn, chống đau, xua muỗi.

Hành tây được chỉ dẫn dùng trong để trị mệt mỏi, suy nhược cơ thể và thần kinh, chứng ít nước tiểu, bí dịch, thuỷ thũng, thừa urê huyết, tăng chlorua huyết, lên men ruột, đau sinh dục tiết niệu, đau ngực, cúm, mất trương lực tiêu hoá, mất cân bằng tuyến, béo phì, xơ cứng động mạch, đề phòng chứng huyết khối, đề phòng sự già yếu, mệt lả, bất lực, đái đường, viêm hạch, tạng bạch tuyết, ký sinh đường ruột. Dùng ngoài để trị áp xe, chín mé, nhọt, ong vò vẽ đốt, cước nứt nẻ, đau nửa đầu, sung huyết não, đau dây thần kinh răng, mụn cóc, vết thương, loét và trừ muỗi.

Về cách dùng, thông thường nhất là ăn sống, cũng có thể ngâm trong nước nóng (trị cảm cúm) hoặc đun sôi 10 – 15 phút (trị ỉa chảy, thấp khớp) hoặc ngâm độ một tuần trong rượu trắng (trị vật ký sinh đường ruột). Người ta còn làm cồn thuốc (ngâm hành tây trong cồn 90o), làm rượu thuốc 20%. Dùng ngoài dưới dạng thuốc đắp trị thấp khớp, đau đầu, sung huyết não, viêm màng não, bí tiểu tiện, rệp đốt, mụn nhọt, áp xe, trĩ, nứt nẻ, vết thương…thuốc xoa (trị chín mé, tàn nhang) dịch chiết (rỏ tai trị ù tai, tẩm bông đặt vào răng sâu) hoặc cắt đôi củ hành đặt cạnh giường ngủ để xua muỗi.

Hành tây cũng như tỏi tây và hẹ tây luôn rất giàu hợp chất phytonutrient, có tác dụng bảo vệ tim nhưng lại gây hại cho dạ dày. Vì vậy, với những người mắc bệnh dạ dày cần nấu chín để khử hoạt tính của hợp chất này hoặc trộn giữa hành sống và chín để giảm tác dụng phụ không mong muốn của hoạt chất. Nên chọn những củ hành tây còn tươi, nếu hành tây đã mọc mầm thì không nên dùng.

Cách dùng hành tây trị bệnh

Vì chứa chất phytonxit - một loại kháng sinh mạnh, hành tây được dùng trong chữa nhiều bệnh như ho, trừ đờm, kích thích tiết mồ hôi, lợi tiểu, chống phù thũng, trị bệnh cổ trướng, tiểu đường, giúp ngủ ngon, làm tiêu nhanh các chất bột, trừ giun đũa, trừ ho, chống béo phì, xơ cứng động mạch, chống muỗi, dĩn.

Trị phong thấp: 3 củ hành tây xắt lát, đổ 1 lít nước, đun khoảng 10 – 15 phút. Ngày uống 2 ly vào sáng và tối lúc đói bụng.

Tiêu chảy: Vỏ lụa hành tây 1 nắm. Đun nước uống trong ngày.

 Tắc mũi, khó thở: Vào mùa lạnh, khi cảm cúm, bạn thường bị tắc mũi, khó thở, khi ấy, bạn cắt một lát hành tây rồi nhét vào mũi.

Giải cảm: Hành tây cắt nhỏ cho vào nấu chín uống lúc còn nóng hoặc cho vào cháo ăn nóng sẽ có tác dụng giải cảm, ra mồ hôi và giải nhiệt rất nhanh.

Khó ngủ: Đặt một vài lát hành thái nhỏ bên cạnh có thể đuổi muỗi và chữa bệnh khó ngủ.

Tốt cho tiêu hóa: Hành tây thái lát, phơi khô đem nấu với nước uống rất tốt cho tiêu hoá và làm ấm bụng.

Ngừa cảm cúm: Dùng một ít dầu ăn nóng rưới lên hành tây đã xắt mỏng rồi ăn sống, nếu thích có thể thêm vào một ít đậu phụ, có thể ngăn ngừa bệnh cảm cúm trong mùa đông.

Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
Dấu hiệu nhận biết cơn đau do sỏi thận

Dấu hiệu nhận biết cơn đau do sỏi thận

Sỏi là các hạt cứng tồn tại trong cơ thể con người ở các vị trí khác nhau, được tạo thành từ muối, chất khoáng tồn đọng và kết tủa. Sự hiện diện của sỏi sẽ gây viêm nhiễm, đau và ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng.
back to top