Hại đủ đường từ thói quen đốt rơm rạ

(khoahocdoisong.vn) - Đốt rơm rạ là một trong những tác nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, làm thế nào để thay đổi thói quen này của người dân?

Áp dụng công nghệ xử lý sau thu hoạch

Ngày 27/1, Sở TN&MT Hà Nội phối hợp Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, Trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng tổ chức Hội thảo “Quản lý rơm rạ trên địa bàn TP Hà Nội - Hiện trạng, thách thức và cơ hội”. Ông Mai Trọng Thái,  Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết, kết quả kiểm kê phát thải do Sở TN&MT phối hợp với Trung tâm nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa đã tiến hành, tỷ lệ đốt rơm rạ giảm rõ rệt so với các năm trước. Tuy vậy việc chưa quản lý được hoạt động này khiến tình trạng ô nhiễm không khí vẫn ngày càng gia tăng.

PGS.TS Phạm Quang Hà, Phó Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp cho rằng, để giảm triệt để việc đốt rơm rạ, ngoài các giải pháp chính trước mắt như tăng cường tuyên truyền vận động, tận dụng rơm rạ, hỗ trợ kinh phí chế phẩm sinh học… cần thực hiện tốt giải pháp lâu dài là áp dụng mô hình khép kín và xử lý sau thu hoạch, phải có quy hoạch tổng thể, thay đổi cây trồng, vai trò của cây lúa. Tất cả các hộ sản xuất trồng trọt đăng ký hình thức xử lý phế phủ phẩm trước khi gieo trồng, bảo đảm không đốt rơm rạ. Cán bộ cấp thôn, làng, hợp tác xã thành lập tổ giám sát về việc thực hiện, cam kết… Thúc đẩy truyền thông, hướng dẫn cho từng hộ gia đình và xử phạt nếu còn tình trạng đốt rơm rạ.

Nói về việc sẽ xử phạt nghiêm người dân đốt rơm rạ, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, khi đốt rơm rạ, một lượng bụi mịn có đường kính nhỏ sẽ đi sâu vào phổi, máu của người hít phải. Chính điều này sẽ gây nên các bệnh về đường hô hấp cấp tính và mạn tính. Nếu như với ô nhiễm bụi bình thường, dùng khẩu trang có thể ngăn chặn được, còn với bụi mịn, khẩu trang cũng vô ích.

Để nói không với đốt rơm rạ, cần khuyến khích các mô hình sản xuất sử dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp; xây dựng tiêu chí thi đua, khen thưởng cho các địa phương làm tốt công tác thu gom, xử lý rơm rạ hiệu quả. Ngoài ra, cần xử lý nghiêm đối với hành vi cố tình đốt rơm, rạ", ông Tùng nói.

Đốt rơm rạ có hại hơn có lợi

Nhiều nông dân cũng cho rằng, việc đốt rơm rạ mang lại nhiều tiện lợi như không tốn công xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau khi thu hoạch, đồng thời tiêu diệt được mầm mống dịch hại... Tuy nhiên, theo chuyên gia nông nghiệp, GS.TSKH Nguyễn Quang Thạch, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, việc đốt rơm, rạ ngay trên đồng ruộng không chỉ làm ảnh hưởng tới môi trường sống, sức khỏe con người mà còn gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông, làm mất chất dinh dưỡng của đất, tiêu diệt các loại thiên địch có ích, dẫn đến phát sinh nhiều dịch bệnh hại lúa. Việc đốt rơm rạ là nguyên nhân gây thoái hóa đất và ô nhiễm môi trường, đặc biệt ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân.

Khi đốt, các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất sẽ biến thành chất vô cơ nên tro than của rơm rạ cũng chỉ cung cấp được một lượng dinh dưỡng rất nhỏ cho đồng ruộng. Trong khi việc nung đốt ở nhiệt độ cao sẽ làm cho một lượng nước lớn trong đất bị bốc hơi. Nếu đốt đồng nhiều lần và lâu dài sẽ làm cho đất biến chất và trở nên chai cứng. Một tác hại khác của đốt rơm rạ là gây ô nhiễm môi trường. Bởi lẽ khi đốt rơm rạ, không chỉ có khí CO2 (dioxid carbon) thải vào không khí, mà các khí độc khác như CH4 (metan), khí CO (cacbon monoxid) và một ít khí SO2 (dioxid sunfur) cũng thải vào.

Theo Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), trong 1 tấn rơm chứa 5 - 8kg đạm; 1,2kg lân; 20kg kali; 40kg silic và 400kg carbon. Do vậy, đốt bỏ rơm rạ cũng có nghĩa là đã bỏ đi một lượng phân bón, chất dinh dưỡng cần thiết cho cây lúa, đây là một nguồn tài nguyên trong nông nghiệp mà người nông dân chưa biết tận dụng.

Theo các chuyên gia, nếu không có điều kiện đem rơm ra khỏi đồng ruộng thì nên xử lý bằng cách cày vùi, để duy trì lượng đạm trong đất. Tuy nhiên, để cho rơm rạ phân hủy tốt hơn, nhanh hơn, không gây ngộ độc hữu cơ cho ruộng lúa, bà con có thể dùng chế phẩm sinh học phun lên rơm rạ trước khi cày xới. Việc cày vùi rơm rạ vào đất sẽ tạo cho đất có nhiều chất hữu cơ, giúp cho cây lúa bén rể tốt hơn.

Theo KH&ĐS
back to top