Hãng bay tăng số máy bay, cơ quan quản lý lo gặp khó tài chính

(khoahocdoisong.vn) - Ngày 14/8/2019, Bamboo Airways đã được đồng ý điều chỉnh chủ trương tăng quy mô đội bay lên 30 máy bay đến năm 2023. Để đạt mục tiêu này, thách thức về tài chính đối với Bamboo Airways là vô cùng lớn.

Cụ thể, theo Quyết định số 1014/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký ngày 14/8/2019, quy mô đội bay của Bamboo Airways đến năm 2023 được tăng lên thành 30 máy bay, gấp 3 lần so với cho phép trước đó. Điều chỉnh mới nữa, là hãng được khai thác loại máy bay thân rộng Airbus A330, A350, hoặc Boeing B787 (trước chỉ có máy bay thân hẹp). 

Tham vọng lớn của FLC

Một năm trước đó, Quyết định số 836/QĐ-TTg ngày 09/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) cho phép đến năm 2023 hãng bay này đầu tư 10 máy bay loại A320/A321 hoặc B737. Nhưng chỉ sau vài tháng tham gia bay, Bamboo Airways đã gần đạt tới hạn về quy mô 10 máy bay.

Tới trung tuần tháng 5/2019, Bamboo Airways trình hồ sơ lên Bộ GTVT xin điều chỉnh quy mô đội bay. Theo đó, hãng đề nghị điều chỉnh quy mô đầu tư từ 10 chiếc (đến 2023) lên 22 chiếc ngay trong năm 2019, và đạt mức trên 30 máy bay năm 2023. Cùng với đề xuất này, Bamboo Airways sẽ điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 700 tỷ đồng lên 8.300 tỷ đồng (tăng 7.600 tỷ đồng), gấp 11,8 lần kế hoạch ban đầu.

Cùng lúc, UBND tỉnh Bình Định (nơi Bamboo Airways đăng ký đầu tư) phát công văn đề nghị các bộ liên quan thẩm định đề xuất của hãng. Trả lời đề nghị của UBND tỉnh Bình Định, Bộ Tài chính có công văn yêu cầu làm rõ phương án tài chính của dự án.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh Bình Định rà soát, thẩm định các điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật vận tải hàng không theo quy mô tăng thêm của Bamboo Airways để phù hợp với quy định Việt Nam và quốc tế. Việc điều chỉnh quy mô gấp 3 lần phải gắn liền việc thẩm định năng lực khai thác cơ sở hạ tầng, năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý. Đây là dự án kinh doanh có điều kiện thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Và điều quan trọng nhất là Bộ Tài chính đề nghị các bên liên quan xem xét về hiệu quả kinh tế- xã hội và hiệu quả tài chính của dự án mở rộng này.

Theo tính toán của doanh nghiệp gửi tới các cơ quan quản lý, thì giá trị hiện tại ròng (NPV) của dự án khoảng 53,1 triệu USD Mỹ, suất sinh lời của dự án (IRR) giai đoạn 2019-2023 là 28%, thời gian hoàn vốn khoảng 5-6 năm. Giai đoạn 2023-2028, nhà đầu tư dự kiến tăng đội bay lên 150 chiếc, vốn điều lệ khoảng 8.343 tỷ đồng (tương đương 355 triệu USD).

Bộ Tài chính nhận xét, chỉ xét về hiệu quả kinh doanh, dự án đề xuất điều chỉnh quy mô khai thác tăng gấp 3 lần sau 5 năm, làm thay đổi phương án đầu tư kinh doanh nhưng chưa có thuyết minh cụ thể về hiệu quả dự án, phương pháp đảm bảo cân đối dòng tiền trong thời gian doanh thu chưa đủ bù đắp chi phí. Hiện doanh nghiệp mới bắt đầu kinh doanh từ đầu 2019, nhưng tính tới 30/4/2019, Bamboo Airway đang âm lợi nhuận sau thuế 329,4 tỷ đồng.

Nhưng còn vướng...

