Hải kim sa chữa viêm nhiễm đường tiểu

(khoahocdoisong.vn) - Hải kim sa thảo hay còn gọi là cây thòng bong, thạch vỹ dây, có tên khoa học là Lyofodium japonium thường dùng lá và hạt, có khi để nguyên hoặc tán bột dùng. Lá hải kim sa lá thường gọi hải kim sa thảo, hạt thường gọi hải kim sa.

Hải kim sa mọc hoang nhiều nơi. Hải kim sa có vị ngọt, tính hàn, vào kinh bàng quang trị các chứng tiểu buốt gắt, tiểu khó, tiểu có sạn.

- Trị các chứng lâm (viêm nhiễm ở đường tiểu): Hải kim sa phơi trong râm cho khô, tán bột, ngày uống 8g với nước sắc cam thảo.

- Trị trẻ nhỏ tiểu nhỏ giọt, tiểu không thông: Cam thảo, hải kim sa, hoạt thạch, uất kim lượng bằng nhau, ngày uống 8g với nước địa phu tử.

- Toàn thân phù thũng, bụng trướng như cái trống, nằm không thở được: Hải kim sa 15g, khiên ngưu tử 30g, cam toại 15g, tất cả tán bột mịn, trộn đều. Mỗi lần dùng 8g bột thuốc sắc với một bát nước, uống vào trước bữa ăn hằng ngày.

- Chữa viêm gan: Hải kim sa 15g, nhân trần 30g, xa tiền thảo 20g sắc nước uống mỗi ngày một thang.

- Chữa ăn uống chậm tiêu, bụng trướng đầy do thấp trệ (tỳ thấp trướng mãn): Hải kim sa 30g, bạch truật 8g, cam thảo 2g sắc nước uống mỗi ngày một thang.

- Trị sỏi bàng quang: Cồ mạch 12g, hải kim sa 9g, kim tiền thảo 30g, hoạt thạch 9g, cam thảo 4g sắc uống.

Nhân dân thường dùng toàn cây hải kim sa sắc uống làm thuốc thông tiểu tiện, chữa chứng tiểu tiện khó khăn, đái rắt, đái buốt, đái ra cát sạn; đại tiện táo bón; chữa chấn thương ứ máu (uống trong, bó ngoài); giã nát đắp các vết thương phần mềm, vết loét, chín mé, mụn rộp loang vòng; có người còn dùng làm thuốc lợi sữa. Ở Trung Quốc người ta dùng toàn cây chữa lỵ, đái ra cát sạn, ngoại thương xuất huyết, viêm bàng quang, viêm thận mạn tính. Lưu ý, người thận dương hư, tiểu nhiều không nên dùng.

Lương y Minh Phúc (nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y Vũng Tàu)

Theo Đời sống
back to top