Hà Nội: Xuất hiện “Cụm công nghiệp tự phát” trong khu dân cư ở Thạch Thất?

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều nhà xưởng sản xuất, văn phòng của nhiều doanh nghiệp đã xây dựng trong khu dân cư tại thôn Khoang Mái, xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất, Hà Nội) và có dấu hiệu vi phạm cả loạt quy định hiện hành.

Nhà xưởng xây “chui”?

Theo phản ánh của người dân xã Đồng Trúc, tại địa bàn thôn Khoang Mái, hàng nghìn mét vuông đất ở, đất vườn được một số cá nhân, tổ chức mua lại của người dân rồi tiến hành xây dựng hệ thống nhà xưởng, văn phòng kiên cố trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, trật tự xây dựng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân, nhưng không được các cơ quan chức năng của huyện Thạch Thất xử lý theo quy định.

Đơn cử, cạnh nhà văn hóa thôn Khoang Mái còn xuất hiện một công ty sản xuất giấy, được phản ánh là của một đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Thạch Thất góp vốn, xây dựng với quy mô hoành tráng trên hàng nghìn mét vuông đất mua gom của người dân.

Nhà xưởng sản xuất giấy dán gỗ xây dựng với quy mô hàng nghìn mét vuông sát cạnh nhà văn hóa thôn Khoang Mái, xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội (Ảnh chụp tháng 3/2020).

Nhà xưởng sản xuất giấy dán gỗ xây dựng với quy mô hàng nghìn mét vuông sát cạnh nhà văn hóa thôn Khoang Mái, xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội (Ảnh chụp tháng 3/2020).

Theo ghi nhận, hầu hết nhà xưởng tại thôn Khoang Mái đều có vị trí giao thông thuận lợi và được phân khu, chia ô rõ ràng, được xây dựng kiên cố bằng khung thép chịu lực cỡ lớn, mọc đan xen nhau như một “cụm công nghiệp nhỏ”.

Theo người dân, thôn Khoang Mái chủ yếu là đất ở, đất đồi, vườn, loại đất này không được phép xây dựng nhà xưởng, nhà máy sản xuất. Tuy nhiên, sau khi mua lại của người dân, doanh nghiệp lại được thoải mái xây dựng?

Hệ lụy của các nhà xưởng xây “chui” này là sự ô nhiễm môi trường không kiểm soát, ảnh hưởng tới sức khỏe và đời sống của nhân dân.

Phạt cho tồn tại?

Liên quan đến sự việc trên, sau gần 2 tháng liên hệ, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Đồng Trúc. Tại buổi làm việc, ông Kiên cho biết, hiện tại, xã Đồng Trúc chưa có cụm công nghiệp tập trung nào. Tại thôn Khoang Mái chỉ có 3 hộ đã xây dựng 6 khu lán xưởng sản xuất đồ nội thất; nguồn gốc là đất ở, đất vườn trong khu dân cư.

“Khu nhà xưởng sản xuất giấy hàng nghìn mét vuông đất xây dựng ngay gần nhà văn hóa theo phản ánh của bà con nhân dân chỉ là xưởng sản xuất giấy dán gỗ chứ không phải nhà máy giấy hay của đại biểu hội đồng nhân dân huyện gì cả. Đây là xưởng của ông Nguyễn Văn Lợi, là người làng nghề Chàng Sơn vào mua đất trong này, đất ở đấy có cả đất ở, đất vườn. Vừa rồi họ xây dựng vượt ra hạn mức đất vườn, UBND xã đã lập biên bản xử phạt, gửi quyết định cưỡng chế và họ đã có cam kết tự tháo dỡ đến ngày 30/4/2020 nhưng vừa qua họ tháo dỡ chưa hết. Sau 15 ngày theo quyết định họ không tháo dỡ hết thì UBND xã sẽ cưỡng chế” – ông Kiên phân trần.

Khu nhà xưởng sản xuất giấy dán gỗ bên cạnh nhà văn hóa thôn Khoang Mái , xã Đồng Trúc chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng vượt ngoài diện tích đất vườn (Ảnh chụp tháng 3/2020).

