Hai bài thuốc tâm đắc của Hải Thượng Lãn Ông

(khoahocdoisong.vn) - Y học phương Đông có khoảng một vạn bảy nghìn bài thuốc, điều trị hầu hết mọi lĩnh vực bệnh tật. Dưới đây chúng tôi trích giới thiệu hai bài của Hải thượng Lãn Ông và phân tích ý nghĩa kỳ diệu của bài thuốc.

Y tổ Hải Thượng Lãn Ông- Lê Hữu Trác, không những  có lý luận uyên bác, cao siêu của nền y học phương Đông, mà thực tiễn lâm sàng của cụ cũng hết sức nhuần nhuyễn sâu sắc trong hầu hết các chuyên khoa. Sau 20 năm đọc Hải thượng y tông tâm lĩnh của cụ, chúng tôi đã nhận thức được những bài thuốc quí để điều trị chứng âm huyết và tinh dịch bị tổn thương dẫn đến hư suy. Đã áp dụng nó trên lâm sàng, điều trị cho một số bệnh nhân có kết quả tốt. 

Bài “Bổ âm ích dương phươnggồm: Sâm bố chính 20g (nếu không có thay bằng sâm cao ly), chích cam thảo 8g, đương qui (tẩm mật, rượu sao) 20g, hoàng kỳ (tẩm nước phòng phong sao) 80g, long cốt 8g, lộc nhung (khô, tẩm rượu sao) 8g, mẫu lệ 8g, phục linh (tẩm sữa) 12g.

Hoàng kỳ để bổ khí nhưng mang tính nhu nhuận phần âm, để làm tăng sức mạnh của hoàng kỳ, phải sao với nước phòng phong. Đương quy vị cay, mùi thơm có tác dụng bổ âm huyết và sinh huyết mới, là một thành phần của âm dịch. Lộc nhung là tinh huyết của hươu, bổ cả âm và cả dương. Sâm bố chính là bổ huyết kiêm bổ khí, có tác dụng làm cho dương phát sinh, để giúp cho âm lớn mạnh. Phục linh có vị nhạt tính thẩm thấu được tẩm với sữa làm giảm bớt tính ráo để bổ tỳ sinh ra âm dịch. Chích cam thảo làm ấm trung khí của tỳ vị, nhờ nó mà giữ dương khí lại trong âm khí. Long cốt tính sáp dùng nó để giữ yên phách của can (gan), có tác dụng nuôi dưỡng thần trong tâm (tim). Mẫu lệ có tác dụng liễm mồ hôi nhưng dùng trong bài thuốc này là để sáp tinh, giữ cho trong âm có dương, trong dương có âm.

Như vậy chất khí của thuốc có thể bổ huyết, làm cho khí có ích hơn trong chữa bệnh. Khi dùng bài thuốc này người bệnh huyết không bị tiêu hao, mà càng thêm nhu nhuận, không bị tích trệ. Khí không sợ bế tắc mà dễ lưu thông hơn, âm dương cùng bổ, khí huyết đều được tư nhuận, bệnh sẽ chóng khỏi. Bài thuốc điều trị khi bệnh nhân mắc chứng vong âm, thoát dương, ban ngày mồ hôi tự ra, ban đêm ra mồ hôi trộm, người ấm nhưng tay chân giá lạnh. Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn hoặc lúc đói.

Bài “Bổ âm liễm dương an thần phương gồm: Bạch thược 20g, cao ban long 12g, đại táo 3 quả, đan sâm 6g, liên nhục 6g, mạch môn 8g, ngũ vị tử 4g, phụ tử (chế) 3,2g, phục thần 8g, thục địa 40g, viễn chí (sao) 6g. 

Thục địa vị ngọt tính ôn có tác dụng vào các kinh  tâm, can, thận để đại bổ âm huyết trong châm âm làm vị chính. Bạch thược vị đắng hơi chát chua vào các kinh phế (phổi), tỳ (tiêu hóa) và can (gan) có tác dụng bổ huyết hòa huyết, thu liễm dương khí vào âm huyết để tạo ra huyết mới. Đan sâm có tác dụng ích khí dưỡng âm, công dụng của nó như một bài tứ vật thang, vì giá trị bổ âm của nó toàn diện. Phục thần vị ngọt tính bình vào các kinh tâm, thận, tỳ, vị có tác dụng bổ tâm an thần, làm cho thần trong tâm yên ổn để điều hòa âm huyết, để trị chứng hay quên và mất ngủ. Viễn chí có vị đắng cay tính ấm, có tác dụng bổ thận ích tinh, nuôi dưỡng thần của tâm để tăng cường trí nhớ làm cho tâm không hồi hộp. Liên nhục vị ngọt sáp, tính bình, vào các kinh tâm, tỳ, thận để bổ âm huyết của tâm, lưu thông huyết mạch, giữ vững tinh thần làm cho tâm và thận được yên ổn. Mạch môn vị ngọt, tính hàn, vào các kinh tâm, phế, vị (dạ dày), có tác dụng thanh tâm huyết, nhuận phế, dưỡng vị để sinh âm dịch, điều hòa huyết dịch, có tác dụng tiêu khát trừ phiền. Ngũ vị tử vị chua tính ôn vào kinh phế và thận để bổ phế, nhuận thận giúp cho thận tàng trữ được nhiều nguyên khí, làm cho thần ở tâm, hồn ở can được yên tĩnh, trừ được cái phiền sinh ra khi có việc bức xúc làm cho khí của phế kim hao tán. Cao ban long là vị thuốc có tinh huyết hữu hình, có tác dụng bổ thận âm để sinh ra tinh huyết được nhanh và nhiều, giúp cho da thịt hồng hào khỏe mạnh đó là các vị thuốc dùng làm tá để trợ giúp cho Quân và Thần phát huy toàn diện trong việc chữa bệnh. Phụ tử vị cay ngọt tính đại nhiệt lưu hành khắp cả 12 kinh mạch có tác dụng bổ cả âm khí và dương khí,  dùng làm Sứ trong bài để dẫn thuốc vào các tạng phủ.

Bài thuốc có tác dụng điều trị chứng âm hư hỏa vượng, sinh ra nội nhiệt, phiền khát, nóng âm ỉ trong xương, mất ngủ kéo dài, ăn uống kém dẫn đến cơ thể suy kiệt. Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn hoặc lúc đói. Bài thuốc đã dùng điều trị cho một số bệnh nhân tiểu đường rất hiệu nghiệm.

                            TTND.BS cao cấp Nguyễn Xuân Hướng

Theo Đời sống
back to top