Hàng không Việt mất hai cao điểm quan trọng vì dịch bệnh

Hai đợt tái bùng phát gần nhất của dịch Covid-19 tác động lớn tới nguồn thu từ cao điểm Tết, lễ 30/4-1/5 và đầu hè của các hãng hàng không Việt.
co nen dau tu co phieu hang khong anh 1

Không phải ngẫu nhiên khi doanh thu nửa đầu mỗi năm của các hãng hàng không Việt Nam đều cao hơn nửa cuối năm. Hai quý đầu tiên trong năm luôn có ba đợt tăng mạnh về nhu cầu di chuyển hàng không của hành khách, bao gồm cao điểm Tết Nguyên đán, cao điểm nghỉ lễ 30/4-1/5 và đầu cao điểm hè.

Trong khi các hãng bay Việt đã đón cao điểm 30/4-1/5 gần nhất khá thuận lợi với lượng hành khách nội địa đạt kỷ lục thì đợt bùng phát thứ ba và thứ tư của dịch Covid-19 đã khiến cao điểm Tết Nguyên đán 2021 và giai đoạn đầu cao điểm hè trở nên ảm đạm.

Sự đối nghịch giữa sôi động của một cao điểm hàng không và sự ảm đạm do tác động từ dịch bệnh có thể thấy rõ nhất qua lượng khách bay cao điểm nghỉ lễ 30/4-1/5 và chỉ ít ngày sau đó khi dịch bệnh bùng phát tại TP.HCM.

Hai đợt dịch đánh gục hai cao điểm

Theo số liệu từ Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), sân bay Tân Sơn Nhất lập đỉnh mới về lượng khách qua cảng vào ngày 29/4. Ngày cao điểm nhất trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 ghi nhận 108.451 lượt khách qua sân bay lớn nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, đợt bùng phát thứ tư của dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu bay của hành khách nhanh chóng hạ nhiệt. Tân Sơn Nhất chỉ còn ghi nhận 18.367 lượt khách trong ngày 13/5, 18.051 lượt trong ngày 14/5, 17.791 lượt trong ngày 15/5 và 19.650 lượt trong ngày 16/5.

Chỉ trong 2 tuần, lượng khách bay tại đây giảm chỉ còn 10% so với đỉnh lượng khách mới lập.

Hàng không mất cao điểm Tết và đầu cao điểm hè 2021

Hàng không mất cao điểm Tết và đầu cao điểm hè 2021

Tình hình tiếp tục trầm lắng hơn cho đến cuối tháng 6 và đầu tháng 7, lượng khách tại Tân Sơn Nhất chỉ còn khoảng 3.000 lượt khách/ngày, giảm chỉ còn 2,7% so với đỉnh khách ngày 29/4.

Cao điểm Tết Nguyên đán 2021 cũng diễn ra không thuận lợi với ngành hàng không Việt. Vào thời điểm tháng 12/2020, diễn biến giá vé vẫn tương tự như mọi năm khi những chuyến bay mở bán sớm có tỷ lệ lấp đầy tốt, giá vé nhanh chóng chạm mức 6-7 triệu đồng, hành khách phải chạy đua đặt vé sớm.

Nhưng tới tháng 1 khi xuất hiện những ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên, giá vé máy bay nhanh chóng giảm sâu. Đầu tháng 1, giá vé khứ hồi rẻ nhất trên trục vàng TP.HCM - Hà Nội đã bao gồm thuế phí nhích xuống mức 5,7 triệu đồng, rồi hạ xuống 4,6 triệu đồng vào giữa tháng 1.

Tới cuối tháng 1, giá vé chỉ còn khoảng 4 triệu đồng và tới đầu tháng 2, thời điểm cận Tết, giá vé xuống thấp kỷ lục, có lúc chỉ còn 2,5 triệu đồng khứ hồi TP.HCM - Hà Nội, mức giá không tưởng trong những dịp cao điểm Tết trước đó.

Nửa đầu năm, công ty mẹ Vietnam Airlines ước lỗ khoảng 9.823 tỷ đồng, lỗ hợp nhất dự kiến khoảng 10.788 tỷ đồng

Lãnh đạo Vietnam Airlines

Cú "quay đầu" về lượng khách 30/4-1/5, kèm với một cao điểm Tết Nguyên đán kinh doanh không như ý khi giá vé bán ra chỉ bằng 25-30% so với cùng kỳ đã khiến hàng không Việt có nửa đầu năm 2021 kém hiệu quả.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Vietnam Airlines tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, nửa đầu năm, công ty mẹ Vietnam Airlines ước lỗ khoảng 9.823 tỷ đồng, lỗ hợp nhất dự kiến khoảng 10.788 tỷ, các chỉ số tài chính diễn biến theo hướng rất tiêu cực và rủi ro.

