Hại sức khỏe vì ngủ bù

(khoahocdoisong.vn) - Thức khuya, đi ngủ muộn, ngủ bù là thói quen của không ít người trong cuộc sống hiện đại, gây ra nhiều hệ lụy.

Ngủ ngày không sâu

BS Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên Bộ Y tế cho biết, nhiều người vì tính chất công việc, học tập, thậm chí đơn giản chỉ là do thói quen, lối sống nên thường thức khuy, đi ngủ muộm. Việc ngủ muộn khiến cho giấc ngủ ban đêm bị thiếu hụt. Để bù đắp sự thiếu hụt, nhiều người ngủ bù vào ban ngày.

Ở một góc độ nào đó, việc thiếu ngủ và bù ngủ là việc tốt. Thực tế, cùng với ăn uống, vận động..., ngủ là một trong những nhu cầu thiết yếu không thể thiếu của cong con người. Thiếu ngủ, con người sẽ suy kiệt sức lực, hao mòn thân thể, chóng già, sinh bệnh tật, làm cho làn da chóng nhăn, khô và sạm...

Chính vì vậy, khi thiếu ngủ, bạn cần ngủ bù để bù đắp lại sự thiếu hụt, giúp cơ thể có thời gian nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên thiếu ngủ vào ban đêm và ngủ bù vào ban ngày nó sẽ tạo ra hệ lụy rất xấu. Nó không chỉ đơn giản là thay đổi nhịp thức- ngủ của con người, mà quan trọng hơn, giấc ngủ bù của ban ngày hoàn toàn khác với giấc ngủ ban đêm. Nếu ban đêm chúng ta thường có giấc ngủ sâu, thì ngược lại vào ban ngày, bạn ít khi có giấc ngủ sâu vốn rất cần thiết cho não và các bộ phận khác của cơ thể.

Lý giải tình trạng ngủ ngày không sâu giấc, TS Nguyễn Phan Kiên, Viện Điện tử Viễn thông, Đại học Bách Khoa cho biết, hầu hết chúng ta đều làm việc vào ban ngày và ngủ vào ban đêm, và hầu như không ai đặt câu hỏi tại sao ban đêm chúng ta rất dễ buồn ngủ và có giấc ngủ sâu trong khi ban ngày khi không. Câu trả lời là bởi sự tác động của ánh sáng và bóng tối.

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra ánh sáng và bóng tối ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản sinh melatonin, một loại hormone quy định nhịp thức- ngủ của con người.

Theo TS Nguyễn Phan Kiên, melatonin do tuyến tùng của cơ thể tạo ra. Khi mặt trời lặn, tuyến tùng được kích hoạt và bắt đầu chủ động sản xuất melatonin và lượng melatonin này được đưa vào máu. Thông thường, điều này xảy ra khoảng 9 giờ tối. Lúc này mức độ melatonin trong máu tăng mạnh và bạn bắt đầu cảm thấy buồn ngủ và ngủ sâu. Vào ban ngày, melatonin khó sản xuất bởi ánh sáng. Đây là lý do vào ban ngày chúng ta rất khó ngủ và giấc ngủ thường rất chợp chờn.

Điều đáng nói, theo các chuyên gia, khi giấc ngủ không sâu thì não sẽ không được nghỉ ngơi đầy đủ, các cơ trong cơ thể cũng không được thư giãn hoàn toàn. Ngoài ra, lượng oxy trong não tiêu thụ trong giấc ngủ ngày sẽ nhiều hơn giấc ngủ đêm nên khi ngủ dậy, bạn sẽ thường thấy mệt mỏi hoặc đau đầu, chóng mặt, stress.

BS Hoàng Xuân Đại: Ngoài giấc ngủ đêm, bạn có thể thêm một giấc ngủ trưa ngắn để cho não và cơ thể nghỉ ngơi sau một buổi sáng làm việc vất vả. Tuy nhiên, giấc ngủ trưa chỉ nên là giấc ngủ ngắn, tránh ngủ trưa quá 1 tiếng đồng hồ.

Rối loạn bữa ăn

Không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ, theo BS Hoàng Xuân Đại, việc bạn ngủ bù vào ban ngày còn ảnh hưởng đến bữa ăn và nhu cầu nạp dinh dưỡng của cơ thể.

Theo BS Hoàng Xuân Đại, cơ thể bao giờ cũng có một lượng năng lượng dự trữ nhất định. Khi chúng ta không nạp năng lượng (bỏ một bữa nào đó trong ngày) nguồn năng lượng dự trữ sẽ được mang ra để bù đắp. Đấy chính là lý do vì sao, chúng ta bỏ bữa, nhịn ăn một bữa nào đó trong ngày, chính ta vẫn sống, vẫn tồn tại được. Nhưng nếu chúng  ta bỏ bữa thường xuyên, nó khiến cơ thể mất cảm giác no- đói, khiến bạn ăn thật nhiều vào bữa ăn sau, hoặc làm bạn thay đổi thói quen ăn uống khoa học.

Điều đáng nói, khi chúng ta ngủ bù, chúng ta sẽ rất dễ rơi vào tình trạng bỏ bữa hoặc rời bữa sang một khung thời gian khác. Ví dụ, 12 giờ đêm bạn đi ngủ và dậy vào 10 sáng ngày hôm sau, chắc chắn bạn sẽ bỏ bữa  sáng hoặc nếu ăn bữa sáng vào lúc 10 thì sẽ lại ảnh hưởng đến bữa trưa của bạn.

Các chuyên gia khuyên, tốt nhất bạn cần ngủ đủ giấc vào ban đêm, tránh tình trạnh thức khuy, ngủ bù vào ban ngày. Tốt nhất, bạn cần đảm bảo ngủ đủ giấc vào ban đêm 7-8 tiếng/ ngày. Nên đi ngủ sớm và đúng giờ vào buổi tối và dậy đúng giờ vào ngày hôm sau.

Theo Đời sống
back to top