Hạn chế giao thương vì dịch nCoV, sản phẩm nông nghiệp lại "tái cơ cấu" lần nữa

(khoahocdoisong.vn) - Những ngày qua, nông lâm thủy sản Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề do tình trạng hạn chế giao thương biên giới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lạc quan cho rằng, đây cũng chính là cơ hội cho ngành nông sản đổi mới.
Hàng trăm xe thanh long, dưa hấu chờ thông quan ở cửa khẩu.

Hàng trăm xe thanh long, dưa hấu chờ thông quan ở cửa khẩu.

Cấp bách tìm giải pháp tháo gỡ

Trước tình hình dịch nCoV diễn biến phức tạp, phía Trung Quốc thông báo ngừng giao thương hàng hóa tại các cửa khẩu khiến hàng trăm xe đông lạnh chở hoa quả nông sản ùn ứ. Để tháo gỡ khó khăn cho nông lâm thủy sản, các bộ ngành và nhiều doanh nghiệp, người dân đã vào cuộc.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, bà con nông dân cần bình tĩnh, phối hợp với các sở, ngành địa phương, doanh nghiệp, tránh tư thương ép giá, lợi dụng tình hình. “Không bán được chỗ này thì bán ở chỗ khác, không xuất khẩu sang Trung Quốc được nhiều, thì ta chuyển hướng xuất khẩu sang các quốc gia khác” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo, các địa phương thông báo cho các doanh nghiệp không đưa xe hàng nông sản lên cửa khẩu nữa. Với những xe đã đưa lên đến cửa khẩu Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh rồi, thì gửi hàng vào các kho lạnh, nhà nước sẽ có hỗ trợ, để chờ thông quan. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh nghiêm trọng hơn Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng cửa thì cũng vẫn nhiều khó khăn. Do vậy, cần chủ động có các giải pháp ứng phó khác.

Nếu xảy ra kịch bản bùng phát dịch kéo dài nhiều tháng, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, các đơn vị ngành công thương các địa phương đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; ưu tiên thị trường nội địa. Tập trung chỉ đạo phối hợp với các địa phương, nghiên cứu điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng địa phương.

Ông Cường đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo các Đại sứ quán ở nước ngoài phối hợp với các cơ quan chức năng ở các nước đẩy mạnh toàn diện công tác phát triển thị trường nông lâm thủy sản, coi đây là công tác đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua, mở rộng công suất chế biến sâu nhằm cung ứng thị trường trong nước, đồng thời chủ động có các giải pháp để tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Ví dụ, ở Long An, nông dân không kích thích ra hoa trái vụ thanh long. 100/150 cơ sở trên địa bàn có kho đông lạnh có thể tập trung dự trữ, tăng chế biến và đưa ra các giải pháp để tiêu thụ ổn định chừng 30.000 tấn thanh long/tháng.

Các bộ ngành cũng đề nghị các doanh nghiệp bán lẻ như Hapro, BigC, VinMart… vào cuộc tiêu thụ mặt hàng thanh long. Riêng nhóm dưa hấu, Bộ trưởng chỉ đạo bà con nông dân và các địa phương hạn chế xuống giống, chuyển qua các cây trồng khác như: đậu tương, ngô, rau… Theo ông Cường, ngành nông nghiệp cần phải chuyển hướng sản xuất theo chuỗi, có liên kết. Như ở Sơn La, họ thành lập rất nhiều HTX nên hầu như không có tình trạng gặp khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm. Nếu không làm theo chuỗi, không tái cơ cấu, nông dân “không khóc vì con virus corona thì cũng có thể lao đao vì những dịch bệnh, biến động khác".

Ông Ngô Minh Long - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang khuyến cáo, người dân nên cắt bỏ trái ở đợt này để nuôi dưỡng cây chờ thu hoạch những đợt tiếp theo. Đối với những trái đã chín, gần tới thời điểm thu hoạch, nông dân cần tập trung lại để có thị trường lớn, phối hợp với các hợp tác xã để tiêu thụ bằng cách tăng sơ chế, chế biến.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail, cam kết BigC sẽ đẩy mạnh thu mua nông sản trong nước. Tuy vậy, đại diện siêu thị này cũng cho rằng các HTX, nông dân nên sản xuất hướng về thị trường nội địa.

“Trong cái khó, ló cái khôn”

Trái với dự đoán bi quan về việc nông sản Việt đang bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường lớn của Trung Quốc, đại diện các hiệp hội đều đã nêu cao tinh thần chủ động ứng phó với biến động lớn này.

Đối với ngành lâm sản, ông Nguyễn Tôn Quyền, Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của dịch cúm do virus corona, những lô hàng xuất khẩu dăm gỗ sang Trung Quốc đã giảm mạnh. Tuy nhiên đây là cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ, bởi xuất khẩu dăm gỗ mang lại giá trị không cao, không phát triển bền vững vốn rừng.

Ông Quyền phân tích: “Tới đây, khi xuất khẩu dăm gỗ giảm sẽ bổ sung nguồn nguyên liệu gỗ trong nước để sản xuất ván nhân tạo, MDF, tạo ra giá trị gia tăng cao. Trong 2 tuần qua, nhiều doanh nghiệp của ngành gỗ đã chuyển hướng. 3 - 4 doanh nghiệp chuyên làm dăm xuất khẩu đã mua thiết bị để sản xuất gỗ ván ép, gỗ nhiên liệu. Nhà nước cần xem xét tạo điều kiện về lãi suất ưu đãi hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển hướng, mua thiết bị để sản xuất, chế biến sâu nông lâm thủy sản, biến thách thức thành cơ hội.

Việc ngừng trệ thương mại với Trung Quốc cũng gây khó khăn ở vấn đề phụ kiện nguyên liệu cho sản xuất đồ gỗ, bởi phần lớn các phụ kiện như: bản lề, khóa, đinh vít… đang phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào sản xuất các sản phẩm phụ trợ của ngành đồ gỗ.

Còn đối với ngành thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam (Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam) cho biết, rủi ro có, nhưng cũng có một số cơ hội. Có 2 cơ hội thúc đẩy tranh thủ sản xuất. Thứ nhất là sản xuất hàng đồ hộp, đông lạnh. Những sự kiện như thế này sau 3-5 tháng, sự điều chỉnh văn hóa tiêu dùng rõ rệt, không ăn sống nhiều, hàng tươi sẽ ít đi, nhưng hàng đồ hộp, đông lạnh sẽ có nhu cầu lớn.

Cơ hội thứ hai là gia tăng xuất khẩu một số mặt hàng cạnh tranh sang các quốc gia khác. Một số ngành Trung Quốc đang cạnh tranh với Việt Nam như cá ngừ. Trung Quốc là 1 trong 5 nước bán cá ngừ lớn nhất thế giới. Hiện nay các nước không mua cá ngừ Trung Quốc nên giá giảm sâu. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam gia tăng thị phần, giá cả.

Một điểm bán dưa hấu tại Hà Nội.

Một điểm bán dưa hấu tại Hà Nội.

Trong những ngày qua, do không thể xuất khẩu sang Trung Quốc, rất nhiều xe container chở dưa hấu, thanh long đã phải quay ngược về Hà Nội để tiêu thụ trong nước. Đông đảo người dân trong nước đã ủng hộ mua nông sản với giá gốc. Một lượng lớn dưa hấu giá 8.000đ/kg đã được tiêu thụ. Một điểm bán cho biết, chỉ trong vài ngày đã tiêu thụ hết gần 10 tấn dưa hấu.

Theo Đời sống
back to top