Do năng lực sản xuất vẫn ở mức thấp, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi, Vietnam Airlines đưa ra các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận năm nay đều xấu hơn năm ngoái. Trong đó, doanh thu hợp nhất dự kiến giảm 11,6% xuống còn gần 37.400 tỷ đồng. Hãng hàng không quốc gia dự kiến lỗ hợp nhất 14.526 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm 2020.

Theo lãnh đạo hãng hàng không quốc gia, hai đợt dịch bùng phát đúng vào cao điểm Tết và trước kỳ nghỉ 30/4-1/5 kéo dài sang cả cao điểm hè đã khiến hãng gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh. Giá dầu năm 2021 tăng cao cũng khiến chi phí của Vietnam Airlines tăng thêm 700 tỷ đồng so với năm 2020.

Thời điểm này mọi năm, Vietnam Airlines thực hiện 500-550 chuyến bay/ngày, thì năm nay chỉ duy trì khoảng 40 chuyến/ngày, chủ yếu để chở hàng hoá phục vụ các tỉnh bị cách ly, giữ giao thương tối thiểu.

Vietjet Air từng tự tin vào khả năng phục hồi của thị trường nội địa trong năm 2021 khi lên kế hoạch tăng trưởng lượng khách 53% lên 23 triệu lượt khách.

Tuy nhiên, hai đợt bùng phát Covid-19 gần nhất đã khiến hãng phải điều chỉnh lại mục tiêu này xuống còn 15 triệu khách, gần như ngang bằng với còn số của năm 2020, năm được xem là khủng hoảng chưa từng có của hàng không Việt.

Mức doanh thu vận tải hàng không mà hãng kỳ vọng cũng buộc phải điều chỉnh giảm theo, từ mức 28.500 tỷ đồng (kỳ vọng tăng trưởng 87% so với năm 2020) xuống còn 15.500 tỷ đồng (tăng trưởng 2% so với năm 2020).

Hãng bay sổ mũi, doanh nghiệp phụ trợ hắt hơi

Hãng hàng không thiếu khách, nhóm doanh nghiệp phụ trợ hàng không như phục vụ suất ăn, bán hàng miễn thuế hay cho thuê mặt bằng tại sân bay cũng làm ăn khó khăn trong nửa đầu 2021. Kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp như Công ty CP Suất ăn hàng không Nội Bài (NCS) là điển hình cho mối quan hệ cộng sinh này.

Theo báo cáo tài chính quý II, NCS ghi nhận doanh thu thuần ở mức 32,1 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng của doanh nghiệp lại ở mức cao, tăng 16% so với cùng kỳ. Việc kinh doanh dưới giá vốn khiến hãng suất ăn hàng không này lỗ gộp gần 16 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, NCS còn phải chịu hơn 6 tỷ đồng từ chi phí vay, đồng thời chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lên gần 3.5 tỷ đồng. Tổng cộng trong quý II, NCS lỗ hơn 24 tỷ đồng, cao hơn cả mức lỗ 19 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái và là quý lỗ nặng thứ hai kể từ doanh nghiệp này lên sàn (chỉ sau quý III/2020).

Kết quả này khiến lỗ lũy kế của NCS tăng lên 70 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, NCS lỗ ròng 44 tỷ đồng.

co nen dau tu co phieu hang khong anh 2

Sân bay ế ẩm, khách bay thưa thớt khiến doanh nghiệp dịch vụ phụ trợ hàng không gặp khó trong kinh doanh nửa đầu 2021. Ảnh: Hoàng Hà.

Dù Đà Nẵng là địa phương kiểm soát dịch bệnh tương đối tốt với chỉ 472 ca nhiễm mới tính từ 27/4 tới nay, công ty Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (Masco) vẫn phải điều chỉnh kế hoạch doanh thu giảm 8% về mức 89 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến âm 12,5 tỷ đồng.

Để sinh tồn trong dịch, Masco lên kế hoạch sẽ thực hiện phương án thanh lý toàn bộ xe taxi hiện có và giữ lại thương hiệu để phục hồi khi có điều kiện thuận lợi trong hoạt động kinh doanh taxi tại Đà Nẵng. Cuối năm ngoái, doanh nghiệp đã thanh lý 20 xe đầu tư trong giai đoạn 2012-2014.

Một ví dụ khác cho thấy sự khó khăn của kinh doanh dịch vụ phụ trợ hàng không trong năm 2021 là kết quả kinh doanh của Công ty CP Tập đoàn Taseco (AST), chủ của chuỗi cửa hàng Lucky Café, Lucky Restaurant, Lucky Souvenir, Lucky Gift Shop và Lucky Fast Food tại nhiều sân bay lớn.

Trong quý I, AST tiếp tục chịu lỗ ròng 31,8 tỷ đồng và là quý lỗ thứ 4 liên tục dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đã được tiết giảm mạnh. Năm 2021, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu đạt 317 tỷ đồng, giảm 12% so với thực hiện 2020 và lỗ dự kiến khoảng 84 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ của năm 2020.

