Hạn chế rác từ thực phẩm thừa, hỏng

(khoahocdoisong.vn) - Thực phẩm thừa, hư hỏng là nguồn rác thải rất lớn gây ô nhiễm môi trường. Tránh lãng phí thức ăn, giảm thiểu các thực phẩm thừa, hỏng từ chính gia đình là hành động vừa tiết kiệm vừa bảo vệ môi trường.

Thực phẩm cũng thành rác

Bà Nguyễn Hà Đan Quế, Trung tâm Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) cho biết, thực phẩm thừa, hỏng có thể chia làm 2 loại.

Thứ nhất đó là thực phẩm bị giảm số lượng, chất lượng do hạn chế trong khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, vận chuyển (food loss). Ví dụ do sâu bệnh, không bảo quản được, không tìm được nơi tiêu thụ. 

Thứ hai đó là thực phẩm bị giảm số lượng, chất lượng do hạn chế trong khâu tiêu thụ (food waste). Ví dụ, do quá hạn sử dụng, do người tiêu dùng mua thừa và không dùng đến, do thực phẩm “xấu” nên không được người tiêu dùng mua.

Các nghiên cứu đã chỉ ra, lượng thực phẩm bị sử dụng một cách lãng phí hoặc vứt bỏ hiện nay là 1,6 tỷ tấn/năm (tương đương 1.200 tỷ USD). Tính đến năm 2030, con số này là khoảng 2,1 tỷ tấn thực phẩm (tương đương 1.500 tỷ USD) - tức là mỗi giây trên thế giới sẽ có khoảng 66 tấn thực phẩm bị vứt bỏ (khoảng 30% lượng thực phẩm được sản xuất ra). 

Điều đáng nói việc thực phẩm thừa, hỏng không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội mà còn là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường (hoạt động xả thải thực phẩm đóng góp khoảng 8% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - nguyên nhân gây ra sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu). 

Ở Việt Nam, rác hữu cơ nói chung thường được chôn lấp, ép chặt trong các bãi rác. Trong môi trường thiếu oxy này, quá trình phân hủy của rác hữu cơ sẽ tạo ra khí mê-tan (CH4), khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh gấp 28 - 36 lần so với khí CO2.

Hãy giảm từ gia đình

Ở quy mô lớn, giảm thực phẩm thừa (từ cả 2 loại trên) được xếp thứ 3 cho những giải pháp hiệu quả nhất để giảm khí nhà kính, theo nghiên cứu từ dự án Project Drawdown. Ủ phân bón không phải giải pháp duy nhất để giảm lãng phí thực phẩm. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (United States Environmental Protection Agency), giải pháp cần ưu tiên nhất để giảm lãng phí thực phẩm là giảm thức ăn thừa từ quá trình sản xuất, sơ chế, vận chuyển, tiêu dùng, chế biến (từ nguồn), phân phối thức ăn còn tốt cho người cần, làm thức ăn chăn nuôi, chuyển hóa thành năng lượng, làm phân bón. Chôn lấp/đốt chỉ nên là phương án cuối cùng để xử lý rác thải thực phẩm.

Ở quy mô hộ gia đình, việc giảm thiểu rác nên thực hiện ngay. Theo cẩm nang Sống xanh của dự án GetGreen Việt Nam do Liên minh châu Âu tài trợ, đầu tiên hãy kiểm tra những thứ bạn đã có sẵn trong nhà để tránh mua thừa, lên danh sách các đồ cần mua trước khi đi chợ/siêu thị để kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm của mình nhằm hạn chế tình trạng lãng phí thực phẩm.

Một cách để giảm thực phẩm thừa, hỏng là áp dụng quy tắc “Cho vào trước thì dùng trước” (FIFO- first in first out). Bạn có thể áp dụng phương pháp này tại nhà bằng cách xếp thực phẩm mới vào phía trong và đẩy dần những thực phẩm cũ hơn ra ngoài để dùng trước. Bằng cách này, bạn sẽ không quên sử dụng thực phẩm trước khi chúng hết hạn. Bạn cần nhớ rằng, giảm thiểu rác thải từ thực phẩm hết hạn sử dụng không chỉ tiết kiệm mà đồng thời còn tránh tốn nhiên liệu để xử lý những rác thải đó. 

Ngoài ra, hãy tận dụng các thực phẩm thừa/hỏng để làm nguồn dinh dưỡng bón cho cây trồng. Thức ăn thừa được ủ trong một khoảng thời gian ngắn với đất hoặc lá khô sẽ trở thành phân bón hữu cơ giàu dinh dưỡng, có thể dùng để bón cho cây cảnh, vườn hoa. Vườn được bón bằng phân ủ cần ít nước và phân bón hơn mà vẫn phát triển tương đương như sử dụng phân bón hóa học, đồng thời giảm tỷ lệ mắc các loại sâu bệnh. Ủ phân đồng nghĩa với việc rác thực phẩm của bạn sẽ không bị chôn lấp ở bãi rác, giảm khí mê-tan trong đất, ngăn chặn ô nhiễm nguồn nước và những cây cối gần đó.

Vào năm 2011, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đã ước lượng lượng thực phẩm thừa (từ cả 2 loại trên) chiếm ⅓ tổng lượng thực phẩm được sản xuất trên thế giới.

Theo Đời sống
back to top