Hai kịch bản di chuyển của bão Conson trên Biển Đông

Các mô hình dự báo hướng đi và cường độ của bão Conson đang bị phân tán. Có kịch bản cho rằng bão có thể đi vào vịnh Bắc Bộ hoặc suy yếu ngay khi vượt đảo Hải Nam.
Dự báo đường đi của bão Conson gần Biển Đông Sau khi vào Biển Đông, bão Conson di chuyển chủ yếu theo hướng tây bắc, vận tốc 15-20 km/h và liên tục mạnh lên. Hình thái này có thể đạt cường độ mạnh nhất cấp 10-11, giật cấp 13.

Thông tin trên được ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đưa ra tại cuộc họp trực tuyến ứng phó với bão Conson của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, sáng 8/9.

Theo nhận định đưa ra cùng ngày của cơ quan khí tượng, tâm bão Conson đang hoạt động trên khu vực miền Trung Philippines. Lúc 7h sáng 8/9, bão duy trì sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 11. Với cường độ này, bão khả năng di chuyển vào Biển Đông trong đêm nay.

Mô hình dự báo bão bị phân tán

Theo ông Mai Văn Khiêm, bên cạnh bão Conson, ngoài khơi Philippines còn một cơn bão khác tên Chanthu vừa hình thành và duy trì cường độ mạnh, những ngày tới có thể đạt cấp siêu bão. Do chịu tương tác với cơn bão này và tác động của áp cao cận nhiệt đới, hướng đi và cường độ của Conson có thể thay đổi.

Các mô hình dự báo của cơ quan khí tượng quốc tế và Việt Nam cho bão Conson còn sự phân tán. Hiện, có kịch bản cho rằng bão có thể đi lệch xuống khu vực Bắc Trung Bộ, nhưng cũng có mô hình nhận định bão suy yếu dần sau khi đi vượt qua quần đảo Hoàng Sa và tiến vào đảo Hải Nam (Trung Quốc).

"Cân nhắc các mô hình dự báo, chúng tôi đưa ra nhận định ban đầu là bão đi theo hướng tây bắc với vận tốc 20 km/h, hướng về vịnh Bắc Bộ. Bão sẽ đạt cường độ mạnh nhất cấp 11 khi đi qua quần đảo Hoàng Sa và khi tiến gần về đảo Hải Nam thì suy yếu dần", ông Khiêm nói.

bao Conson sap vao Bien Dong anh 1
Dự báo hướng đi của bão Conson sắp vào Biển Đông. Ảnh: VNDMS.

Với hướng di chuyển và cường độ này, đại diện cơ quan khí tượng cảnh báo bão gây gió mạnh trên toàn bộ khu vực Biển Đông trong các ngày 9 đến 11/9. Trong đó, vùng biển ở khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 11 vào ngày 10/9. Sóng biển cao 3-5 m.

Về tác động trên đất liền, ông Khiêm cho biết do bão còn ở xa và hướng di chuyển sau khi vào Biển Đông còn thay đổi, nên cơ quan khí tượng chưa thể đưa ra nhận định cụ thể về lượng mưa do bão gây ra.

Tuy nhiên, dự báo ban đầu cho thấy bão có thể gây ảnh hưởng trực tiếp cho các khu vực từ Bắc Bộ đến Bắc Trung Bộ. Nếu theo kịch bản di chuyển và cường độ bão như hiện tại, bão có thể đi vào vịnh Bắc Bộ và gây ra đợt mưa 200-300 mm cho các tỉnh Bắc Trung Bộ và phía nam Đồng bằng Bắc Bộ.

"Do phân bố mưa phụ thuộc rất lớn vào hướng đi và cường độ của bão, chúng tôi sẽ có nhận định cụ thể về lượng mưa trên đất liền sau khi bão đi vào Biển Đông và không còn sự tương tác với các hình thái khác", ông Khiêm cho biết.

Ngoài ra, ông lưu ý trước khi chịu ảnh hưởng do bão, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục mưa dông trong những ngày tới. Đêm nay (8/9), mưa lớn tập trung ở các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và Sơn La, Hòa Bình, lượng 70-120 mm cả đợt, có nơi trên 150 mm.

Tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, mưa lớn tiếp diễn với lượng 150-250 mm/đợt, có nơi trên 300 mm. Mưa kéo dài đến hết ngày 9/9 với nhiều nguy cơ lũ quét, sạt lở ở các tỉnh miền núi.

Dự kiến sơ tán trên 250.000 dân

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cho biết cơ quan này đã chủ động chỉ đạo, triển khai công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với bão và mưa lớn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương.

Với kịch bản đang được đưa ra, một số địa phương đã rà soát phương án sơ tán dân trong trường hợp bão mạnh và mưa lớn diện rộng. Tại khu vực ven biển, các địa phương dự kiến sơ tán gần 74.000 người dân.

Ngoài ra, các tỉnh có thể nằm trong vùng ảnh hưởng của bão dự kiến sơ tán trên 114.000 dân ở khu vực ven sông và ngoài đê; còn khu vực có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất lên kế hoạch sơ tán 70.000 dân.

Như vậy, tổng số dân dự kiến được sơ tán trước khi bão đổ bộ là hơn 250.000. Các tỉnh đang tiếp tục tổng hợp, rà soát phương án sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm theo từng kịch bản về diễn biến thiên tai có khả năng xảy ra trong đợt này.

Tuy nhiên, việc triển khai các hoạt động phòng, chống thiên tai trong điều kiện Covid-19 sẽ gặp nhiều khó khăn, dự kiến phát sinh tình huống không lường trước được. Các tỉnh vì thế phải tiếp tục rà soát kỹ, chi tiết, cụ thể để tránh bị động, bất ngờ.

bao Conson sap vao Bien Dong anh 2
Cuộc họp ứng phó với bão Conson được tổ chức trực tuyến sáng 8/9 với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương. Ảnh: Ngọc Hà.

Ông Lê Thành Công, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế, cho biết Bộ đã ban hành công văn về việc chủ động ứng phó với thiên tai, mưa lũ bão lớn trong bối cảnh dịch bệnh.

Theo đó, các địa phương phải theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến bão Conson, tình hình mưa lũ để sẵn sàng phương án cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng do mưa bão, đồng thời xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho các bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly.

Về nguy cơ bão đổ bộ vào "vùng đỏ", đại diện Bộ Y tế cho biết tùy tình huống thực tế, các địa phương vẫn phải đảm bảo quy định phòng, chống dịch, nhất là khu vực cách ly, phong tỏa. Nhưng trong điều kiện bão lũ, công tác đảm bảo an toàn cho người dân là trên hết.

Vì vậy, khu vực nào chịu ảnh hưởng bởi thiên tai khi cần thiết thì vẫn phải sơ tán dân, đồng thời các địa phương chủ động ứng phó kịp thời với các tình huống.

Ông Trần Quang Hoài, Phó ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, cho biết Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể về phương án sơ tán dân ứng với nguy cơ dịch bệnh tại từng khu vực. Cơ quan thường trực về phòng, chống thiên tai sẽ có công văn gửi cho lãnh đạo Bộ Y tế để phối hợp trong việc đôn đốc, hướng dẫn địa phương thực hiện việc này.

Theo zingnews.vn
back to top