Hà Tông Quyền – bước đường hoạn lộ gập ghềnh

Hà Tông Quyền – bước đường hoạn lộ gập ghềnh, dù có tài văn thơ nhưng cứ ba bốn năm ông lại bị một lần quở trách hoặc giáng phạt với lý do không đâu vào đâu.

Hình minh họa.

Nhất độc thập hàng

Hà Tông Quyền (1798 -1839), sau đổi là Hà Quyền do kiêng tên húy của Thiệu Trị (Miên Tông), tự Tốn Phủ, hiệu Phương Trạch, biệt hiệu là Hải Ông; là nhà thơ và là quan nhà Nguyễn.

Đời Lê sơ, tổ tiên Hà Tông Quyền ở Can Lộc, Hà Tĩnh. Tới đời Lê Trung hưng di cư ra Yên Định, Thanh Hóa; thời kỳ này, có Hà Tông Huân đỗ Tiến sĩ.

Về sau, tổ tiên ông lại di cư ra ở làng Cát Động, Thanh Oai, phủ Ứng Hòa, trấn Sơn Nam (nay thuộc thị trấn Kim Bài, Thanh Oai, thành phố Hà Nội). Đến đời Hà Tông Quyền thì tổ tiên ông đã định cư ở Cát Động tới ba hoặc bốn thế hệ.

Theo Đại Nam liệt truyện, cha Hà Tông Quyền là Hà Tông Đồng, đỗ cử nhân đời Lê, không ra làm quan, mà mở trường dạy học trong làng. Cha mất sớm, mẹ là người họ Trịnh, tần tảo nuôi con khôn lớn, ông được học hành đến nơi đến chốn là nhờ bà mẹ đảm đang này.

Tương truyền, từ nhỏ ông đã nổi tiếng thần đồng, có tài đọc sách rất nhanh, một thoáng liếc mắt có thể đọc được tới chục hàng chữ (nhất độc thập hàng).

Truyện Hà Quyền chép trong Phương Trạch Hà Tốn Phủ truyện có câu: “Dạ tĩnh thường văn độc thư thanh” nghĩa là đêm thanh vắng thường nghe tiếng (ông) đọc sách.

Khi các thầy đồ trường làng “hết chữ”, ông khăn gói về Thăng Long theo học tại trường của Phạm Quý Thích và Bùi Huy Bích. Ở đây, ông kết bạn với Nguyễn Văn Siêu, Ngô Thế Vinh và Vũ Tông Phan…

Bị cách chức vì sai sót khi duyệt tài liệu

Năm Tân Tỵ (1821) đời Minh Mạng, ông thi đỗ Hương Cống (cử nhân). Năm sau (1822), khi nhà Nguyễn bắt đầu mở khoa thi Hội, ông lên đường vào Huế ứng thí và đỗ Tiến sĩ Hội nguyên, trở thành một trong những ông nghè khai khoa cho Triều Nguyễn.

Sau khi thi đỗ, Hà Tông Quyền lần lượt giữ các chức Tri phủ Tân Bình, Tham biện Quảng Trị, Thự thiêm sự bộ Công, Thái thường tự Thiếu khanh, Hữu Thị lang bộ Lễ, Hàn lâm viện Kiểm thảo; ông hết lòng lo liệu việc dân, việc nước, nổi tiếng văn chương đương thời.

Năm 1831, ông thăng làm Hữu Thị lang bộ Hộ, nhưng chủ yếu coi việc Nội các. Cuối năm này, vì sơ suất nhỏ trong việc duyệt tài liệu mà bị cách mọi chức tước và bị đi hiệu lực sang Bali – thuộc quần đảo Nam Dương.

Về việc này, sách Đại Nam thực lục chép như sau: “Mùa đông, tháng 11, năm Tân Mão (1831), Hộ bộ Thị lang sung Nội các là Hà Quyền bị tội, mất chức, trước kia được giao bài thơ “Thu thành phân số” của nhà vua làm, dưới chỗ chú thích có chữ Thanh Xuyên huyện, người thuộc viên ở Nội các viết lầm là Thanh Châu.

Vua hỏi Quyền, Quyền hoảng sợ, tâu: Trót theo tờ sớ của trấn. Sau biết là lầm, bèn lén đem chữa lại tờ sớ để cho đúng với lời tâu. Thuộc viên ở Nội các là Trần Lý Đạo đàn hặc Quyền về tội đó. Vua sai đình thần luận tội. Đáng xử tội đồ, nhưng vua đặc cách ra lệnh cách chức, cho làm lính, phát đi đường biển để gắng sức làm việc chuộc tội”.

Khi về, bao nhiêu thơ sáng tác trong lúc xa nước xa quê, ông gom thành một tập đề là Mộng dương, các thơ văn khác gom vào bộ Tốn Phủ thi văn tập. Vua Minh Mạng khen tài ông: “Kiện tiệp tài tử”.

Sau đó mấy tháng, khoảng giữa năm 1832, vua Minh Mạng gọi ông về, ban chiếu cho vào Nội các, cho phục chức cũ, nhà vua nói: “Khanh đi 3 tháng, Trẫm ăn không ngon; Trẫm sở dĩ thống ngự được bốn phương, khu trục động loạn, không có khanh không thể được ”.

(còn nữa)

 Nguyễn Thành Hữu

Theo Đời sống
Sự thật ít người biết về rắn cườm

Sự thật ít người biết về rắn cườm

Mặc dù không độc, nhưng rắn cườm thường bị nhầm lẫn với rắn lục cườm, một loài rắn thực sự độc hại. Điều này đã dẫn đến nhiều trường hợp "chết oan" khi con người lầm tưởng rằng rắn cườm cũng độc.
Top 8 hiện tượng thiên nhiên kỳ thú không ngờ

Top 8 hiện tượng thiên nhiên kỳ thú không ngờ

Thiên nhiên luôn đem đến cho chúng ta những hiện tượng thật kỳ lạ. Những hiện tượng này không chỉ làm cho thế giới trở nên đa dạng hơn mà còn đặt ra nhiều câu hỏi cho con người muốn tìm hiểu sâu hơn về vũ trụ và thiên nhiên.
back to top