Dẫn ra số liệu tại Bảng cân đối kế toán ngày 30/4/2019 của Bamboo Airways, Bộ Tài chính cho biết vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp là 981,47 tỷ đồng (trong đó: vốn góp là 1.300 tỷ; lợi nhuận chưa phân phối là âm 318,5 tỷ đồng), tổng nguồn vốn là 2.200,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng nợ phải trả ngắn hạn của công ty là 1.219 tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 700,6 tỷ đồng, không có nợ dài hạn. Tỷ lệ Nợ phải trả/Tổng nguồn vốn là 55,4%, lợi nhuận sau thuế là lỗ 329,4 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, do doanh nghiệp mới bắt đầu khai thác kinh doanh hàng không vài tháng, nên tại thời điểm này chưa có đủ cơ sở để đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và năng lực huy động vốn đầu tư từ nguồn doanh thu khai thác để bù đắp khoản vốn đầu tư tăng thêm như trong thuyết minh điều chỉnh Dự án (huy động 7.000 tỷ đồng, chiếm 84,34% tổng mức đầu tư).

Đặc biệt, theo số liệu tại Bảng cân đối kế toán khoản phải thu về cho vay ngắn hạn tại thời điểm này là 1.062,4 tỷ đồng (chiếm 48,27% tổng tài sản). Có nghĩa, vốn góp chủ sở hữu của Bamboo Airways chủ yếu đang được sử dụng một phần để cho vay ngắn hạn. Nhưng báo cáo tài chính chưa có thuyết minh cụ thể về đối tượng vay, tài sản đảm bảo, phương án thu hồi các khoản vay. Vì vậy, có thể có những khó khăn trong việc thu hồi vốn để đáp ứng tiến độ triển khai dự án.

Văn bản của Bộ Tài chính chỉ ra những vướng mắc của Bamboo Airway.

Văn bản của Bộ Tài chính chỉ ra những vướng mắc của Bamboo Airway.

Bộ Tài chính cũng tham chiếu thêm báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập năm 2018 của CTCP Tập đoàn FLC - công ty mẹ của Bamboo Airways. Theo đó, tại thời điểm 31/12/2018, tổng nợ phải trả là 13.697 tỷ đồng, bằng 59,3% tổng tài sản. Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 146%. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng hoạt động kinh doanh của FLC phụ thuộc nhiều vào hình thức huy động vốn bằng vay nợ.

"Trong trường hợp Công ty FLC cam kết bảo lãnh thực hiện mọi nghĩa vụ của Bamboo Airways phát sinh từ các hợp đồng thuê, mua máy bay (như Nghị quyết của HĐQT Công ty FLC đã thực hiện trong năm 2018 để Bamboo Airways thuê máy bay) hoặc bất kỳ một nghiệp vụ kinh tế nào làm thay đổi sở hữu của Bamboo Airways, thì Công ty FLC và Bamboo Airways cần thiết phải có báo cáo làm rõ, giải trình về năng lực, khả năng tài chính để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, nghĩa vụ có liên quan, cũng như khả năng huy động vốn đầu tư được thuyết minh trong hồ sơ điều chỉnh Dự án" - Bộ Tài chính cho biết.

Từ đây, Bộ Tài chính yêu cầu Bamboo Airways phải phải bổ sung phương án huy động, thu hồi vốn để triển khai dự án và UBND tỉnh Bình Định phải giám sát, kiểm tra quá trình triển khai dự án này.

Theo ông Lại Xuân Thanh - chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, việc phát triển của các hãng hàng không phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là năng lực kiểm soát an ninh, an toàn. Ngoài các hãng bay đang hoạt động, hiện còn có Vinpearl Air, Vietravel Airlines, Thiên Minh Group... đang xếp hàng chờ cấp phép bay.

Do vậy, muốn phát triển thêm các hãng hàng không hay đội bay phải nhìn vào năng lực phát triển của nhà chức trách hàng không. Chúng ta còn phải tuân thủ quy tắc của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế theo barem rất cụ thể, một máy bay, một nhà khai thác thì phải có bao nhiêu người chăm lo cho việc kiểm soát an toàn khai thác, không thể cứ muốn tăng là tăng. 

Theo Đời sống
back to top