Hàng không chở hàng thành hi vọng

Ngược dòng với nhóm doanh nghiệp trên, nhóm doanh nghiệp logistic hàng không liên quan đến hàng không chở hàng vẫn sống khỏe trong năm 2020 và quý I/2021. Đây là dấu hiệu cho thấy tác động của dịch bệnh tới hàng không chuyên chở hàng hóa là không đáng kể, thậm chí ngành này vẫn ghi nhận tăng trưởng ngay trong các đợt bùng phát Covid-19.

Theo số liệu từ Cục Hàng không, tỷ trọng doanh thu vận tải hàng hóa của các hãng hàng không Việt Nam đã tăng gấp 3 lần so với thời điểm trước dịch. Chở hàng từ chỗ là phần phụ so với kinh doanh chở khách đang trở nên ngày một hấp dẫn.

Theo đó, tỷ trọng doanh thu từ vận tải hàng hoá của Vietnam Airlines tăng từ 11,1% lên 31,4%. Con số tương ứng của Vietjet là 3% và 10%, trong khi của Bamboo Airways tăng từ 2,7% lên 8,2%.

Triển vọng từ mảng chở hàng là lý do vào giữa tháng 7, Vietnam Airlines tiết lộ về ý định muốn thành lập Vietnam Airlines Cargo chuyên vận chuyển hàng hóa.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, Chủ tịch Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa chia sẻ trong tháng 6, doanh thu chở hàng (thông thường chỉ chiếm 10%) đã vượt cả doanh thu chở khách. Đây là tiền đề cho Vietnam Airlines nghiên cứu lập một hãng bay chuyên chở hàng hóa sau dịch bệnh.

co nen dau tu co phieu hang khong anh 3

Giữa dịch bệnh, tỷ trọng doanh thu bay chở hàng của các hãng hàng không Việt vẫn ghi nhận tăng trưởng gấp 3 lần. Ảnh: HVN.

Trước đó vào đầu tháng 3, công ty CP IPP Air Cargo do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm chủ tịch vừa có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư và các bộ ngành liên quan xem xét chủ trương thành lập hãng hàng không chở hàng hóa phạm vi nội địa và quốc tế.

Dự án hãng hàng không chở hàng IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư theo hồ sơ là 2.400 tỷ đồng, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, 70% còn lại sẽ là vốn huy động. Cũng theo hồ sơ, hãng sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng trong năm đầu tiên hoạt động. Đến năm thứ 2, đội bay của hãng sẽ tăng lên 7 chiếc và năm thứ 3 tăng lên 10 chiếc.

IPP Air Cargo cho biết hãng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa vào năm đầu tiên, doanh thu đạt 71 triệu USD. Dự kiến đến năm thứ 4 kinh doanh, doanh nghiệp sẽ có lãi.

Trong tháng 6, doanh thu chở hàng (thông thường chỉ chiếm 10%) của Vietnam Airlines đã vượt cả doanh thu chở khách

Chủ tịch Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa

Vietjet Air cũng không đứng ngoài cuộc chơi chở hàng khi hãng đã thâu tóm startup chuyển phát đường hàng không Swift247. Thương vụ sáp nhập này lần đầu được công bố vào tháng 9/2020.

Sáp nhập Swift247 giúp Vietjet Air chạm tới thị trường chuyển phát hàng hóa nhỏ lẻ qua đường hàng không khi startup của con trai tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã sớm bắt tay với Grab để hoàn thiện mô hình giao nhận từ mặt đất tới hàng không cùng mạng chuyển phát khắp Đông Nam Á dựa trên độ phủ của Vietjet Air và Grab.

Dù đại diện các hãng bay Việt kỳ vọng vào những tín hiệu như sự khởi sắc của hàng không chở hàng, chiến dịch tiêm chủng vaccine, ứng dụng hộ chiếu sức khỏe IATA Pass hay sandbox đón khách du lịch quốc tế, các chuyên gia vẫn nhận định 2021 sẽ tiếp tục là năm khó khăn của hàng không Việt Nam.

Báo cáo mới đây của Agriseco Research cho rằng khó có thể kỳ vọng các doanh nghiệp hàng không hồi phục mức lợi nhuận về gần mức trước dịch ngay trong năm 2021.

Đơn vị này nhận định xu hướng cạnh tranh giữa các hãng hàng không nội địa sẽ tiếp diễn, với việc nguồn cầu thấp và dư cung như hiện tại, khó có thể kỳ vọng các doanh nghiệp hàng không có thể hồi phục mức lợi nhuận ngay trong năm 2021.

Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, dòng tiền của các doanh nghiệp hàng không đang cạn dần.

 
Theo zingnews.vn
Thực hư bọ biển siêu rẻ

Thực hư bọ biển siêu rẻ

Có phần thịt được đánh giá là ngon hơn tôm hùm nên bọ biển là một trong những loại hải sản có giá hàng triệu đồng. Nhưng thời gian gần đây, bọ biển được bán khắp trên chợ hải sản online với giá rẻ chưa từng thấy.
back to top