Khu nhà xưởng sản xuất giấy dán gỗ bên cạnh nhà văn hóa thôn Khoang Mái , xã Đồng Trúc chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng vượt ngoài diện tích đất vườn (Ảnh chụp tháng 3/2020).

Theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính ngày 18/7/2019 của UBND xã Đồng Trúc, hộ ông Nguyễn Văn Lợi đã thực hiện hành vi vi phạm tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại thửa đất số 31, tờ bản đồ 16, diện tích 3.025m2, thôn Khoang Mái, với số tiền xử phạt là 2 triệu đồng. Cụ thể, hộ ông Lợi đã xây dựng tường bao cao 2,2m, tường 110, dài 150m, đã đổ bê tông nền 1.000m, đã dựng khung nhà xưởng với diện tích 2.100m2. UBND xã Đồng Trúc yêu cầu ông Lợi tháo dỡ, thu dọn phần diện tích vi phạm trả lại nguyên hiện trạng mặt bằng như ban đầu. Thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.

Tuy nhiên, từ đó cho đến nay, không hiểu vì lý do gì mà khu nhà xưởng của ông Lợi vẫn hoạt động, bất chấp quy định của pháp luật, trước sự “dửng dưng” của xã Đồng Trúc và các cơ quan chức năng huyện Thạch Thất gây bức xúc trong nhân dân. Và đến ngày 29/4/2020, UBND xã Đồng Trúc mới ban hành quyết định cưỡng chế buộc ông Nguyễn Văn Lợi phải khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Một số công trình xây dựng nhà xưởng trên hàng nghìn mét vuông trong khu dân cư thôn Khoang Mái tại xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất, Hà Nội).
Một số công trình xây dựng nhà xưởng trên hàng nghìn mét vuông trong khu dân cư thôn Khoang Mái tại xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất, Hà Nội).

Một số công trình xây dựng nhà xưởng trên hàng nghìn mét vuông trong khu dân cư thôn Khoang Mái tại xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất, Hà Nội).

Khi phóng viên đề nghị ông Kiên cung cấp hồ sơ liên quan tới việc xử lý vi phạm đối với các nhà xưởng, công ty xây dựng trái phép trên đất vườn, vị Chủ tịch UBND xã Đồng Trúc cho rằng: “Thực ra các nhà xưởng này nhỏ thôi, không phải là lớn. Đương nhiên nhà xưởng xây vượt ngoài diện tích, sản xuất lớn không phải khu công nghiệp mà nằm trong khu dân cư là gây ảnh hưởng môi trường. Đa số hộ dân sản xuất tại đây người ta không có đất sản xuất, đương nhiên người ta tự che ra, xây dựng để sản xuất”.

Ngoài hàng loạt nhà xưởng xây dựng không phép trong khu dân cư, cũng tại thôn Khoang Mái, người dân còn phản ánh việc trạm trộn bê tông Shodex 3 – Xuân Trường thuộc chi nhánh Công ty CP xây dựng Shodex 3 không có giấy phép xây dựng, báo cáo đánh giá tác động môi trường, gây ô nhiễm môi trường vẫn ngang nhiên hoạt động? Về vấn đề này, ông Kiên cho biết, UBND huyện Thạch Thất đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chi nhánh sản xuất bê tông - Công ty CP xây dựng Shodex 3.

“Anh xem chia sẻ cho địa phương, chia sẻ cho Công ty CP xây dựng Shodex 3” – ông Kiên nhờ.

Buông lỏng quản lý xây dựng có thể bị truy cứu hình sự

Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về quy định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội có hiệu lực tháng 4/2019 quy định, tất cả công trình xây dựng trên địa bàn thành phố phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vi phạm về TTXD phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch.

Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý TTXD nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các vi phạm trật tự xây dựng thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm bị xử lý hành chính, bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại vật chất phải bồi thường theo các quy định của pháp luật.

Theo Đời sống
back to top