Hàng ngàn bác sĩ xông pha vào vùng nguy hiểm để ngăn chặn dịch bệnh

(khoahocdoisong.vn) - Không chỉ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải bệnh viện, hướng tới sự hài lòng của người bệnh... hàng ngàn cán bộ y bác sĩ đã không quản nguy hiểm tới tính mạng, trực tiếp có mặt tại các điểm nóng như những ổ dịch, các cơ sở điều trị, các phòng thí nghiệm, các trung tâm cấp cứu… để cứu người và không để dịch bệnh lây lan.

Đó là phát biểu của Quyền Bộ trưởng Bộ y tế GS.TS Nguyễn Thanh Long tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Y tế lần thứ VII (giai đoạn 2020 - 2025), ngày 19/10/2020.

Lớp lớp các thế hệ cống hiến trí tuệ, nhiệt huyết, sức lực và tuổi thanh xuân...

Tại Đại hội, Bộ Y tế đã phát động phong trào thi đua giai đoạn 2020 - 2025, với chủ đề "Đoàn kết – Kế thừa – Đổi mới – Phát triển", thực hiện đổi mới mạnh mẽ toàn diện các hoạt động của ngành để phục vụ nhân dân được tốt hơn.

Trong những năm qua, các phong trào thi đua yêu nước đã thực sự động viên, thu hút được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế cùng tham gia, tạo nên không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp. Thực hiện tốt cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ hiện đại để đạt được mục tiêu quản trị ngành hiệu lực và hiệu quả; Thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, của ngành trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, truyền thông vận động người dân, cộng đồng nâng cao sức khỏe; Luôn hướng tới cái mới, sẵn sàng thực hiện đổi mới vì mục tiêu phát triển cao hơn của ngành, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày một cao của nhân dân.

Đặc biệt, trong tình hình thế giới có nhiều biến động, tác động không nhỏ tới sức khỏe toàn cầu mà điển hình là vấn đề ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, các dịch bệnh như HIV/AIDS, Ebola, Zika, sốt xuất huyết và đặc biệt mới đây là dịch Covid-19...

“Hàng vạn thầy thuốc đã không quản nguy hiểm tới tính mạng, trực tiếp có mặt tại các điểm nóng như những ổ dịch, các cơ sở điều trị, các phòng thí nghiệm, các trung tâm cấp cứu… một đội ngũ không nhỏ lặng lẽ bền bỉ đóng góp công sức trong các hoạt động không kém phần quan trọng như chỉ đạo và điều phối chống dịch, phục vụ hậu cần, thuốc men, trang thiết bị và truyền thông. Những ổ dịch được nhanh chóng dập dứt điểm, số lượng ca mắc chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với quy mô dân số, tất cả các bệnh nhân nặng được điều trị bình phục…là những thành tích chống dịch Covid-19 nổi bật của Việt Nam trong giai đoạn 1 được cộng đồng quốc tế ghi nhận” - GS.TS Nguyễn Thanh Long chia sẻ.

Đặc biệt, khi đợt dịch thứ 2 bùng phát tại Đà Nẵng, ngành Y tế đã thực hiện một việc chưa từng có tiền lệ, Bộ Y tế thành lập Sở chỉ huy tiền phương chống dịch tại Đà Nẵng và huy động sức mạnh tổng hợp của toàn ngành với lực lượng hơn 1.000 cán bộ y tế trong đó có 300 thầy thuốc là những chuyên gia đầu ngành trong công tác phòng chống dịch và điều trị để hỗ trợ, phối hợp với Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và hoàn thành việc dập dịch dứt điểm trong chưa đầy 40 ngày, cứu được tính mạng của nhiều bệnh nhân nặng. Đã xuất hiện nhiều tấm gương thầy thuốc bằng tinh thần trách nhiệm và đức hy sinh của mình tô đẹp thêm truyền thống của ngành. Hình ảnh về sự tận tụy của người thầy thuốc trong hoạt động chống dịch Covid-19 đã được khắc ghi trong lòng dân tộc.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân xuất sắc.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân xuất sắc.

Được Nhà nước và nhân dân khen ngợi, đánh giá cao

Phát biểu tại Đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Ban Dân vận T.Ư  đánh giá cao và biểu dương tinh thần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành y tế trong cả nước.

Theo đồng chí Trương Thị Mai, một ngành với sự nghiệp quan trọng như ngành y tế với gần 1.500 bệnh viện, hơn 10 ngàn trạm y tế cấp xã với 460 ngàn người đang làm việc khắp nơi trên cả nước, mỗi năm có hàng trăm triệu lượt người đến các cơ sở khám, chữa bệnh; công việc diễn ra hằng ngày, hằng giờ, đòi hỏi nghiêm ngặt, không được phép sơ suất vì là sức khỏe, tính mạng của người dân, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế chịu áp lực rất lớn, không chỉ từ bệnh nhân, người nhà mà còn từ xã hội.

“Những việc làm được, ngành y tế đã nhận được nhiều lời khen ngợi, đánh giá cao, tình cảm yêu quý của nhân dân, có những cán bộ lãnh đạo, bác sĩ, nhân viên y tế tên tuổi được nhiều người biết đến, trân trọng, để lại nhiều tình cảm tốt đẹp; ngành y tế cũng nâng cao tinh thần trách nhiệm, lắng nghe, tiếp thu, nỗ lực không ngừng để khắc phục những hạn chế, tiếp tục có bước tiến bộ, phát triển. Tôi nghĩ, đó chính là điều sâu sắc nhất mang lại từ phong trào thi đua của ngành y tế thời gian qua” - đồng chí Trương Thị Mai nói.

Tại Đại hội, lãnh đạo Bộ Y tế đã trao tặng bằng khen của cho 29 tập thể, 26 cá nhân vì có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước ngành y tế giai đoạn 2016 - 2020.

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top